Biến đổi khí hậu

Triển khai Nghị quyết số 24-NQ/TW: Bước tiến trong chủ động ứng phó BĐKH

Trung Nguyên 01/08/2023 - 13:11

(TN&MT) - Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI xác định chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) là 1 trong 3 trụ cột chính trong nội dung thực hiện.

Từ sau khi Nghị quyết được ban hành đến nay, năng lực ứng phó của chính quyền cũng như người dân được tăng cường, vai trò và vị thế quốc gia của Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế cũng ngày càng được nâng cao.

Ứng phó hiệu quả, thiết thực

Theo Cục BĐKH (Bộ TN&MT), đến nay, các mục tiêu ứng phó với BĐKH được Nghị quyết 24-NQ/TW đề ra đều đạt và có những chỉ tiêu đạt vượt mức đề ra.

hieu-ung-nha-kinh-la-gi-2-1672226684060443675186.jpg

Các quan điểm, chủ trương của Nghị quyết số 24-NQ/TW đã được thể chế hóa trong quá trình xây dựng và ban hành các Luật và văn bản dưới luật, như Luật Bảo vệ môi trường, Luật Khí tượng thủy văn và các văn bản hướng dẫn thi hành. Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành đã tạo lập được hành lang pháp luật bao quát về thích ứng với BĐKH, giảm nhẹ phát thải KNK, bảo vệ tầng ô-dôn và phát triển thị trường các-bon, góp phần thúc đẩy mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế các-bon thấp…

Về lĩnh vực Khí tượng thủy văn (KTTV) đã ban hành 1 Nghị định, 3 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 20 Thông tư; lĩnh vực BĐKH đã ban hành 3 Nghị định, 4 Nghị quyết của Chính phủ, 8 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 3 Thông tư. Tổ chức bộ máy ngành KTTV đã được nâng cấp với việc tái thành lập Tổng cục KTTV.

Năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, giám sát BĐKH của Việt Nam đã được nâng cao và dần tiệm cận trình độ các nước tiên tiến trong khu vực Đông Nam Á. Thông tin dữ liệu KTTV, BĐKH đã được cung cấp kịp thời, đầy đủ, phục vụ tính toán thiết kế cho các hệ thống đê điều, bến cảng, giao thông, thủy lợi. Việt Nam đã có Kịch bản BĐKH và cập nhật định kỳ vào năm 2016, 2020.

Bản đồ phân vùng cảnh báo các loại hình thiên tai như lũ quét, sạt lở đá, ngập lụt... đã được tạo lập và ngày càng chi tiết, làm cơ sở cho các địa phương triển khai các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, thích ứng với BĐKH. Đáng ghi nhận là thiệt hại về người, tài sản do thiên tai gây ra đã giảm đáng kể, trong đó, giai đoạn 2018 - 2022 giảm 18% về người, 34% về vật chất so với giai đoạn 2013 - 2017.

knk1.png
Các loại khí nhà kính phải giảm phát thải

Công tác phòng, chống, hạn chế tác động của triều cường, ngập lụt, xâm nhập mặn do nước biển dâng đã được các cấp chủ động quan tâm sâu sát. Hầu hết các địa phương đã ban hành, Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH của địa phương. Các thành phố, đô thị lớn ven biển đều chủ động đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp thiết thực nhằm phòng, chống, hạn chế tác động của triều cường, ngập lụt, xâm nhập mặn.

Bên cạnh kết quả đạt được các mục tiêu chính nêu trên, nhiều nội dung quan trọng tại Nghị quyết cũng đã được tích cực triển khai mang lại hiệu quả thiết thực, như: Thí điểm trên toàn quốc nhiều mô hình sinh kế cộng đồng thích ứng với BĐKH; Lồng ghép nội dung BĐKH vào hầu hết các chiến lược, quy hoạch quốc gia, ngành.

Giảm phát thải khí nhà kính (KNK) đã được luật hóa để triển khai thực hiện. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành danh mục các lĩnh vực, cơ sở phát thải KNK phải thực hiện kiểm kê KNK. Đặc biệt, chỉ tiêu giảm mức phát thải KNK trên đơn vị GDP đã vượt mức đề ra giảm từ 8 - 10% so với năm 2010.

Các chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH, các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về quản lý tài nguyên, môi trường và ứng phó với BĐKH, phòng chống thiên tai cũng đã có đóng góp lớn trong nâng cao năng lực thích ứng BĐKH, cải thiện cơ sở hạ tầng phòng chống thiên tai, xác định cơ sở khoa học cho các hoạt động ứng phó BĐKH trên quy mô cả nước.

Nâng tầm vị thế quốc gia

Từ 2013 đến nay, Việt Nam đã tham gia 11 Điều ước quốc tế toàn cầu trong lĩnh vực BĐKH, thể hiện sự chủ động, tích cực tham gia có trách nhiệm, thực chất và hiệu quả. Đặc biệt tại COP26, Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, giảm phát thải khí mê-tan 30% vào năm 2030 so với năm 2020. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả COP26, Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến 2050, Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê-tan đến năm 2030, Đóng góp do quốc gia quyết định (NDC) cập nhật năm 2022 gửi Ban Thư ký Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH...

Các chương trình, hoạt động hợp tác quốc tế như Chương trình hỗ trợ ứng phó với BĐKH đã huy động 1,5 tỷ USD cho công tác ứng phó với BĐKH và phát triển kinh tế - xã hội trên phạm vi toàn quốc, trở thành một hình mẫu về đối thoại chính sách ứng phó BĐKH được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Gần đây, Việt Nam đã thông qua Tuyên bố chính trị JETP với các đối tác trong và ngoài G7, là động lực để chuyển đổi năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo và các nguồn năng lượng mới, thúc đẩy chuyển đổi xanh và thực hiện mục tiêu trung hòa các-bon vào năm 2050.

Công tác tuyên truyền phòng, chống thiên tai, tác động của BĐKH được chú trọng, thực hiện thường xuyên, liên tục, sâu rộng, trên quy mô toàn quốc đã giúp thay đổi nhận thức của các cấp, của người dân và cộng đồng về BĐKH. Đặc biệt về chủ động ứng phó hiện tượng thời tiết cực đoan tại những khu vực dễ bị tổn thương ở đồng bằng sông Cửu Long, duyên hải miền Trung và miền núi phía Bắc. Qua đó, đã tìm được tiếng nói chung để kết nối, đoàn kết các tầng lớp xã hội, các tôn giáo theo tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc.

Để đạt được các mục tiêu quốc gia và đáp ứng cam kết quốc tế, ước tính Việt Nam cần khoảng 400 tỷ USD đến năm 2040 để ứng phó với BĐKH, xấp xỉ 6,8% GDP hằng năm, trong khi vốn từ ngân sách Nhà nước dự kiến chỉ đáp ứng được khoảng 130 tỷ USD. Theo Cục Biến đổi khí hậu, các yêu cầu, đòi hỏi từ thực tiễn phát triển của đất nước sẽ thúc đẩy công tác ứng phó BĐKH trong thời gian tới, đặc biệt về hoàn thiện hành lang pháp lý, huy động nguồn lực và thúc đẩy hợp tác quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Triển khai Nghị quyết số 24-NQ/TW: Bước tiến trong chủ động ứng phó BĐKH
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO