Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giải trình về chính sách tín dụng đối với đồng bào dân tộc thiểu số
Chiều 23/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp.
Tại phiên thảo luận, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã giải trình, làm rõ thêm một số nội dung đại biểu Quốc hội nêu.
Mở đầu phần giải trình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã nhận được một số kiến nghị của cử tri và đã rất trách nhiệm để trả lời các ý kiến nghị. Trong báo cáo vừa trình bày tại buổi chiều nay, đối với Ngân hàng Nhà nước không còn ý kiến của cử tri mà Ngân hàng Nhà nước chưa xử lý. Qua lắng nghe ý kiến của các đại biểu Quốc hội thảo luận hôm nay, có một số nội dung phát sinh mới.
Theo đó, về ý kiến của đại biểu Nguyễn Tạo - Đoàn Lâm Đồng liên quan đến chính sách tín dụng đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, trên cơ sở Nghị quyết số 88/2019 và Nghị quyết số 120/2020 của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định 1719 về Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng dân tộc thiểu số và miền núi cho giai đoạn 2021-2030, trong đó đã quy định các đối tượng cũng như các chính sách ưu đãi.
Trên cơ sở Quyết định 1719, Ngân hàng Nhà nước được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành để tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 28 vào tháng 4/2022 về chính sách tín dụng ưu đãi để thực hiện chương trình này. Qua quá trình thực hiện chương trình đã phát sinh một số những vướng mắc, những hạn chế mà các đại biểu Quốc hội đã nêu trong một số kỳ họp Quốc hội trước đây, hiện nay cơ quan chủ trì đã, đang báo cáo, đánh giá để tổng kết cũng như tham mưu, đề xuất với Chính phủ để sửa đổi Quyết định 1719.
“Sau khi Thủ tướng Chính phủ có sửa đổi của quyết định này, Ngân hàng Nhà nước cũng căn cứ vào đó để chủ trì cùng với các bộ, các ngành để tham mưu Chính phủ ban hành nghị định sửa đổi Nghị định số 28 để cho phù hợp. Còn những đối tượng mở rộng hoặc những ý kiến của đại biểu Quốc hội sẽ được cơ quan chủ trì cân nhắc vào trong quá trình báo cáo để tham mưu, đề xuất sửa đổi Quyết định 1719” - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết.
Vấn đề đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn Hải Dương đã phản ánh việc cử tri phát hiện ra có một số tài khoản không chính chủ thực hiện một số hành vi vi phạm pháp luật và đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước cùng tiến hành rà soát và có những giải pháp phù hợp để ngăn chặn; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng thừa nhận, đây là vấn đề Ngân hàng Nhà nước rất quan tâm. Trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện một số giải pháp để ngăn chặn và hạn chế tình trạng này.
Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước thường xuyên rà soát, chỉnh sửa cũng như tham mưu cấp có thẩm quyền để ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vấn đề mở và sử dụng tài khoản thanh toán. Cụ thể, vừa qua Ngân hàng Nhà nước đã chủ trì phối hợp với các bộ, ngành để tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 52, ký ngày 15/5/2024, nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt.
Ngân hàng Nhà nước đang dự thảo Thông tư hướng dẫn về mở và sử dụng tài khoản thanh toán, trong đó bổ sung một số những quy định rất chặt chẽ. Đó là quy định khi người dân mở tài khoản tại ngân hàng phải sử dụng căn cước công dân có gắn chip để mở tài khoản điện tử. Bằng việc sử dụng căn cước công dân có gắn chip này cũng sẽ giúp khắc phục những tình trạng giả mạo. Còn đối với công dân không có căn cước công dân có gắn chip phải đến trực tiếp tại quầy để thực hiện việc xác minh cũng như nhận biết khách hàng chính chủ.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định 2345, yêu cầu áp dụng các biện pháp xác thực sinh trắc học đối với các giao dịch trên 10 triệu đồng/giao dịch hoặc giá trị trên 20 triệu đồng/ngày bằng sinh trắc học. “Việc này giúp cho việc xác thực đối với khách hàng và cũng hạn chế được việc sử dụng tài khoản không chính chủ để có hành vi vi phạm pháp luật. Quyết định này yêu cầu các tổ chức tín dụng sẽ thực hiện từ ngày 1/7”, bà Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước trong thời gian qua cũng chỉ đạo toàn ngành về tăng cường công tác phòng, chống, ngăn ngừa hành vi gian lận trong việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử định danh (eKYC) và chỉ đạo các tổ chức tín dụng phải triển khai các giải pháp theo dõi việc giao dịch, kiểm soát, đánh giá trong và sau khi khách hàng mở tài khoản để kịp thời phát hiện những tài khoản có dấu hiệu đáng ngờ để có giải pháp phù hợp.
Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán, như phối hợp đi kiểm tra việc thực hiện mở và sử dụng tài khoản thanh toán, tổ chức hội nghị về an ninh, an toàn, bảo mật trong thanh toán, đặc biệt phối hợp có ký kết giữa Ngân hàng Nhà nước và Bộ Công an để yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện theo Đề án 06 về kết nối dữ liệu của công dân, qua đó giúp khách hàng làm sạch dữ liệu để có thể hạn chế được tình trạng này.
Giải trình tại hội trường về ý kiến của đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn Hải Dương, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, lừa đảo trực tuyến hiện nay đang diễn ra trên diện rộng và không chỉ ở Việt Nam mà trên phạm vi toàn cầu, như là một hệ lụy của chuyển đổi số.
Về giải pháp cho vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, tuyên truyền vẫn là một giải pháp quan trọng hàng đầu và có tính lâu dài. Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các báo, đài lớn tổ chức các chuyên mục để cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo trực tuyến. Đặc biệt, Bộ sử dụng hệ thống thông tin cơ sở là loa phát thanh phường, xã để thông tin thường xuyên tới bà con.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, lừa đảo trực tuyến thường sử dụng điện thoại và giả danh cơ quan nhà nước. Bộ Thông tin và Truyền thông vừa qua đã chỉ đạo các nhà mạng đầu tư công nghệ nếu cơ quan nhà nước dùng điện thoại liên hệ với người dân sẽ hiện tên của cơ quan nhà nước trên máy điện thoại di động hoặc điện thoại cố định có màn hình, trong trường hợp điện thoại cố định không có màn hình thì người dân có thể yêu cầu gọi điện lại qua số di động để xác nhận tên cơ quan nhà nước, nếu không có tên thì người dân không nên tin.
Về vấn đề lừa đảo trực tuyến cũng thông qua số điện thoại không chính chủ hoặc sim rác, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thông tin, gần 5 năm qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo rất mạnh mẽ các nhà mạng xử lý sim rác, nhiều chục triệu sim rác đã được xử lý. Từ ngày 15/4/2024, đã cắt toàn bộ những sim thông tin không trùng khớp với cơ sở dữ liệu dân cư cũng như thực hiện xử lý vấn đề sim chính chủ.
“Nếu Bộ Thông tin và Truyền thông phát hiện sim rác, sim không chính chủ sẽ yêu cầu nhà mạng ngừng kinh doanh phát triển thuê bao mới. Đây là một hình thức xử lý rất nặng đối với các nhà mạng, thể hiện quyết tâm cao của Bộ Thông tin và Truyền thông trong vấn đề xử lý sim rác, sim không chính chủ”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.