(TN&MT) - Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đều khẳng định triển khai quyết liệt xăng E5RON92 đúng với tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công Thương nhưng hiện tại còn gặp nhiều khó khăn bất cập nên dẫn đến sản lượng E5 chưa đạt như mong muốn.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trong 2 tháng đầu 2018, tổng lượng xăng E5 tiêu thụ nội địa là 42% (tăng 33% - 34% so với năm 2017 là 8% – 9%). Đặc biệt, một số doanh nghiệp đầu mối có tỷ trọng tiêu thụ E5 khá cao so với tổng lượng xăng tiêu thụ như Công ty Cổ phần Thiên Minh Đức (đạt 70,93%), Tổng công ty Xăng dầu Quân đội (62,37%), Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOil, đạt 51,37%), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, đạt 47,06%), Công ty TNHH Hải Linh (46,24%)… Đây là kết quả bước đầu tích cực của thị trường, tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, các doanh nghiệp đầu mối cần nỗ lực hơn, quyết tâm hơn.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trong 2 tháng đầu 2018, tổng lượng xăng E5 tiêu thụ nội địa là 42% (tăng 33% - 34% so với năm 2017 là 8% – 9%). Đặc biệt, một số doanh nghiệp đầu mối có tỷ trọng tiêu thụ E5 khá cao so với tổng lượng xăng tiêu thụ như Công ty Cổ phần Thiên Minh Đức (đạt 70,93%), Tổng công ty Xăng dầu Quân đội (62,37%), Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOil, đạt 51,37%), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, đạt 47,06%), Công ty TNHH Hải Linh (46,24%)… Đây là kết quả bước đầu tích cực của thị trường, tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, các doanh nghiệp đầu mối cần nỗ lực hơn, quyết tâm hơn.
Petrolimex hiện có 03 kho xăng dầu đầu mối đảm nhiệm vai trò phối trộn cho cả nước là B12 (Quảng Ninh), Kho Vân Phong và Tổng kho Xăng dầu Nhà Bè với hình thức phối trộn lô lớn (In-tank) và trực tiếp vào xe bồn (In-line) có thể đáp ứng năng lực pha chế 4 - 4,5 triệu m3 xăng E5/năm. Tập đoàn đã làm việc và phối hợp với các nhà máy nhiên liệu cồn để đặt hàng nguồn Ethanol cho công tác phối trộn, trong 06 tháng đầu 2018 sẽ tiếp tục nghiên cứu/đánh giá lại nhu cầu để có kế hoạch đảm bảo nguồn tốt nhất cho thị trường. |
Đại diện Petrolimex, Phó tổng giám đốc Trần Ngọc Năm khẳng định, với trách nhiệm là một doanh nghiệp chủ lực trên thị trường, Petrolimex đã quyết liệt trong chỉ đạo triển khai kinh doanh xăng E5 trên toàn hệ thống. Hiện số lượng cửa hàng xăng dầu (CHXD) của Tập đoàn bán xăng E5 chiếm tỷ lệ khoảng 82% và số vòi bơm xăng E5 chiếm khoảng gần 50% trên tổng số vòi bơm xăng, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người tiêu dùng về xăng E5. Tại những CHXD có mặt bằng rộng, Tập đoàn đang đầu tư 01 cột bơm có 4 vòi hoặc 6 vòi để đáp ứng nhu cầu của xã hội. Ông Trần Ngọc Năm cho biết thêm, Tập đoàn đã xây dựng chính sách khuyến khích bán lẻ xăng E5 tại các CHXD, định hướng giao kế hoạch năm 2018 trong toàn Tập đoàn phấn đấu tiêu thụ xăng E5 chiếm tỷ trọng cao hơn xăng RON 95.
Phó Tổng giám đốc Trần Ngọc Năm chia sẻ, tỷ trọng bán xăng E5 chưa đạt mức kỳ vọng, do người tiêu dùng chưa thực sự tin tưởng khi sử dụng xăng E5 bởi dư luận trong xã hội còn có nhiều ý kiến trái chiều; Độ chênh giá giữa xăng sinh học E5 và xăng khoáng RON 95 chưa đủ lớn để hấp dẫn người dùng; Việc triển khai của nhiều thương nhân đầu mối chưa thực sự quyết liệt... Bên cạnh đó, giá sắn trong nước đang tăng cao làm tăng giá thành nguyên liệu đầu vào để sản xuất cồn E100 khiến cho mức giá bán E100 gần đây tăng lên, khiến chi phí phối trộn xăng E5 cũng bị tăng lên, gây khó khăn cho doanh nghiệp...
Cùng quan điểm với Petroliemx, Tổng giám đốc PVOil, ông Cao Hoài Dương cũng cho rằng người tiêu dùng chưa thực sự tin tưởng khi sử dụng xăng E5. Theo ông Cao Hoài Dương, muốn hiểu đúng về xăng E5 cần có kiến thức, cần tuyên truyền, định hướng dư luận một cách đúng đắn. Tuy nhiên, hiện có một vài cơ quan báo chí lại phỏng vấn ngẫu nhiên một vài người đi đường, các ý kiến rất cảm tính, không có cơ sở khoa học lại được đưa vào bài viết để đánh giá chung. Như vậy, rất phiến diện. Dư luận sẽ không hiểu được bản chất của xăng E5. Đại diện PVOil đề xuất, khoảng cách chênh lệch về giá giữa E5 và RON 95 là 1.800 - 2.000 đồng thì sẽ tạo được sự hấp dẫn đối với xăng E5 nhiều hơn nữa.Phó Tổng Giám đốc Saigon Petro, ông Trần Minh Hà nhấn mạnh, nếu không cải thiện về chính sách, sản lượng xăng sinh học bán ra sẽ không được như kỳ vọng. Ông Trần Minh Hà cũng đề xuất tăng chênh lệch giữa E5 và RON 95 từ 1.800 đồng trở lên, như vậy, sẽ thực sự hấp dẫn, đặc biệt là đối tượng lái xe taxi. Bên cạnh đó, ông đặt ra vấn đề nên sớm triển khai bán xăng sinh học E5RON95 và chỉ kinh doanh 02 loại xăng sinh học toàn quốc là E5RON92 và E5RON95. Ý kiến này nhận được sự đồng tình của nhiều đại diện doanh nghiệp. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng đánh giá cao và khẳng định sẽ tổng hợp để báo cáo Lãnh đạo Chính phủ sau.
Một lo ngại nữa của các doanh nghiệp đầu mối đó là, trong nước, hiện chỉ có nhà cung cấp cồn E100 là Công Ty TNHH Tùng Lâm. Do giá sắn tăng cao, Công Ty TNHH Tùng Lâm đã phải tăng giá E100. Chia sẻ về vấn đề này, ông Vũ Kiên Chỉnh - Tổng Giám Đốc Công ty TNHH Tùng Lâm cho biết, trong 10 tháng (từ tháng 6/2017 đến 15/4/2018), giá sắn đã tăng thêm 2.000 đồng/kg (từ 3.600 đồng lên 5.600 đồng). Ông Vũ Kiên Chỉnh khẳng định, việc tăng giá E100 là "bắt buộc", không phải vì lý do Công ty độc quyền. Và trong việc tăng giá thu mua nguyên liệu sắn, người được hưởng lợi nhiều nhất là nông dân. Đại diện Công Ty TNHH Tùng Lâm mong muốn được các cơ quan quản lý nhà nước hỗ trợ, tạo điều kiện cho sản xuất E100 trong nước thay vì nhập khẩu cồn từ nước ngoài.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định, Bộ Công Thương luôn ủng hộ các doanh nghiệp kinh doanh chính đáng, có sự phối hợp, liên kết để cùng nhau phát triển. Sau thời gian triển khai vừa qua, dù sản lượng xăng sinh học E5 được tiêu thụ đã có bước tăng trưởng đáng kể nhưng chưa đạt được như kỳ vọng. Thứ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu các doanh nghiệp phải nghiêm túc, kiên trì triển khai và tiếp tục có những biện pháp tích cực hơn, quyết liệt hơn nhằm đẩy mạnh, tăng thị phần kinh doanh xăng E5, đạt được mục tiêu, lộ trình Chính phủ đề ra. Về nguồn cung E100 để phối trộn xăng E5, Thứ trưởng yêu cầu Công ty TNHH Tùng Lâm (cũng như sắp tới là một số nhà máy sản xuất Etanol khác) phải giảm tối đa, hợp lý chi phí đầu vào, tạo ra sản phẩm E100 cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu, góp phần tạo ra sản phẩm xăng sinh học E5 có sức cạnh tranh, hấp dẫn người tiêu dùng.