Tài nguyên nước

Quy định mới về tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước

Nguyễn Thủy - Văn Dinh - Lê Hùng - Thu Thủy - Nguyễn Nga (lược ghi) 22/08/2024 - 12:20

(TN&MT) - Để triển khai hiệu quả các quy định về việc thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, đồng thời khuyến khích tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, ngày 16/5/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định 54/2024/NĐ-CP quy định việc hành nghề khoan nước dưới đất, kê khai, đăng ký, cấp phép, dịch vụ tài nguyên nước và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (Nghị định 54). Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Đây được coi là giải pháp nhằm hạn chế thất thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước hiện nay.

Khai thác nước phục vụ cho sinh hoạt phải nộp tiền

Theo quy định của Nghị định 54, tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nước thuộc trường hợp phải cấp phép khai thác nước mặt, nước dưới đất phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước trong các trường hợp, cụ thể: Khai thác nước mặt để phát điện có mục đích thương mại; Khai thác nước mặt, nước dưới đất để phục vụ hoạt động sản xuất (bao gồm cả nước làm mát máy, thiết bị, tạo hơi, gia nhiệt), kinh doanh, dịch vụ, cấp cho nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, cấp cho sinh hoạt.

8b.jpg
Các trường hợp sử dụng mặt nước và đào hồ, ao, sông, suối, kênh, mương, rạch... sẽ phải thực hiện đăng ký cấp phép tài nguyên nước

Chia sẻ về những điểm mới của Nghị định 54 so với các quy định trước đây, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Ngô Mạnh Hà cho biết, Nghị định 54 đã bổ sung quy định thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với nước sinh hoạt, bao gồm khai thác nước mặt để phát điện cho mục đích thương mại và khai thác nước mặt, nước dưới đất để phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ nuôi trồng thủy sản, cấp nước cho nông nghiệp và cấp cho sinh hoạt.

Đối tượng được miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước là các trường hợp cấp nước cho sinh hoạt của người dân ở các khu vực biên giới, hải đảo, địa bàn có điều kiện kinh tế -xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn nhằm tạo điều kiện cho bà con ở những vùng sâu, vùng xa. Ngoài ra, còn có hạng mục công trình khai thác tài nguyên nước đã được Chính phủ bảo lãnh và trường hợp các công trình khai thác, sử dụng nước trong thời gian bị hư hỏng và sự cố bất khả kháng dẫn đến không thể tiếp tục khai thác nước, buộc phải dừng việc khai thác.

Nghị định cũng quy định đối tượng được giảm tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, bao gồm 4 trường hợp: Các công trình khai thác nước phải cắt, giảm lượng nước khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu cắt giảm; các công trình khai thác, sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước, tiết kiệm nước; hồ chứa đã vận hành phải điều chỉnh, bổ sung dung tích phòng lũ cho hạ du so với nhiệm vụ của hồ chứa đã được phê duyệt và việc khai thác nước cho sản xuất nông nghiệp trong thời gian xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Đơn giản hóa thủ tục hành chính kê khai, đăng ký, cấp phép

Theo ông Ngô Mạnh Hà, Nghị định 54 được Bộ TN&MT xây dựng theo hướng các quy định về thủ tục hành chính đảm bảo rõ ràng, cụ thể, minh bạch; đơn giản hoá thủ tục hành chính; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước về tài nguyên nước. Bên cạnh đó, Nghị định quy định cụ thể các trường hợp đảm bảo tính đầy đủ, toàn diện, khả thi, thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân khai thác sử dụng nước trong thực thi quy định pháp luật về tài nguyên nước, đồng thời nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.

Một trong những điểm đáng chú ý của Nghị định là việc đơn giản hoá thủ tục kê khai, đăng ký, cấp phép. Theo đó, các hộ gia đình khai thác sử dụng nước dưới đất phục vụ sinh hoạt sẽ phải thực hiện kê khai, đăng kí, cấp quyền khai thác tài nguyên nước. Cùng với đó, các công trình khai thác nước dưới đất phục vụ một số mục đích có quy mô nhỏ; công trình đập ngăn sông, suối, kênh, mương, rạch chỉ có mục đích ngăn mặn, tạo nguồn, chống ngập, tạo cảnh quan; các trường hợp sử dụng mặt nước và đào hồ, ao, sông, suối, kênh, mương, rạch... sẽ phải thực hiện đăng ký thay vì phải lập hồ sơ đề nghị cấp phép như trước đây.

