Từ ngày 24/10 – 10/11 tại Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám (TP. Hà Nội), triển lãm “Tranh dân gian Việt Nam và ứng dụng” sẽ được tổ chức. Chương trình giới thiệu tới công chúng những hình ảnh, tư liệu về quá trình hình thành, phát triển cùng những đặc điểm nổi bật của sáu dòng tranh dân gian Việt Nam: tranh Kim Hoàng (Hoài Đức, Hà Nội), tranh Hàng Trống (phát triển ở các phố hàng Trống, hàng Nón, Hà Nội), tranh Đông Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh), tranh kính (phổ biến ở Huế và Nam Bộ), tranh gói vải (phổ biến ở Nam Bộ) và tranh làng Sình (ở cố đô Huế).
Triển lãm “Tranh dân gian Việt Nam và ứng dụng” được tổ chức nhằm giới thiệu tới công chúng những giá trị độc đáo của tranh dân gian Việt Nam cũng như những nỗ lực của các nghệ nhân, họa sỹ trong hành trình hồi sinh, gìn giữ dòng tranh này. Được biết, những sản phẩm trưng bày lần này được chọn lọc từ số tác phẩm tham dự cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo từ tranh dân gian Kim Hoàng.” Sau hơn ba tháng phát động (từ tháng 6/2018), ban tổ chức đã nhận được hơn 300 bài dự thi của các bạn nhỏ trên địa bàn Hà Nội với đủ các thể loại: tranh vẽ, mẫu thiết kế thời trang, bưu thiếp, túi xách …
Bên cạnh đó, triển lãm cũng sẽ trưng bày các sản phẩm ứng dụng (sản phẩm thời trang, đồ gia dụng…) có sử dụng các họa tiết trang trí của dòng tranh dân gian Kim Hoàng.