Trường học bị ô nhiễm do nước thải

26/05/2015 00:00

(TN&MT) - Chỉ một trận mưa cũng đủ khiến cả trường Trường THCS Chàng Sơn và 15 hộ dân ở đội 1, xã Chàng Sơn (huyện Thạch Thất, TP. Hà Nội) khốn đốn vì ngập úng cục bộ. Nước mưa hòa lẫn nước thải, nước tù ứ đọng gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân. Dù tình trạng này đã diễn ra một thời gian dài nhưng vẫn không được chính quyền giải quyết triệt để.

Trao đổi với chúng tôi, cô giáo Phạm Thị Nguyệt, Phó hiệu trưởng Trường THCS Chàng Sơn, cho biết: Sân trường ngập nước do người dân tự ý đục tường để xả nước qua đây. Nguyên nhân là do thôn, đội không có lối thoát nước. Trước đây khi nhà trường xây tường bao đã để lại hơn 1 mét đất chạy dọc theo chiều tường để làm lối thoát nước cho các hộ dân phía trên. Nhưng đến nay, các hộ dân phía dưới đã xây nhà lấn chiếm phạm vào cả đất nhà trường, khiến nước thải trong sinh hoạt của các hộ dân ở phía trên không có lối thoát. Chính vì vậy, mỗi lần mưa xuống dù lớn hay nhỏ, nước cống rãnh ứ đọng lâu ngày lại bị rửa trôi chảy tràn qua sân trường bốc lên mùi hôi thối rất mất vệ sinh, đặc biệt ảnh hưởng đến sức khỏe của hơn 600 cán bộ, giáo viên và học sinh trong trường. Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm nay nhưng chưa được chính quyền địa phương giải quyết dứt điểm.

 

Ông Chu Văn Thảo, đội 1, xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất,TP. Hà Nội xắn quần lội ở ngõ bị ngập nước trước cửa nhà mình
Ông Chu Văn Thảo, đội 1, xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất,TP. Hà Nội xắn quần lội ở ngõ bị ngập nước trước cửa nhà mình

Ông Chu Văn Thảo, đội 1, xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, TP. Hà Nội bức xúc: Rãnh thoát nước của các hộ dân, cộng thêm với đất nhà trường bớt lại đã bị gia đình ông Phí Đình Sử, Trưởng Công an xã Chàng Sơn lấn chiếm rồi bán cho gia đình ông Nguyễn Văn Như, Đỗ Văn Hùng và Nguyễn Văn Toàn. Hiện nay, mỗi lần mưa xuống là nước lại ứ đọng vì đoạn cuối dòng chảy đã bị các gia đình nêu trên xây nhà, xây xưởng mộc chặn ngang. Mặt khác, nước thải trong sinh hoạt hàng ngày cũng không có chỗ để chảy ra ngoài mương, máng. Chúng tôi biết việc đục tường bao của nhà trường xả nước thải quan sân trường là việc làm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến các cháu học sinh nhưng không còn cách nào khác.

Theo thông báo số 36/TBTL-UBND, ngày 30/6/2013 của UBND xã Chàng Sơn về việc thông báo trả lời đơn thư khiếu nại của công dân thôn 1, xã Chàng Sơn kết luận: “UBND xã Chàng Sơn đã thành lập tổ công tác tiến hành kiểm tra tình hình sử dụng đất trong khu dân cư, đặc biệt đối với các hộ ở gần khu sử dụng đất công. Quá trình kiểm tra, đoàn kết luận gia đình ông Phí Đình Duyệt (bố đẻ ông Phí Đình Sử) lấn chiếm diện tích đất công sang phía trường THCS làm mất dòng chảy của 15 hộ dân là 46m2 (diện tích đất bị lấn chiếm nằm tại thửa đất số 487, tờ bản đồ 02, đo vẽ năm 2000)”.

 

Vị trí tường bao của Trường THCS Chàng Sơn bị người dân đục để làm lối thoát nước
Vị trí tường bao của Trường THCS Chàng Sơn bị người dân đục để làm lối thoát nước

Điều này nghĩa là diện tích đất của Trường THCS Chàng Sơn bị lấn chiếm đã được vào bìa đỏ của một số hộ gia đình. Đây là một việc làm tắc trách và thiếu tinh thần trách nhiệm của UBND xã Chàng Sơn và UBND huyện Thạch Thất. Qua đơn khiếu kiện của công dân, chính quyền đã biết rất rõ về diện tích đất bị lấn chiếm cũng như hành vi lấn chiếm đất công của bố con ông Trưởng Công an xã Phí Đình Sử (hiện đã bán cho các gia đình làm xưởng và nhà ở); làm mất rãnh thoát nước của 15 hộ dân sống ngay vùng lân cận. Nhưng không hiểu vì lý do gì từ năm 2011 đến nay các hộ dân vẫn phải đục tường bao nhà trường để làm chỗ thoát nước, khiến người dân bất bình kiện tụng kéo dài trong nhiều năm qua, đến nay vẫn không có hồi kết.

Được biết, các hộ dân đã nhiều lần kiến nghị lên xã Chàng Sơn xin làm cống thoát nước ngầm qua sân Trường THCS Chàng Sơn nhưng chưa được UBND xã Chàng Sơn chấp thuận. Các hộ dân đã mua ống cống xi măng để chờ UBND xã Chàng Sơn đòi lại đất công để họ lắp cống. Nhưng đến giờ các ống cống vẫn nằm lăn lóc ở góc sân trường, còn 15 hộ dân cùng tập thể thầy, cô giáo, các em học sinh Trường THCS Chàng Sơn vẫn phải chịu đựng sự ô nhiễm nước thải.

Bài và ảnh: Trần Hương

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trường học bị ô nhiễm do nước thải
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO