Truyền thông về biến đổi khí hậu: Đa dạng hóa cách thức truyền tải thông tin

20/06/2019 17:48

(TN&MT) - Trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu có chiều hướng gia tăng, hợp tác quốc tế và nỗ lực ứng phó từ Trung ương đến địa phương có nhiều chuyển biến tích cực, công tác truyền thông về biến đổi khí hậu cũng đòi hỏi đa dạng hóa hình thức truyền tải, nội dung thông tin. Từ đó, thay đổi nhận thức đến hành vi của cộng đồng theo hướng chủ động thích ứng với sự bất thường của thiên nhiên, giảm phát thải và bảo vệ tài nguyên môi trường.

T12a
Truyền thông góp phần thu hút cộng đồng tham gia nhiều hơn các hoạt động ứng phó BĐKH. Ảnh: MH

Thông tin nhiều chiều

Thực tế hiện nay, trên các phương tiện truyền thông đại chúng, nội dung chủ yếu tập trung vào các biểu hiện và hậu quả của biến đổi khí hậu. Thay vì chỉ mô tả BĐKH như một nguy cơ lớn đối với con người ở mức độ quốc gia và toàn cầu, những năm gần đây, báo chí đã khai thác nhiều hơn thực trạng tác động của BĐKH tại các địa phương cụ thể, đặc biệt là các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như bão, mưa cực đoan, hạn hán, mưa lớn hay nắng nóng kéo dài bất thường; những hiện tượng đi kèm như xâm nhập mặn, trượt lở, ngập lụt, lũ quét, sạt lở bờ sông, bờ biển… Báo chí trở thành kênh thông tin nhanh nhạy, đã kịp thời phản ánh các vấn đề thời sự ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân, doanh nghiệp ở cơ sở đến các cấp chính quyền.

Chuyển biến rõ nét trong công tác truyền thông về biến đổi khí hậu, đó là thông tin nhiều chiều hơn. Bên cạnh chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các cơ quan truyền thông đã thể hiện quan điểm, góc nhìn đa chiều từ các chuyên gia, nhà khoa học ở tất cả các lĩnh vực liên quan; hoạt động thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH của các cơ quan quản lý; thực tiễn công tác ứng phó của các tổ chức, cá nhân ở tất cả các cấp.

Có được điều này là nhờ sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, từ các cơ quan của Đảng, Nhà nước đến Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, trong đó vai trò chủ lực thuộc về các cơ quan báo chí của Đảng, Nhà nước, các cơ quan tuyên truyền, truyền thông của ngành tuyên giáo, ngành thông tin và truyền thông, ngành tài nguyên và môi trường. Thời gian gần đây, các tổ chức phi chính phủ, tổ chức xã hội - nghề nghiệp cũng chủ động tổ chức các hoạt động, hoặc lồng ghép công tác truyền thông nâng cao nhận thức vào các chương trình, dự án cộng đồng.

T12
Truyền thông góp phần thu hút cộng đồng tham gia nhiều hơn các hoạt động ứng phó BĐKH. Ảnh: MH

Kênh truyền tải thông tin truyền thông về biến đổi khí hậu cũng mở rộng hơn, tận dụng sức mạnh kết nối của internet, mạng xã hội, mạng viễn thông. Truyền thông trên mạng xã hội cho phép người sử dụng đăng tải và chia sẻ nhiều loai nội dung, dễ tương tác và kết nối nhiều đối tượng ở khắp các vùng miền. Điển hình là một số cuộc thi tìm hiểu về biến đổi khí hậu qua ảnh, bài viết, infographic, video clip ngắn… đã đưa tiêu chí về lượt like, share vào căn cứ chấm giải, thậm chí có giải thưởng riêng cho bài dự thi được tương tác nhiều nhất. Mặt khác, đây là loại hình truyền thông có ưu thế tiếp cận hiệu quả với giới trẻ - một lực lượng lớn của xã hội cùng tham gia vào các hoạt động ứng phó BĐKH, bảo vệ môi trường. Độ tuổi truyền thông BĐKH cũng dần được trẻ hóa đến các cấp tiểu học, THCS, đặc biệt là ở các thành phố lớn và những địa phương nằm trong vùng dễ bị tổn thương.