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định liên quan đến việc tạm dừng có thời hạn hiệu lực của giấy phép thăm dò, giấy phép khai thác, sử dụng nước. Quyền lợi của tổ chức, cá nhân sẽ được giảm tiền cấp quyền khai thác nước trên cơ sở trừ số tiền tương ứng với số ngày mà họ dừng việc khai thác.

Thẩm quyền cấp phép tài nguyên nước

Đối với thẩm quyền cấp phép tài nguyên nước, Nghị định 54 quy định, Bộ TN&MT, UBND cấp tỉnh phê duyệt, điều chỉnh tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với trường hợp thuộc thẩm quyền cấp giấy phép khai thác tài nguyên nước.

8a.png

Cơ quan tiếp nhận và trả kết quả tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (cơ quan tiếp nhận hồ sơ) bao gồm: Văn phòng Tiếp nhận và Trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính của Bộ TN&MT có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ.

Bộ phận một cửa hoặc Trung tâm Phục vụ hành chính công có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND cấp tỉnh. Trường hợp địa phương chưa thành lập Bộ phận một cửa hoặc Trung tâm Phục vụ hành chính công thì Sở TN&MT có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND cấp tỉnh.

Cơ quan thẩm định, quản lý hồ sơ, quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (cơ quan thẩm định hồ sơ), bao gồm: Cơ quan chuyên môn về tài nguyên nước thuộc Bộ TN&MT có trách nhiệm tổ chức thẩm định và quản lý hồ sơ, quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với các trường hợp thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ TN&MT.

Sở TN&MT có trách nhiệm tổ chức thẩm định và quản lý hồ sơ, quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với các trường hợp thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Kinh phí chi cho hoạt động thẩm định hồ sơ tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước được lấy từ nguồn thu phí khai thác, sử dụng nguồn nước.

Thu, nộp, quản lý, sử dụng tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước

Chia sẻ về quy định thu, nộp, quản lý, sử dụng tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, bà Nguyễn Thị Phương Hoa - Trưởng phòng quản lý lưu vực sông Nam Trung Bộ, Cục quản lý tài nguyên nước cho biết, theo Nghị định 54, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước được thông báo, nộp sau khi công trình đi vào vận hành và có quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Sau khi nhận được quyết định phê duyệt, điều chỉnh, truy thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, Cục thuế địa phương nơi có công trình khai thác tài nguyên nước ban hành thông báo nộp tiền cấp quyền gửi tổ chức, cá nhân nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.

Theo quy định tại Nghị định 54, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước được nộp hằng năm theo số tiền được ghi trong quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước. Căn cứ khả năng của mình, chủ giấy phép lựa chọn phương thức nộp tiền một lần trong năm, hai lần trong năm hoặc nộp một lần cho cả thời gian được phê duyệt. Việc nộp tiền một lần cho cả thời gian phê duyệt tiền cấp quyền do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt tiền cấp quyền quyết định trên cơ sở đề xuất của chủ giấy phép và được quy định trong quyết định phê duyệt tiền cấp quyền.

Đặc biệt, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước là một loại chi phí được xác định trong giá thành sản xuất của chủ giấy phép.

Ông Lê Bá Phúc - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên - Huế:

Luật Tài nguyên nước 2023 giúp địa phương quản lý chặt chẽ, khoa học, tránh thất thoát tài nguyên nước

9abp.jpg
Ông Lê Bá Phúc -
Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên - Huế

Nguồn tài nguyên nước của tỉnh khá phong phú, nhất là tài nguyên nước mặt của hệ thống sông Hương và tài nguyên nước dưới đất được phân bố tương đối đều trên địa bàn toàn tỉnh.

Thời gian qua, tỉnh đã cấp 3 giấy phép thăm dò nước dưới đất; 7 giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất và 16 giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt. Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước với tổng số tiền hơn 6,8 tỷ đồng.

Luật Tài nguyên nước 2023 và Nghị định 54/2024/NĐ-CP đã thể chế hóa được quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về quản lý, bảo vệ tài nguyên nước, vì thế, tỉnh kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả việc khai thác, sử dụng bền vững, đảm bảo an ninh nguồn nước cho hiện tại và tương lai. Trong đó, tỉnh đang phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, nhiều khu công nghiệp, khu đô thị mới đã và đang xây dựng, hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng ngày càng mở rộng. Kỳ vọng Luật Tài nguyên nước sẽ hạn chế những tác động tiêu cực của quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa cùng với dân số ngày càng tăng của tỉnh, giải quyết vấn đề thiếu nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất...

Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo cơ quan chuyên môn thẩm định, quản lý hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác tài nguyên nước, thăm dò nước dưới đất, hành nghề khoan nước dưới đất và hồ sơ tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước. Kiểm tra, thanh tra, đôn đốc việc chấp hành pháp luật về thực hiện quy định của giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất, giấy phép khai thác tài nguyên nước, giấy phép thăm dò nước dưới đất, kê khai, đăng ký khai thác, sử dụng tài nguyên nước, dịch vụ về tài nguyên nước... Cập nhật thông tin, dữ liệu của giấy phép thăm dò, khai thác nước, giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường vào Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước quốc gia.

Mặt khác, cải cách quy trình về thủ tục hành chính để có thể ứng dụng tối đa công nghệ thông tin, công nghệ số trong hoạt động cung cấp dịch vụ công trực tuyến, hướng tới cung cấp toàn bộ thông tin về thủ tục hành chính trên môi trường mạng. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với UBND cấp huyện, UBND cấp xã tổ chức việc thực hiện phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn việc kê khai trên ứng dụng kê khai, đăng ký khai thác, sử dụng tài nguyên nước thuộc địa bàn nhằm đảm bảo thực thi hiệu quả, nâng cao nhận thức về bảo vệ tài nguyên nước, khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.

Ông Phạm Nam Huân - Phó Giám đốc Sở TN&MT TP. Cần Thơ:

Chú trọng cấp phép khai thác tài nguyên nước

8bhuan.jpg
Ông Phạm Nam Huân -
Phó Giám đốc Sở TN&MT TP. Cần Thơ

Thời gian qua, TP. Cần Thơ đã triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, cấp phép khai thác và sử dụng tài nguyên nước, phục vụ mục tiêu phát triển kính tế - xã hội của thành phố.

Cụ thể, TP. Cần Thơ hiện đang tiếp tục triển khai thực hiện các dự án, đề án lập danh mục các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ, các vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; lập bản đồ phân vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; khoanh định vùng phải đăng ký khai thác nước dưới đất; xây dựng hệ thống giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước; đồng thời, siết chặt công tác cấp, gia hạn giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước mặt, nước dưới đất; không cấp mới, gia hạn các giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước dưới dất ở những nơi có hệ thống nước máy đi qua đảm bảo cung cấp đủ về số lượng và chất lượng. Từ đầu năm 2024 đến nay, TP. Cần Thơ đã cấp 4 giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt tổng lưu lượng 22.680 m3/ngày đêm; gia hạn 1 giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất lưu lượng 500 m3/ngày đêm; phê duyệt 9 hồ sơ tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.

Có thể nói tài nguyên nước có vai trò, vị trí rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cũng như của quốc gia và đã được luật hóa trong Luật Tài nguyên nước 2012 và gần đây nhất là Luật Tài nguyên nước 2023 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024. Luật sẽ giúp các địa phương khắc phục một số khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý, cấp phép khai thác và sử dụng tài nguyên nước; huy động nguồn lực để hoàn thiện, đổi mới chính sách, cơ chế tài chính ngành nước theo hướng quản trị thông minh trên nền tảng công nghệ số; thu hút nguồn lực xã hội đầu tư phát triển ngành nước và tái sử dụng nguồn nước; quyền lợi và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân từ hoạt động cải tạo phục hồi nguồn nước, bảo vệ, phòng chống tác hại do nước gây ra; đặc biệt, các quy định rõ ràng, dễ hiểu của Luật Tài nguyên nước 2023 sẽ mang tính khả thi cao trong quá trình triển khai thực hiện Luật; đồng thời, thúc đẩy đầu tư, xã hội hóa đi đôi với tăng cường bảo vệ, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước trên địa bàn thành phố.

Ông Lê Sỹ Nghiêm - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa:

Quản lý tài nguyên nước hiệu quả

9dnghiem.jpg
Ông Lê Sỹ Nghiêm -
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa

Hàng năm, Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa đã tổ chức triển khai Đo triều - mặn trên hệ thống sông Mã, sông Yên và sông Bạng. Kết quả đo triều mặn được cập nhật gửi đến UBND cấp huyện và các sở ban ngành kịp thời để chỉ đạo các đơn vị thủy nông, các đơn vị khai thác, sử dụng nước vận hành hợp lý các công trình khai thác nước thuộc vùng sông ảnh hưởng của thuỷ triều trên hệ thống sông Mã, sông Yên, sông Bạng để phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân trong vùng.

