Ghi nhận 124 ca mắc COVID-19
Sáng 13/6, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức có buổi làm việc với UBND quận Gò Vấp để đánh giá tình hình dịch sau 2 tuần quận này thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 để cân nhắc có các biện pháp tiếp theo.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo UBND quận Gò Vấp cho biết, hôm nay là ngày thứ 13 quận Gò Vấp thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số ca mắc COVID-19 tại đợt dịch thứ 4 trên địa bàn quận là 124 ca (gồm 42 ca tại cộng đồng, 82 ca tại cơ sở cách ly), trong đó 115 trường hợp được Bộ Y tế công bố mắc COVID-19 và 9 trường hợp nghi mắc.
Tổng số người được cách ly tập trung là 633 trường hợp; số trường hợp tự cách ly theo dõi sức khoẻ tại nhà 2.686 trường hợp; số điểm phong toả là 41 điểm tại 14/16 phường. Số mẫu xét nghiệm của quận từ ngày 26/5 đến nay là trên 190.000 mẫu.
Về việc thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của UBND TPHCM, quận Gò Vấp đã thiết lập 12 chốt chính và 233 chốt, điểm phụ. Tính đến hết ngày 12/6 có gần 690.000 lượt người khai báo y tế điện tử, trong đó, phát hiện trên 7.600 trường hợp mẫu khai báo y tế có nguy cơ về dịch tễ.
Quận Gò Vấp cũng đã phối hợp với 4 quận giáp ranh (Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình và quận 12) hỗ trợ, bố trí các chốt kiểm soát tại các cửa ngõ giáp ranh với quận Gò Vấp để nắn dòng, chuyển hướng các phương tiện giao thông và người dân không đi vào địa bàn quận nhằm thực hiện hiệu quả công tác phòng chống dịch.
Gò Vấp sẽ vượt qua khó khăn
Đến nay, đại bộ phận nhân dân chấp hành tốt Chỉ thị 16, các doanh nghiệp sản xuất thiết yếu hoạt động bình thường. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh không thiết yếu không chấp hành đóng cửa, tổ chức kiểm tra, kịp thời nhắc nhở, xử phạt các trường hợp cố tình vi phạm
UBND quận Gò Vấp đánh giá tình hình chung, mỗi ngày phát sinh từ 2-5 ca mới, trong thời gian tới, số ca phát hiện trong khu cách ly được kiểm soát tốt, trường hợp số ca phát hiện trong cộng đồng không nhiều, việc giãn cách giảm khả năng lây nhiễm, lây lan trong cộng đồng, kiểm soát y tế có chuyển biến tốt, tình hình người dân chấp hành tốt thì Gò Vấp chỉ cần thực hiện giãn cách 15 ngày là đủ.
Với việc người dân đồng lòng, TPHCM tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo quận, khả năng trong 15 ngày thực hiện Chỉ thị 16, quận Gò Vấp sẽ vượt qua khó khăn.
Kiến nghị dừng thực hiện Chỉ thị 16
UBND quận Gò Vấp cũng kiến nghị UBND TPHCM dừng thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn quận hoặc tiếp tục theo dõi tình hình dịch bệnh trên địa bàn quận và thành phố cho hết 15 ngày giãn cách rồi mới quyết định.
UBND quận Gò Vấp sẽ thực hiện theo chỉ đạo của UBND TPHCM (có thể thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg trên địa bàn quận) để tiếp tục tăng cường kiểm soát và thắt chặt các điểm có ca dịch, bảo đảm công tác phòng chống dịch bệnh, không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.
Đề nghị thành phố quan tâm sớm tổ chức tiêm ngừa vaccine COVID-19 cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức; cán bộ, chiến sĩ ở quận (đặc biệt là lực lượng tuyến đầu chống dịch tại quận) để yên tâm thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh.
Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM sớm xem xét và chấp thuận hỗ trợ kinh phí cho quận Gò Vấp kịp thời chăm lo cho các đối tượng khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và động viên lực lượng phòng, chống dịch.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức: Quận Gò Vấp có thể nới các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trên diện rộng, nhưng siết chặt diện hẹp ở những điểm có nguy cơ cao để không lãng phí kết quả đạt được trong 12 ngày giãn cách. |
Nới diện rộng, siết chặt diện hẹp
Sau khi nghe quận Gò Vấp và các sở ngành báo cáo, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đánh giá quận Gò Vấp làm khá tốt việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay tình hình dịch ở Gò Vấp không còn khác biệt nhiều so với tình hình chung toàn TPHCM.
Tuy nhiên, trên địa bàn quận Gò Vấp vẫn còn những khu vực trọng điểm phải siết chặt hơn vấn đề cách ly, giãn cách.
Quận càng làm kỹ thì việc dỡ phong tỏa sẽ càng sớm, nếu không làm kỹ, siết không chặt có thể xảy ra việc lây nhiễm chéo hoặc nguồn lây bên ngoài xâm nhập vào.
Về việc TP.HCM có tiếp tục giãn cách và quận Gò Vấp có tiếp tục giãn cách theo chỉ thị 16 hay không, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết: "Quyết định chính thức sẽ đưa ra vào cuộc họp ngày mai (14/6) trên cơ sở cân đối tình hình toàn thành phố".
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cũng cho biết từ hôm nay (13/6), quận Gò Vấp có thể nới các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trên diện rộng, nhưng siết chặt diện hẹp ở những điểm có nguy cơ cao để không lãng phí kết quả đạt được trong 12 ngày giãn cách.
Tho Phó Chủ tịch UBND TPHCM: "Khi xem xét biện pháp phòng chống dịch ở Gò Vấp, chúng tôi không chỉ nhìn trên diện rộng toàn quận mà còn xét tình hình quy mô tối thiểu từng phường. Quận Gò Vấp cần xem xét các biện pháp nghiêm ngặt ở những nơi có ổ dịch, nguy cơ cao, vùng cách ly, phong tỏa để làm sao thu hẹp dần những khu vực này".
Trong số 16 phường của quận Gò Vấp, hiện nay có những phường cả tuần không phát sinh ca mới, nhưng cũng có nơi vẫn phát sinh 5-7 ca/ngày. Do tình hình các phường khác nhau nên Phó Chủ tịch UBND TPHCM đề nghị lãnh đạo quận Gò Vấp họp các phường để lắng nghe, trao đổi, từ đó có thông tin chi tiết, đề xuất gửi cho ông trước 8h sáng mai.
TPHCM những ngày tới có thể xuất hiện thêm những ca nhiễm mới, do vậy quận Gò Vấp cũng như các quận huyện phải tăng cường việc lấy mẫu xét nghiệm, điều tra truy vết, khoanh vùng dập dịch. Đồng thời phải vận động người dân khai báo y tế khi có yếu tố dịch tễ hoặc nghi ngờ nhiễm COVID-19.
Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức, hiện nay ngoài nguy cơ từ các bệnh nhân đến khám tại các cơ sở y tế, nguy cơ lây lan dịch còn đến từ tự thân các nhân viên y tế trong quá trình tiếp xúc ngoài giờ làm việc.
Do vậy Phó Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu các nhân viên tại các cơ sở, trung tâm y tế, phòng khám, đặc biệt các bác sĩ duy trì phòng khám tư phải cảnh giác cao độ, ý thức cao nhất trong việc giữ gìn bản thân không bị lây nhiễm.
Khi có yếu tố nghi ngờ, những người làm việc trong lực lượng y tế, lực lượng tuyến đầu chống dịch như công an, quân đội.. phải sớm tiếp cận khai báo, đề nghị kiểm tra sớm nhằm ngăn chặn, hạn chế lây nhiễm./.