Tiếp tục hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm tái chế, xử lý chất thải

Phạm Oanh| 11/03/2022 15:31

(TN&MT) - Sáng 11/3, tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo thứ 2 nhằm phổ biến, tập huấn thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR) theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2022. Hội thảo có sự tham gia của hơn 500 đại biểu đại diện cho các doanh nghiệp phía Nam theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Theo thống kê, Việt Nam là nước thải rác thải nhựa đứng thứ 4 trên thế giới, nhưng lại là nước nhập khẩu phế liệu nhựa đứng thứ 2 trên thế giới sau khi Trung Quốc ban hành lệnh cấm nhập khẩu phế liệu. Không chỉ nhựa, mỗi năm, Việt Nam trung bình nhập khẩu khoảng 10 triệu tấn phế liệu các loại. Điều này đẩy các doanh nghiệp đến một nghịch lý là thiếu nguyên liệu nhập về để xuất sản nhưng lại bỏ đi nguồn nguyên liệu dồi dào có thể tái chế từ rác thải, thêm vào đó là rất nhiều chi phí khác để xử lý.

Chính vì vậy, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã kế thừa và đưa ra quy định đổi mới EPR, theo đó, nhà sản xuất, nhập khẩu phải có trách nhiệm đến vòng cuối vòng đời của sản phẩm. Có nghĩa là sau khi sản phẩm bị thải bỏ, nhà sản xuất, nhập khẩu có trách nhiệm tái chế, xử lý chất thải theo đúng tỷ lệ, quy cách bắt buộc.

bfcf0662-c212-4a62-8af0-db2dfabea3be.jpeg
Ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế phát biểu tại Hội thảo

Ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT cho biết: EPR được xem là một cách tiếp cận mới nhằm tìm kiếm giải pháp tài chính xử lý vấn đề quản lý chất thải, tăng cường tái chế, giúp Chính phủ đạt được mục tiêu về môi trường mà không cần tăng thuế hay phí môi trường. Chính sách này cũng được kỳ vọng là giải pháp hiệu quả, rõ ràng nhất giúp giải quyết vấn đề rác thải nhựa hiện nay và đặt nền móng cho nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

Dựa trên vòng đời, tuổi thọ và tỷ lệ thu gom, có 6 nhóm sản phẩm bao bì phải tái chế gồm: bao bì, pin-ắc quy, dầu nhớt, săm lốp, phương tiện giao thông, sản phẩm điện - điện tử. Trong đó, các sản phẩm bao bì phải thực hiện trách nhiệm tái chế từ 1/1/2024; sản phẩm điện, điện tử từ ngày 1/1/2025; các phương tiện giao thông từ ngày 1/1/2027… Các đơn vị có thể tự tái chế, thuê hoặc uỷ quyền cho đơn vị trung gian tái chế. Trường hợp nhà sản xuất, nhập khẩu không tự tái chế sẽ phải đóng góp 1 phần kinh phí vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để thực hiện trách nhiệm tái chế.

Còn từ 1/1/2022, các nhà sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm khó có khả năng tái chế như: bao bì thuốc bảo vệ thực vật, pin sử dụng một lần, tã bỉm, kẹo cao su, thuốc lá và một số sản phẩm có thành phần nhựa tổng hợp như bóng bay, đồ chơi trẻ em, giầy dép, quần áo, đồ nhựa dùng một lần, đồ dùng một lần, đồ nội thất, vật liệu xây dựng, túi nilong kích thước nhỏ… phải có trách nhiệm đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ thu gom, xử lý chất thải.

47eeaa97-cb89-43b3-af0e-66ac6b107bc2.jpeg
Hội thảo có sự tham gia của hơn 500 đại biểu theo hình thức trực tiếp và trực tuyến

Tại Hội thảo, các chuyên gia tư vấn đã chia sẻ và hướng dẫn các doanh nghiệp, nhà sản xuất, nhập khẩu thực hiện đăng ký, kê khai và báo cáo quá trình thực hiện các quy định EPR; đề xuất định mức tái chế; giới thiệu dự thảo Thông tư ban hành Quy chế quản lý đóng góp tài chính hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải…

Trong đó, khoản đóng góp tài chính thực hiện trách nhiệm tái chế, xử lý chất thải sau khi trích chi phí quản lý hành chính theo quy định được sử dụng để hỗ trợ các hoạt động tái chế sản phẩm, bao bì, xử lý chất thải.

Tồn dư khoản nguồn tài chính hỗ trợ thực hiện trách nhiệm tái chế, xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu năm trước được chuyển sang năm kế tiếp để sử dụng cho các hoạt động theo quy định. Và, lãi tiền gửi ngân hàng của số tiền đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam được sử dụng cho chi phí quản lý hành chính.

Theo ông Đỗ Xuân Thuấn, chuyên gia Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam, khoản đóng góp tài chính thực hiện tái chế, xử lý chất thải của doanh nghiệp không phải là thuế, phí hay là khoản thu ngân sách Nhà nước. Khoản đóng góp này chỉ được dùng để hỗ trợ hoạt động tái chế, xử lý chất thải theo đúng nguyên tắc và quy định của pháp luật. Cụ thể, khoản đóng góp sẽ dùng để hỗ trợ chi phí tái chế sản phẩm, bao bì; tài trợ dự án thực hiện hoạt động thu gom, tái chế sản phẩm bao bì; tài trợ cho cho các dự án, hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; thu gom, vận chuyển và xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật; hỗ trợ vốn đầu tư thiết bị triển khai ứng dụng sáng sáng chế về xử lý chất thải rắn sinh hoạt; tài trợ kinh phí triển khai sáng kiến thu gom, phân loại chất thải rắn.

Việc hỗ trợ phải được thực hiện đúng đối tượng, kinh phí hỗ trợ phải được sử dụng đúng mục đích và phải được giải ngân theo tiến độ thực hiện. Văn phòng EPR quốc gia có trách nhiệm kiểm tra định kỳ và đột xuất các hoạt động được hỗ trợ trong quá trình triển khai để đảm bảo đúng các điều khoản đã cam kết trong hợp đồng.

“Việc giám sát, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với các cơ quan, tổ chức sử dụng kinh phí của Văn phòng EPR quốc gia được thực hiện theo quy định tại Quy trình nghiệp vụ hỗ trợ thực hiện trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu và các quy định của pháp luật có liên quan”, ông Đỗ Xuân Thuấn nhấn mạnh.

Cũng tại Hội thảo, các chuyên gia đã dành phần lớn thời gian để trực tiếp trả lời, giải đáp rất nhiều câu hỏi, thắc mắc của các đại biểu, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch và lộ trình thực hiện trách nhiệm của mình đối với sản phẩm nói riêng và môi trường sống nói chung.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp tục hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm tái chế, xử lý chất thải
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO