Đến hết quý I/2019, dư nợ tín dụng BĐS bao gồm cả mục đích kinh doanh và mục đích tự sử dụng đã tăng 3,29%, chiếm 18,08% tổng dư nợ toàn hệ thống. Với thông số như trên, tín dụng BĐS đang nằm ở ngưỡng an toàn.
PGS. TS Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phân tích, vốn từ các ngân hàng hiện vẫn chiếm trên 70% tổng nguồn tiền đổ vào thị trường BĐS. Từ 1/1/2019, nguồn tiền này chịu tác động mạnh từ chính sách, cụ thể là quy định về tỷ lệ vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn ở các ngân hàng giảm từ 45% xuống còn 40%, hệ số rủi ro với tín dụng BĐS lên tới 200% từ mức 150%. Về chỉ số, đây là mức thắt tín dụng BĐS chặt nhất từ trước đến nay và tất cả các tổ chức tín dụng đều phải tuân thủ.
Theo các chuyên gia đánh giá, chủ trương siết tín dụng vào các lĩnh vực nhạy cảm đã được NHNN đặt ra những năm gần đây. Với mức tăng trưởng tín dụng dự kiến 14% cho năm 2019, nếu kiểm soát tốt, vốn từ ngân hàng vào BĐS vẫn không đáng lo. Bên cạnh đó, thị trường này còn nhiều nguồn vốn khả quan khác.
NHNN cũng khẳng định, định hướng điều hành chính sách tiền tệ là mở rộng tín dụng có kiểm soát. Điều đó được hiểu là không siết chặt theo lĩnh vực, mà tổ chức tín dụng nào còn dư địa và có năng lực kiểm soát, vẫn có thể đổ vốn vào lĩnh vực này và đương nhiên phải tuân thủ các yêu cầu nêu trên.
Mặc dù, nhiều ý kiến đánh giá tín dụng lĩnh vực BĐS tăng trong các tháng đầu năm không đáng lo, nhưng NHNN cũng nhận định, việc cấp tín dụng đối với lĩnh vực kinh doanh BĐS còn tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với ngân hàng.
NHNN cho rằng, nguyên nhân là do quy định pháp luật đối với thị trường BĐS còn nhiều bất cập, đặc biệt, các quy định điều chỉnh đối với một số loại hình BĐS mới. Bên cạnh đó, đầu tư kinh doanh BĐS là kênh đầu tư có kỳ vọng lợi nhuận cao dễ dẫn đến đầu cơ trên thị trường; đồng thời, vẫn còn tình trạng mất cân đối cung - cầu tại một số phân khúc BĐS…
Theo nhận định của các chuyên gia, thời gian tới, khi NHNN siết chặt tín dụng vào BĐS, thị trường này sẽ có thêm những nguồn vốn mới bổ sung như kiều hối, tư nhân trong nước, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn từ tư nhân nước ngoài tham gia mua bán và đầu tư vào dự án, vốn từ sản phẩm tài chính phái sinh như trái phiếu doanh nghiệp BĐS, vốn từ thị trường chứng khoán. Ngoài ra, còn có nguồn vốn tự có từ chính doanh nghiệp BĐS do kinh doanh tốt, lợi nhuận tăng cao.