TP.HCM tạo đột phá trong triển khai chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư
(TN&MT) - Triển khai Luật Đất đai 2024 và Nghị định 88/2024/NĐ-CP của Chính phủ, TP.HCM đang khẩn trương xây dựng quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của thành phố.
Hoàn thiện dự thảo quy định của UBND Thành phố
Ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết: TP.HCM luôn xác định công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, góp phần đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư, đảm bảo đời sống của người bị thu hồi đất, giữ ổn định và công bằng xã hội.
Thời gian qua, công tác này đã đạt được nhiều kết quả khá toàn diện, hàng loạt dự án đầu tư trên địa bàn thành phố được bàn giao mặt bằng đúng và vượt tiến độ. Điển hình như Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM, diện tích mặt bằng được bàn giao vượt tiến độ so với yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, để không ngừng hoàn thiện, đổi mới chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, TP.HCM đã tích cực đóng góp nhiều nội dung và đã được Trung ương đưa vào Luật Đất đai 2024. Trong đó, nổi bật nhất là TP.HCM kiến nghị đưa vào Luật nội dung: ngoài bồi thường bằng tiền, khi bị thu hồi đất, người dân còn được bồi thường bằng loại đất khác.
Trong khi, trước kia thu hồi đất nông nghiệp, chúng ta không thể tái định cư bằng đất ở. Với chính sách mang tính đột phá này, kỳ vọng công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư không chỉ riêng của TP.HCM mà tất cả các địa phương trên cả nước sẽ đạt kết quả cao trong thời gian tới.
Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Toàn Thắng thông tin: Triển khai Luật Đất đai 2024 và Nghị định số 88/2024/NĐ-CP ngày 15/7/2024 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, đến nay Sở TN&MT đã hoàn thiện dự thảo Quyết định quy định chi tiết các nội dung thuộc thẩm quyền của UBND TP.HCM.
Theo đó, theo dự thảo Quyết định, UBND TP.HCM sẽ quy định chi tiết 3 nội dung được quy định tại Luật Đất đai 2024 và 9 nội dung được quy định tại Nghị định số 88/2024/NĐ-CP của Chính phủ. Các quy định mới được đánh giá là ngày càng có lợi hơn cho người dân khi bị thu hồi đất. Dự thảo quy định này đang được lấy ý kiến rộng rãi và sẽ được UBND TP.HCM ban hành trong những ngày tới.
Đột phá chính sách bồi thường nhà trên kênh rạch
Ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở TN&MT cũng cho biết, căn cứ Luật Đất đai 2024, Nghị định 88/2024/NĐ-CP của Chính phủ và vận dụng sáng tạo Nghị quyết 98 của Quốc hội về chính sách đặc thù, Sở TN&MT đã trình UBND Thành phố chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với dự án thu hồi đất, di dời nhà trên và ven kênh rạch.
Trong đó, mức hỗ trợ về đất cho các hộ dân phải di dời nhà trên kênh rạch cao nhất là 70% (quy định cũ là hơn 32%) và mức hỗ trợ thấp nhất khoảng 42% tùy theo thời điểm sử dụng đất. Đồng thời, thời gian xem xét hỗ trợ được mở rộng, với mốc thời điểm để tính hỗ trợ được kéo dài đến ngày 1/7/2014, kéo dài thêm 10 năm thay vì ngày 1/7/2004 như trước đây.
Đặc biệt, theo ông Nguyễn Toàn Thắng, TP.HCM sẽ dùng quỹ nhà ở xã hội để bố trí tái định cư, đây là điều rất mới và thiết thực nhằm giải quyết chỗ ở tái định cư cho hộ dân bị giải tỏa nhà trên kênh rạch. Theo đó, căn cứ Khoản 5 Điều 111 Luật Đất đai 2024, trường hợp thu hồi toàn bộ nhà ở, đất ở đủ điều kiện bồi thường về đất ở thì được giải quyết tái định cư bằng nền đất hoặc nhà ở xã hội.
Trường hợp thu hồi toàn bộ nhà ở, đất ở nhưng không đủ điều kiện bồi thường về đất ở, sẽ có hai cách hỗ trợ: Nếu diện tích đất ở thu hồi lớn hơn hoặc bằng hạn mức giao đất ở tại địa phương thì giải quyết tái định cư bằng nền đất hoặc nhà ở xã hội; nếu diện tích đất ở thu hồi nhỏ hơn hạn mức giao đất ở tại địa phương thì giải quyết tái định cư nhà ở xã hội. Ngoài ra, nếu tiền bồi thường, hỗ trợ không đủ để thanh toán một lần tiền mua nhà tái định cư sẽ được trả góp.
Giai đoạn 2021 - 2025, TP.HCM đặt chỉ tiêu di dời 6.500 căn nhà trên kênh rạch, tuy nhiên đến hết quý II/2024 mới di dời được 983 căn. “Với chính sách hỗ trợ, tái định cư vượt trội này, Chương trình giải tỏa, di dời nhà trên và ven kênh rạch của thành phố sẽ được đẩy nhanh hơn” - ông Nguyễn Toàn Thắng khẳng định.
Theo Sở TN&MT, nếu được UBND thành phố thông qua, chính sách này sẽ được áp dụng ngay tại 2 dự án trọng điểm có nguồn vốn ngân sách là Dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm đi qua quận Gò Vấp và Bình Thạnh (2.200 hộ ảnh hưởng) và Dự án nạo vét, cải tạo môi trường bờ bắc kênh Đôi, quận 8 (1.633 hộ ảnh hưởng).
Ông Nguyễn Hồng Thuận - Trưởng Ban bồi thường hỗ trợ tái định cư Quận 8 đánh giá: Hiện, Quận 8 đang tiến hành đo đạc, kiểm đếm cũng như xác minh nguồn gốc tạo lập các căn nhà trên kênh rạch phải giải tỏa thuộc Dự án nạo vét, cải tạo môi trường bờ bắc kênh Đôi. Nếu áp dụng chính sách bồi thường như quy định hiện hành thì mức hỗ trợ rất thấp, nhiều trường hợp không đủ điều kiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nên khó nhận được sự đồng thuận cao của người dân.
Tuy nhiên, theo ông Thuận, Luật Đất đai 2024 được thi hành sớm với nhiều chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ngày càng có lợi hơn cho người dân. Đặc biệt, chính sách mà Sở TN&MT xây dựng, đề xuất thành phố xem xét, nếu sớm thông qua sẽ rất thuận lợi cho công tác giải tỏa nhà trên kênh rạch, đảm bảo tiến độ cho các Dự án.