TP. Hồ Chí Minh: Cần thống nhất chi phí xử lý chất thải rắn sinh hoạt

Hoàng Ngân| 16/06/2022 16:18

(TN&MT) - Hiện nay, giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại TP. Hồ Chí Minh còn thiếu đồng bộ và chưa phù hợp do mỗi địa phương có mức giá khác nhau. Thực trạng đó đòi hỏi Thành phố cần ban hành bảng giá dịch vụ vệ sinh môi trường chung cho toàn thành phố, đảm bảo thống nhất và phù hợp với Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

2(2).jpg

Mỗi địa phương có mức giá xử lý chất thải khác nhau

Ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP. Hồ Chí Minh (CITENCO) cho biết: Hoạt động thu gom chất thải rắn sinh hoạt hiện nay do 2 nhóm đơn vị thực hiện. Đó là hệ thống công lập do CITENCO và 22 công ty dịch vụ công ích quận/huyện thực hiện, thu gom 40% khối lượng rác toàn Thành phố; hệ thống dân lập do hơn 200 công ty tư nhân, hợp tác xã, lực lượng thu gom rác dân lập thực hiện, thu gom 60% khối lượng rác Thành phố. Bên cạnh đó, đối với chủ nguồn thải hộ gia đình thì lực lượng công lập chỉ thu gom khoảng 10% trên tổng số hộ gia đình của Thành phố, 90% hộ gia đình còn lại do hệ thống dân lập thu gom.

Trước năm 2018 thành phố áp dụng thu phí vệ sinh môi trường theo Quyết định số 88, các chủ nguồn thải sẽ phân thành nhiều nhóm và mỗi nhóm sẽ áp dụng mức thu phí khác nhau. Giai đoạn này chi phí vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt do ngân sách Thành phố chi trả. Theo quy định thì các đơn vị sau khi thu phí hàng tháng phải trích nộp lại ngân sách một phần chi phí để bù chi phí ngân sách Thành phố chi trả cho hoạt động vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, thực tế chỉ có các đơn vị công lập thực hiện tốt còn đơn vị dân lập hầu như không thực hiện dẫn đến thất thu, việc áp dụng phí thu gom chất thải rắn sinh hoạt mỗi nơi mỗi giá khác nhau dẫn đến thiếu đồng bộ, gây nhiều bất cập.

Để khắc phục vấn đề trên, năm 2018, UBND thành phố đã ban hành mức giá tối đa đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước. UBND cấp huyện căn cứ vào mức giá tối đa nêu trên để xây dựng mức giá chi tiết áp dụng cho các đối tượng trên địa bàn quản lý. Đến nay, có 6 quận huyện đã ban hành giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt áp dụng tại địa phương (quận 12, quận Phú Nhuận, quận Gò Vấp, quận Bình Tân, huyện Củ Chi, huyện Bình Chánh).

Hiện nay, UBND thành phố đang ban hành Dự thảo quy định giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt rác sinh hoạt theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 để đảm bảo phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành. Theo đó, mức giá tối đa đối với dịch thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt sử dụng ngân sách nhà nước chia thành 2 nhóm đối tượng: Nhóm trả giá dịch vụ theo nguyên tắc có sự bù đắp thông qua ngân sách địa phương và nhóm đối tượng trả giá dịch vụ trên nguyên tắc tính đúng, tính đủ chi phí cho hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý.

Cần thống nhất giá dịch vụ vệ sinh môi trường

Theo đánh giá của ông Huỳnh Minh Nhựt, việc triển khai giá dịch vụ vệ sinh môi trường hiện thiếu đồng bộ, chưa phù hợp. Do UBND cấp huyện ban hành mức giá cụ thể dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt áp dụng cho đối tượng cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn thải tại địa phương dẫn đến mỗi địa phương sẽ ban hành một mức giá khác nhau. Giá thu gom thủ công cao gấp 2 lần so với giá thu gom cơ giới đã không khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị hiện đại để tăng năng suất, giảm lao động nặng nhọc cho công nhân.

Trước thực trạng giá dịch vụ vệ sinh chưa phù hợp, Giám đốc CITENCO đề xuất Thành phố nên ban hành giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và áp dụng thống nhất trên toàn địa bàn Thành phố. Trong đó, việc xác định, xây dựng giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý phải căn cứ vào thực tiễn, chất lượng thiết bị, phương tiện thu gom, vận chuyển và công nghệ xử lý để đảm bảo sự phù hợp, tính thống nhất, tạo thuận lợi khi triển khai và tạo sự đồng thuận từ các chủ nguồn thải. Khuyến khích các đơn vị áp dụng phương tiện, công nghệ hiện đại để thu gom, vận chuyển và chuyển đổi số trong hoạt động này nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý.

Bên cạnh đó, chia nhỏ thành nhiều nhóm đối tượng chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Ví dụ: nhóm hộ gia đình cần xác định rõ mức giá khi thu hộ mặt tiền đường, hộ trong hẻm, hộ mua bán kinh doanh nhỏ, vừa, lớn, xác định rõ nhóm đối tượng chủ nguồn thải sống ở chung cư, căn hộ, chợ truyền thống,… Xác định cụ thể và có giải pháp quản lý hiệu quả nhóm trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt có sự bù đắp thông qua ngân sách địa phương và nhóm không được bù đắp từ ngân sách.

Sau năm 2025, Thành phố nên ban hành giá tối đa đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý để hoạt động này tự vận hành theo thị trường. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân và các chủ nguồn thải. Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp không phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, tình trạng sử dụng thiết bị, phương tiện lưu chứa, thu gom, vận chuyển không đạt chuẩn theo quy định gây ô nhiễm môi trường, tình trạng cố tình vứt rác, đổ rác bừa bãi ra đường, kênh, rạch làm ô nhiễm môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP. Hồ Chí Minh: Cần thống nhất chi phí xử lý chất thải rắn sinh hoạt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO