Làn sóng đầu tư
Thời gian qua, thị trường đất nền tại các tỉnh có những dấu hiệu tăng trưởng mạnh, đặc biệt, khu vực lân cận các đô thị lớn. Chị Dung - nhân viên môi giới BĐS cho hay, trong vòng 2 năm trở lại đây, giá đất tại TP.HCM và các tỉnh lân cận như: Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu… đã tăng mạnh so với những năm trước.
Theo chị Dung, việc giá BĐS tại các tỉnh tăng do thời gian qua nhiều doanh nghiệp đổ về làm dự án, kéo theo đó, làn sóng các nhà đầu tư đi theo. Trong số đó, không ít nhà đầu tư đã thắng “đậm” vì có tầm nhìn xa khi chọn mua đất ở những vùng xa, heo hút và tới một ngày giá bùng tăng cao do có dự án hay các công trình giao thông kéo về.
Chị Bình (ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) cho biết, đầu năm 2016, chị gom tiền nhàn rỗi mua 2.000m2 đất tại huyện Cần Đước (Long An) với giá 3 triệu đồng/m2. Thời điểm đó, khu vực này không có gì hấp dẫn bởi dân cư thưa thớt, dịch vụ nghèo nàn. Một thời gian sau, nhiều dự án BĐS đã được đầu tư trên địa bàn huyện Cần Đước khiến giá BĐS khu vực này liên tục tăng.
“Cách đây 4 tháng, khu đất của tôi tại huyện Cần Đước đã được khách trả giá 8 triệu đồng/m2. Khi mua đất khu vực heo hút, gia đình tôi ai cũng phản đối vì cho rằng, mua đất ở nơi xa, không an toàn và sẽ khó có lời. Tuy vậy, tôi vẫn quyết định xuống tiền vì thấy giao thông ở khu vực này khá thuận lợi, tương lai khu đất này sẽ tăng giá”, chị Bình chia sẻ.
Một nhà đầu tư khác là ông Hiệp (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho hay, trước đây, nhóm của ông đã thành công khi đầu tư như vậy ở các huyện ngoại thành TP.HCM. Tại thời điểm năm 2011, khi thị trường BĐS đang còn “đóng băng”, nhóm ông mua đất khu vực quận 9, huyện Nhà Bè… khi đó giá rất rẻ. Tới năm 2016, 2017 giá đất tăng gấp nhiều lần, nhóm ông bắt đầu bán ra và thu lợi nhuận lớn. Đến giờ, khi giá đất ở TP.HCM đã tăng quá cao, nhóm ông kéo đi săn đất tỉnh.
Gom đất vùng sâu, vùng xa đang là trào lưu của các nhà đầu tư BĐS |
Cần cân nhắc kỹ
Thực tế, không chỉ nhà đầu tư nhỏ lẻ lùng mua đất ở những nơi heo hút, mà các doanh nghiệp địa ốc cũng đang chuộng buôn bán đất vùng sâu, vùng xa. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp BĐS tại TP.HCM đã dồn lực về những địa phương hẻo lánh của các tỉnh vùng ven TP.HCM như: Long An, Bình Phước, Bình Thuận, Phú Yên… gom đất làm dự án.
Theo ông Nguyễn Hoàng Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty CP Yeshouse, có nhiều nguyên nhân khiến doanh nghiệp BĐS và nhà đầu tư TP.HCM đổ dồn về vùng sâu, vùng xa các tỉnh vùng ven TP.HCM gom đất. Trong đó, nguyên nhân chính do quỹ đất ở TP.HCM ngày càng hiếm, giá cả đã đạt đỉnh, rất khó để doanh nghiệp kiếm được quỹ đất làm dự án.
Trong khi đó, quỹ đất ở các tỉnh vùng ven TP.HCM còn dồi dào, giá lại rẻ, tiềm năng tăng giá còn khá lớn. Ngoài ra, chính sách Nhà nước ngày càng hạn chế về BĐS trung tâm, một số vấn đề pháp lý dự án cũng làm nguồn cung giảm, buộc người dân phải ra khỏi thành phố để đầu tư. Do đó, các tỉnh lân cận TP.HCM vô tình đón được cơn sóng này.
Có thể nói, cơ hội và tiềm năng của BĐS vùng sâu, vùng xa các tỉnh vùng ven TP.HCM vẫn đang mở rộng như vậy, song, các chuyên gia BĐS vẫn khuyến cáo nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ khi chọn mua nhà đất ngoại tỉnh. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM nhận định, điểm mấu chốt khi đầu tư về tỉnh lẻ là nhà đầu tư cần hiểu rõ khu vực dự định đầu tư. Dù diện tích đất đai của các tỉnh rộng lớn nhưng số lượng nhà, đất có tính thanh khoản cao không nhiều.
Ông Lê Hoàng Châu cho rằng, nhà đầu tư nên tìm đến những địa phương có công nghiệp phát triển mạnh và hạ tầng xã hội tốt thì BĐS càng có thanh khoản tốt, đặc biệt là đất nền. Những tỉnh có nền công nghiệp phát triển hay đứng đầu về thu hút FDI, có các khu - cụm công nghiệp, hạ tầng giao thông đồng bộ… cũng nên là mục tiêu để lựa chọn đầu tiên vì khả năng đất tăng giá và thanh khoản tốt.