TS Bùi Đức Hiếu: Thị trường tín chỉ các-bon trên thế giới hoạt động rất sôi động
(TN&MT) - Trả lời câu hỏi kinh nghiệm của các nước đối với việc mua bán, giao dịch tín chỉ carbon thích ứng với các hoạt động thích ứng về biến đổi khí hậu hiện nay?... TS Bùi Đức Hiếu - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ TN&MT cho biết: Thị trường tín chỉ các - bon trên thế giới hiện rất sôi động.
Như Báo Tài nguyên và Môi trường đã đưa tin, sáng 27/11/2023 tại TP.HCM, sau khi diễn ra Lễ Công bố giải Báo chí Phát triển Xanh thường niên lần thứ Nhất cùng các phiên Tọa đàm: “Kinh tế tuần hoàn - từ thực tế đến chính sách” và tọa đàm “Thị trường Tài chính Carbon: Cơ hội và Thách thức” .
Chuỗi sự kiện do Câu lạc bộ Báo chí Phát triển Xanh hướng đến NetZero Carbon (GREEN MEDIA HUB), phối hợp với Báo Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Văn hoá Báo chí - Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức.
Tại tọa đàm “Thị trường Tài chính Carbon: Cơ hội và Thách thức”, TS Bùi Đức Hiếu đã chia sẻ về thị trường tín chỉ các-bon trên Thế giới và góc nhìn của ông xung quanh chuyện này ở Việt Nam trong hiện tại và tương lai.
Mỗi một quốc gia, mỗi khu vực có cách thức vận hành khác nhau
TS Bùi Đức Hiếu khẳng định, hiện nay thị trường tín chỉ các-bon trên thế giới hoạt động rất sôi động, ở khắp các châu lục, tuy nhiên mỗi một quốc gia, mỗi khu vực có cách thức và lịch sử vận hành khác nhau.
Cụ thể:, đầu tiên về thời gian triển khai thực hiện, thị trường các-bon của Liên minh Châu Âu là được hình thành sớm nhất trên thế giới vào năm 2005, đến nay trải qua 05 giai đoạn. Tiếp theo đó là đến thị trường Hàn Quốc vận hành thử nghiệm vào năm 2012, chính thức vào năm 2015 và trải qua 03 giai đoạn. Thị trường Trung Quốc vận hành thử nghiệm năm 2012 tại một vài tỉnh và chính thức toàn quốc năm 2022, Anh từ năm 2021, Nhật Bản vừa kết thúc thử nghiệm, vận hành chính thức từ 4/2023.
Tiếp theo đó về cách thức vận hành: thị trường các-bon trên thế giới hiện đang vận hành theo 3 hình thức thức, gồm: (i) bắt buộc, (ii) tự nguyện, (iii) tuân thủ theo Điều 6 thỏa thuận Paris. Ngoài ra, có một hình thức nữa không liệt vào 3 loại trên, và tương đối đơn giản là đơn thuần mang lên sàn mua bán, hiện chỉ có Singapore đang thực hiện...
Có thể tóm tắt 3 hình thức như: Hình thức thứ nhất - bắt buộc: Chính phủ yêu cầu các doanh nghiệp trong danh sách giảm phát thải bắt buộc phải giảm phát thải hằng năm, và mỗi quốc gia lại yêu cầu giảm phát thải theo các ngành, lĩnh vực khác nhau, chứ không phải tất cả ngành, lĩnh vực đang phát thải của quốc gia đó. Dựa trên hạn mức phát thải do Chính phủ áp cho mỗi ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp phát thải vượt trần sẽ phải mua tín chỉ của Chính phủ bán hoặc mua của doanh nghiệp đang có sẵn tín chỉ do phát thải không hết hạn mức.
Hình thức thứ hai - tự nguyện: các doanh nghiệp không nằm trong danh sách Chính phủ yêu cầu giảm phát thải, nhưng đăng ký tự nguyện giảm phải thải, hoặc các doanh nghiệp lĩnh vực năng lượng tái tạo. Các doanh nghiệp này sẽ đăng ký với Chính phủ, thông qua một số tổ chức thẩm định cấp tín chỉ quốc tế như Tiêu chuẩn vàng - Gold Standard, Xác nhận tiêu chuẩn các-bon - VCS, Hội đồng các-bon toàn cầu - Global Carbon Council; sau khi được cấp tín chỉ, các doanh nghiệp sẽ đưa lên sàn mua bán, trao đổi, và có thể bán cho các tổ chức, doanh nghiệp quốc tế.
Hình thức thứ ba - Tuân thủ theo Điều 6 thỏa thuận Paris: thực hiện theo cách thức hai quốc gia ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác, nội dung trao đổi tín chỉ có thể tập trung vào một hoặc nhiều lĩnh vực, một hoặc nhiều doanh nghiệp. Ví dụ một quốc gia phát triển tài trợ công nghệ, kỹ thuật, tài chính cho một số lĩnh vực của một quốc gia đang phát triển, sau đó khi các doanh nghiệp ở quốc gia đang phát triển tạo ra được tín chỉ các-bon. Lượng tín chỉ này một phần được giữ lại ở doanh nghiệp và quốc gia đang phát triển đó, một phần sẽ đưa về nước phát triển. Tỷ lệ bao nhiêu phần trăm cho mỗi bên sẽ do thỏa thuận ban đầu giữa hai quốc gia.
Về giá tín chỉ các-bon, ông Bùi Đức Hiếu cho biết, ở hình thức thứ ba (tuân thủ theo Điều 6 thỏa thuận Paris) sẽ không có giá tín chỉ, chỉ có hình thức thứ nhất, và hình thức thứ hai như đã nêu ở trên, tín chỉ được định giá thông qua đấu giá hoặc mua bán trên sàn. Giá tín chỉ phụ thuộc vào cung - cầu, cụ thể phụ thuộc vào tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, ngành, lĩnh vực phát thải. Như Hàn Quốc hiện nay chỉ giao dịch khoảng 5-6 USD/tín chỉ, Úc 25 USD, Trung Quốc 10 USD, EU lên đến 77 Euro...
Cơ hội để chính doanh nghiệp thay đổi mô hình sản xuất
Trả lời câu hỏi, Chính phủ đang đặt mục tiêu 2025 vận hành thử nghiệm sàn giao dịch tín chỉ carbon, 2028 vận hành chính thức, các tổ chức quốc tế cũng muốn hỗ trợ Việt Nam, các Cơ chế trao đổi kết quả giảm phát thải song phương ITMO cũng đã thiết lập... Vậy cơ hội của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc hợp tác quốc tế để chia sẻ “nguồn lợi” từ dòng tài chính này như thế nào? Liệu đên 2028 thì có muộn quá không... TS Bùi Đức Hiếu cho biết: Một là các quốc gia xung quanh ta chỉ có Hàn Quốc là sớm, còn lại so với các quốc gia khác như Nhật Bản, Trung Quốc, các quốc gia Đông Nam Á, Nam Mỹ, nhiều nước chuẩn bị vận hành như ta, hoặc sớm hơn 1-2 năm. Thậm chí Singapore họ chỉ mua bán tín chỉ, không thành lập thị trường bắt buộc và tự nguyện.
Đối với nước ta, là nước đang phát triển, nền kinh tế, sản xuất đang có độ mở cao, nếu chúng ta áp dụng sớm thị trường, đồng nghĩa với việc bắt buộc các doanh nghiệp giảm phát thải, sẽ tác động rất lớn đến nền kinh tế, doanh nghiệp phải bỏ rất nhiều chi phí để chuyển đổi công nghệ.
“Mà các công nghệ để giảm phát thải lại rất đắt đỏ, ngoài chi phí mua, chuyển đổi công nghệ, còn phải xem xét đến đội ngũ nhân lực vận hành, làm chủ các công nghệ, máy móc đó. Tuy nhiên, chúng ta phải làm, chúng ta phải chuyển đổi, nếu không chúng ta sẽ tụt hậu với thế giới” - TS Bùi Đức Hiếu nói.
Liên quan đến lợi ích doanh nghiệp, ông Bùi Đức Hiếu cho rằng, doanh nghiệp sẽ có nhiều mặt lợi và cũng sẽ có nhiều thách thức phải đối mặt trong cuộc chơi hướng tới net zero và thị trường các-bon.
Về mặt vĩ mô, doanh nghiệp giảm phát thải, tham gia thị trường các-bon là cùng Chính phủ để thực hiện cam kết quốc tế trong giảm phát thải. Trực tiếp đóng góp vào công cuộc bảo vệ loài người trước tác động của biến đổi khí hậu.
Về những mặt lợi trực tiếp mà doanh nghiệp có được: Tham gia thị trường các-bon, tài chính xanh chắc chắn sẽ làm tăng thương hiệu của doanh nghiệp, qua đó sẽ giúp doanh nghiệp có nhiều điểm cộng trong đàm phán, xuất khẩu sản phẩm;
Bên cạnh đó, doanh nghiệp thực hiện giảm phát thải cũng là cơ hội để chính doanh nghiệp thay đổi mô hình sản xuất, công nghệ (vì chúng ta không ai cứ sống với cái cũ mãi, phải luôn làm mới mình để tồn tại và phát triển). Qua đó tạo ra tín chỉ để bán ra thị trường, thu về lợi nhuận. Ví dụ như Tesla năm 2022 bán tín chỉ các-bon thu về 1,78 tỷ USD, chiếm 10% tổng lợi nhuận Tesla trong năm đó.
Còn đối với các doanh nghiệp trung gian mua bán tín chỉ, sàn giao dịch, ông Bùi Đức Hiếu cho rằng đây cũng là cơ hội có thêm một sản phẩm để kinh doanh trao đổi. “Và cũng như các nước trên thế giới, tôi tin thị trường giao dịch tín chỉ Các-bon của chúng ta sẽ rất sôi động...” - TS Bùi Đức Hiếu nói.