Bên cạnh đó Sở cũng thường xuyên tham mưu, thẩm định cấp Giấy phép tài nguyên nước cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh, với tổng số giấy phép 334 giấy (183 Giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất, 91 Giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới mặt, 52 Giấy phép thăm dò nước dưới đất, 8 Giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất). Chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra các đơn vị đang có hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước và Hồ sơ đề nghị cấp phép của các tổ chức cá nhân. Cụ thể, từ năm 2020 đến nay, đã thực hiện thanh, kiểm tra 355 cuộc; Số tổ chức, cá nhân được thanh, kiểm tra là 537; đã phát hiện 41 trường hợp có hành vi vi phạm hành chính; số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 1.838.000.000 đồng; số lợi bất hợp pháp đã thu hồi là 600.130.00 đồng.

Thực hiện tính tiền cấp quyền khai thác nước theo quy định tại Nghị định số 82/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 của Chính phủ quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; Nghị định số 41/2021/NĐ-CP ngày 30/3/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 82/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành 370 Quyết định phê duyệt tiền cấp quyền, với số tiền đã phê duyệt 61 tỷ đồng.

Để Luật Tài nguyên nước 2023 đi sâu vào từng địa phương các cấp, Sở cũng đã ban hành Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức, viên chức làm công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường trên bàn tỉnh, tổ chức 2 lớp tập huấn với số lượng khoảng 800 cán bộ, công chức, viên chức làm công tác tài nguyên và môi trường. Qua đó, giúp cán bộ, công chức, viên chức phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện, cấp xã nắm vững, áp dụng và thực hiện tốt các quy định của pháp luật về tài nguyên và môi trường trong quá trình thực thi nhiệm vụ tại cơ sở.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Sơn La:

Tăng thu ngân sách từ tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước

9hung.jpg
Ông Nguyễn Mạnh Hùng -
Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Sơn La

Sơn La là địa phương có tiềm năng về tài nguyên nước với 35 suối lớn, 2 sông lớn là sông Đà dài 280km, sông Mã dài 90km với 17 phụ lưu chảy qua. Từ một tỉnh "trắng" giấy phép, đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có khoảng 175 giấy phép khai thác tài nguyên nước còn hiệu lực. Đã ban hành 81 quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước với tổng số tiền trên 5,8 tỷ đồng.

Tuy nhiên, quá trình triển khai Luật Tài nguyên nước 2012, công tác tính tiền cấp quyền khai thác còn một số điểm hạn chế. Theo cách tính cũ, nhiều tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước cho mục đích sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp không thuộc đối tượng nộp tiền cấp quyền; đồng thời, mức thu theo quy định với một số chủ giấy phép rất thấp, khoảng 5 - 10 triệu đồng/1 giấy phép thời hạn 5 - 7 năm. Ngoài ra, chưa có chế tài cụ thể với việc khai thác tài nguyên nước của hộ gia đình.

Luật Tài nguyên nước 2023 và Nghị định 54/2024/NĐ-CP đã gỡ khó cho các địa phương nói chung, Sơn La nói riêng trong công tác đăng ký, cấp phép, tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước. Đã bổ sung công tác kê khai tài nguyên nước với việc khai thác quy mô hộ gia đình, cá nhân. Đặc biệt, đã quy định đối tượng, mức tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước cho mục đích sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp.

Trước thời điểm Luật Tài nguyên nước có hiệu lực thi hành, Sở TN&MT đã trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật; giao rõ nhiệm vụ cho các sở ngành, các địa phương tập trung tuyên truyền, phổ biến Luật Tài nguyên nước và các văn bản quy định chi tiết.

Hiện nay, Sở TN&MT đang rà soát các văn bản cần sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ cho phù hợp; trình UBND tỉnh điều chỉnh nội dung liên quan đến vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; tăng cường tuyên truyền, phổ biến đến 4 nhóm đối tượng liên quan đến khai thác tài nguyên nước, gồm: công trình thủy điện, thủy lợi, các công trình cấp nước tập trung và các chủ giấy phép khác.

Cùng với đó, tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên nước để quản lý các hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, hành nghề khoan nước dưới đất. Góp phần khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên nước theo hướng bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quy định mới về tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO