Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo các Trung tâm cảnh báo Bão trên toàn thế giới và đại diện của 12 thành viên Ủy ban Bão khu vực Châu Á Thái Bình Dương.
Tại Hội nghị này các Trung tâm Cảnh báo bão trên thế giới đã cùng nhau ghi nhận những nỗ lực trong việc cải tiến công nghệ giám sát, phân tích và dự báo bão trong suốt 30 năm qua. Hội nghị ghi nhận đóng góp của các Trung tâm Cảnh báo bão trong việc giảm thiểu thiệt hại do thiên tai thông qua các hợp tác, chia sẻ số liệu, công nghệ và thông tin dự báo cũng như các hoạt động hỗ trợ phát triển năng lực; đánh giá cao vai trò Trung tâm của các Cơ quan khí tượng quốc gia, Ủy ban Bão khu vực Châu Á Thái Bình Dương, Tổ chức Khí tượng thế giới trong việc giảm thiểu thiệt hại do thiên tai và bão gây ra.
Đặc biệt, một vấn đề quan trọng đã được thống nhất trong Hội nghị đối thoại là: “Bão và áp thấp nhiệt đới sẽ còn tiếp tục đe dọa và gây nhiều thiệt hại, cũng như tác động lớn đến đời sống xã hội thông qua gió mạnh, mưa lớn, nước biển dâng, đặc biệt là các khu vực ven biển, vùng có nguy cơ thiên tai cao cũng như các đô thị lớn”.
Các nước và các tổ chức tham dự Hội nghị cùng thảo luận và nhất trí, trong 10 năm tới, cùng với tăng cường nghiên cứu về bản chất vật lý các thiên tai, cần tăng cường các nghiên cứu khía cạnh tác động xã hội của thiên tai, dựa trên những hiểu biết về rủi ro, sự nguy hiểm của thiên tai và đặc điểm hành vi con người.
Hội nghị cũng nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của các Cơ quan khí tượng quốc gia trong việc cung cấp thông tin quan trắc, dự báo có độ tin cậy và độ chính xác ngày càng cao cho các cơ quan phòng chống thiên tai và công chúng. Đồng thời, cải thiện và đa dạng hóa hình thức bản tin, tạo ra các bản tin thân thiện, dễ hiểu, cụ thể hóa các tác động của bão và áp thấp nhiệt đới dưới dạng đồ họa… hướng tới người dùng. Các Trung tâm Cảnh báo bão khu vực tiếp tục hỗ trợ các nước trong khu vực trong việc chia sẻ số liệu, công nghệ, dự báo cũng như tổ chức các chương trình đào tạo, tăng cường năng lực đối với dự báo viên ở các nước trong khu vực.
Đến với Hội nghị Đối thoại, đại diện của Việt Nam đã chia sẻ và đề xuất các hoạt động cụ thể nhằm mục tiêu cải tiến các thông tin cảnh báo, dự báo phục vụ hiệu quả cho các cơ quan phòng chống thiên tai và cộng đồng.
Với vai trò và trách nhiệm của mình, Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các thành viên của Ủy ban Bão và Trung tâm Khí tượng chuyên ngành khu vực của WMO (RSMC) Tokyo trong việc vận hành hiệu quả Trung tâm hỗ trợ dự báo thời tiết nguy hiểm khu vực Đông Nam Á (RSFC Hà Nội) đặt tại Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia nhằm nâng cao hiệu quả phục vụ tác nghiệp cảnh báo, dự báo thời tiết nguy hiểm cho khu vực Đông Nam Á; hướng tới thực hiện mục tiêu cung cấp, chia sẻ thông tin, số liệu lũ quét cho khu vực Đông Nam Á.
Cam kết của Việt Nam theo định hướng phát triển Trung tâm hỗ trợ dự báo thời tiết nguy hiểm khu vực Đông Nam Á (RSFC Hà Nội) trở thành Trung tâm vùng của WMO về cảnh báo, dự báo bão, mưa lớn; xây dựng và phát triển Trung tâm hỗ trợ cảnh báo lũ quét (SeAFFGS) góp phần tăng cường vai trò, vị thế của ngành KTTV Việt Nam trong hợp tác quốc tế với Ủy ban Bão, WMO phù hợp với định hướng đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta trong phát triển quan hệ hợp tác quốc tế đa phương.