Phát huy vai trò của báo chí

Như đã đề cập, báo chí vẫn đóng vai trò chủ lực, là kênh thông tin chính thống và thường xuyên để tuyên truyền đến công chúng về biến đổi khí hậu. Cả bốn loại hình: báo in, phát thanh, truyền hình, báo mạng điện tử cần phát huy thế mạnh riêng nhưng vẫn có sự nhất quán, liên tục trong nội dung truyền thông, tác động nhằm thay đổi nhận thức và hành động của cộng đồng.

Trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, Chính phủ sẽ tập trung đẩy mạnh thực thi chủ trương, chính sách về BĐKH nhằm góp phần cùng với các quốc gia thực hiện cam kết toàn cầu về ngăn sự ấm lên của Trái đất. Vì vậy, trọng tâm công tác truyền thông cũng sẽ theo hướng triển khai có hiệu quả Chiến lược quốc gia về Biến đổi khí hậu, Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris, Chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH; Chương trình Mục tiêu ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh… 

Trong điều kiện hiện nay, rất cần tuyên truyền nhiều về các mô hình tốt, cách làm hay, tấm gương cụ thể về chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; về các phương án, cách thức thay đổi tập quán sản xuất - kinh doanh, tổ chức đời sống dân cư để thích nghi với điều kiện biến đổi khí hậu, từ các cơ sở khoa học đến kinh nghiệm thực tiễn, phương án triển khai trên diện rộng... Ví dụ, thiết kế, xây dựng nhà ở, công trình dân sinh (điện, đường, trường, trạm...) có khả năng chống chịu thiên tai; quy hoạch sản xuất cây trồng, vật nuôi thích hợp với điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn… Đặc biệt là các nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính ở các ngành, lĩnh vực bởi từ năm 2020 trở đi, Việt Nam sẽ bắt buộc phải giảm phát thải theo yêu cầu của Thỏa thuận Paris. Truyền thông cần giúp cộng đồng nhìn nhận, biến đổi khí hậu không chỉ đem đến nguy cơ mà còn có nhiều cơ hội để chuyển đổi kinh tế, phát triển sản xuất bứt phá, tạo lợi thế cạnh tranh.

Một vấn đề cần quan tâm, đó là tác động cộng hưởng từ hoạt động phát triển kinh tế - xã hội với biểu hiện của BĐKH. Các kịch bản BĐKH, nghiên cứu khoa học cả quốc tế và trong nước đều chỉ ra, BĐKH diễn ra trong thời gian dài đến hàng chục, hàng trăm năm và tích tụ dần các hệ quả như nước biển dâng, mất các vùng đồng bằng ven biển, thiếu nước và thời tiết biến đổi bất thường. Dù vậy, con người đang làm diễn biến nhanh hơn các tác động này bằng việc khai thác thiếu bền vững tài nguyên thiên nhiên (cát sỏi lòng sông, bờ biển, rừng, nước ngọt ở bề mặt và nước ngầm…). Trước mắt, thiên tai và những hiện tượng cực đoan đi kèm đang ngày càng gia tăng, có chiều hướng bất thường, khó dự đoán và tác động tiêu cực hơn đến đời sống.

Trong thời gian tới, báo chí cũng sẽ phải tự “làm mới” cách thức truyền tải thông tin, tăng tính hấp dẫn, sinh động và tận dụng được mạng xã hội để tiếp cận nhiều độc giả hơn nữa. Những điều này sẽ tạo ra “xung lực” tác động mạnh mẽ để dẫn tới việc thay đổi nhận thức, hành động của cộng đồng và thay đổi chính sách, biện pháp quản lý từ phía các cơ quan quản lý.                         

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Truyền thông về biến đổi khí hậu: Đa dạng hóa cách thức truyền tải thông tin
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO