TP.HCM: Vướng mắc của gần 30.000 căn hộ

Nguyễn Quỳnh| 24/12/2020 12:19

(TN&MT) - Tại TP.HCM, còn gần 30.000 căn hộ chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (Giấy chứng nhận) dù người dân đã vào sinh sống ổn định và hoàn thành nghĩa vụ tài chính với chủ đầu tư.

Nhiều hệ lụy

Theo Hiệp hội bất động sản TP.HCM, ước tính sơ bộ trong tổng số 490 dự án nhà ở được phê duyệt trong các năm 2015 - 2019 đã có 53 dự án thuộc 12 tập đoàn và doanh nghiệp bị tắc “sổ hồng” với 25.631 căn nhà (chủ yếu là căn hộ chung cư). Ngoài ra, trên địa bàn thành phố còn có hàng chục dự án chung cư được triển khai từ trước năm 2015, nghĩa là người dân đã vào sinh sống đến nay đã gần chục năm vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM cho biết: Tình trạng chậm trễ trong cấp Giấy chứng nhận cho người dân tại các dự án nhà ở đã gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng, gây tâm lý hoang mang cho người dân. Không những vậy, việc này còn ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu ngân sách của Nhà nước, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh Covid -19 làm ảnh hưởng đến các ngành kinh tế khác.

Một dự án chung cư tại quận 2 dù người dân đã vào sinh sống từ trước 2015 đến nay vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM chia sẻ: “Tôi rất thấu hiểu với những bức xúc của doanh nghiệp, người dân khi chậm được giải quyết hồ sơ cấp Giấy chứng nhận. Bởi nếu người dân mua nhà ở và đã thanh toán nghĩa vụ tài chính với chủ đầu tư, thì việc được cấp Giấy chứng nhận kịp thời là rất chính đáng”.

Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, nguyên nhân chủ yếu là việc “tắc” tiền sử dụng đất, nghĩa là không xác định được tiền sử dụng đất mà doanh nghiệp phải nộp cho ngân sách Nhà nước. Thứ hai là nhóm nguyên nhân: chủ đầu tư thế chấp Giấy chứng nhận để có kinh phí triển khai dự án, nhưng khi xây dựng xong không giải chấp khỏi ngân hàng; chủ đầu tư xây dựng không đúng đối với giấy phép được cấp; chủ đầu tư chưa hoàn thành các công trình hạ tầng, chưa được nghiệm thu công trình.

Giải pháp nào?

Để giải quyết vướng mắc do “tắc” tiền sử dụng đất, vừa qua, UBND TP.HCM đã có Công văn gửi Bộ TN&MT và Bộ Tài chính để xem xét tháo gỡ 7 nhóm vướng mắc liên quan đến việc thẩm định giá đất để xác định nghĩa vụ tài chính trên địa bàn thành phố.

Đồng thời, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cũng vừa có ý kiến chỉ đạo chia các dự án chung cư thành 2 loại để đề xuất phương án giải quyết để xác định tiền sử dụng đất mà doanh nghiệp phải nộp. Trong đó, loại 1 gồm các dự án chung cư có tính chất biệt lập, chỉ có một số hạng mục công trình khép kín (như bồn hoa, mảng xanh, hồ bơi, đường nội bộ…), thì toàn bộ diện tích đất dự án được xác định là đất ở để thu tiền sử dụng đất và cấp Giấy chứng nhận theo quy định.

Loại 2 gồm các dự án lớn có nhiều hạng mục phục vụ công cộng, các công trình tiện ích khác  thì phải thu tiền sử dụng đất 100% diện tích phân bổ đất ở (bao gồm diện tích đã trừ mật độ xây dựng); đối với nhóm đất xây dựng công trình công cộng (công viên cây xanh, bệnh viện, trường học, thể dục thể thao), Nhà nước sẽ lập thủ tục quản lý, sau đó mới quyết định chủ trương đầu tư, trong đó có giải pháp cho thuê (khuyến khích cho chủ đầu tư dự án tham gia đầu tư và khai thác hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện theo quy định). Đối với nhóm đất xây dựng công trình giao thông, hạ tầng kỹ thuật (cấp điện, cấp nước, thoát nước, chiếu sáng, viễn thông…).

Tính đến tháng 8/2020, toàn thành phố đã cấp được 1.558.821 Giấy chứng nhận, đạt 97,91%. Công tác cấp Giấy chứng nhận luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ then chốt, trọng tâm trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai, nhằm giải quyết tốt nhất các yêu cầu chính đáng, hợp pháp của người dân, doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM

Trên cơ sở hướng xử lý này, TP.HCM sẽ rà soát các quy định, kiểm tra thực tế xây dựng để phân loại dự án và nhóm đất xây dựng các công trình như trên, để có cơ sở thu tiền sử dụng đất và cấp Giấy chứng nhận cho người dân. Trước mắt, thành phố sẽ tập trung tháo gỡ, giải quyết đối với các dự án trọng điểm, có nhiều hộ dân và chủ đầu tư bức xúc. Đối với nguyên nhân xây dựng sai phép, Sở TN&MT đã kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo các Sở, ngành, UBND các quận huyện buộc chủ đầu tư phải khắc phục những sai phạm trong xây dựng, hoàn chỉnh những công trình hạ tầng còn thiếu để làm các thủ tục xem xét cấp Giấy chứng nhận.

Còn đối với trường hợp chủ đầu tư thế chấp Giấy chứng nhận trong ngân hàng, TP.HCM đang nghiên cứu giải pháp cho phép ngân hàng giữ lại phần sở hữu của chủ đầu tư tương ứng tại dự án chung cư và trả lại Giấy chứng nhận cho chủ đầu tư để tiến hành cấp Giấy chứng nhận cho người dân. Tuy vậy, vấn đề này cũng rất phức tạp và không dễ thực hiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM: Vướng mắc của gần 30.000 căn hộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO