Doanh nghiệp - doanh nhân

Lộ trình chính sách và giải pháp thực tiễn cho doanh nghiệp trong thực thi EPR

Hà Trang 27/09/2024 - 15:24

Ngày 27/9, tại Hà Nội, ESG Network Vietnam đã tổ chức chương trình ESG Talk Series- số thứ 02 với chủ đề “EPR - Từ lộ trình chính sách đến các giải pháp thực tiễn” nhằm nâng cao nhận thức pháp lý cho các doanh nghiệp sản xuất vừa và nhỏ, đồng thời mở ra những cơ hội trong việc thực hành EPR của các tổ chức, doanh nghiệp đến các nhà sản xuất Việt Nam.

00.-esg-hanoi-_-slideshow-2.pptx.png
EPR - Từ lộ trình chính sách đến các giải pháp thực tiễn

Chương trình có sự tham gia của Đại diện Văn phòng Hội đồng EPR quốc gia, Đại diện Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam, Đại sứ quán các quốc gia Bắc Âu (Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch, Na uy), Lãnh đạo các Hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước tại Việt Nam, Lãnh đạo của các doanh nghiệp Bắc Âu tại Việt Nam, Lãnh đạo của các nhà nhập khẩu, xuất khẩu và doanh nghiệp sản xuất Việt Nam, Các tổ chức phi chính phủ của châu Âu tại Việt Nam, Ngân hàng HDBank, JV & Partners…

Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (World Bank), Việt Nam đã trở thành một trong những nguồn phát thải CO2 lớn trên thế giới, đặc biệt trong những năm gần đây khi nền kinh tế phát triển nhanh chóng. Nguyên nhân chính của việc này bao gồm sự gia tăng nhu cầu về năng lượng, phần lớn được đáp ứng bởi các nguồn nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu và khí đốt. Ngành công nghiệp và giao thông vận tải cũng đóng góp đáng kể vào lượng khí thải CO2.

Việt Nam hiện đang đối mặt với thách thức lớn trong việc cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Để đối phó với vấn đề này, Việt Nam đã cam kết các mục tiêu phát triển bền vững, bao gồm giảm thiểu lượng phát thải khí nhà kính và thúc đẩy các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời và điện gió, nhằm đạt được mục tiêu “Net Zero” vào năm 2050.

Trong bối cảnh đó, phát triển kinh tế tuần hoàn đi kèm với thực thi chính sách EPR - chính sách về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất được xem là một giải pháp hiệu quả để vừa bảo đảm phát triển sản xuất kinh doanh, vừa hài hoà được vấn đề xã hội và môi trường.

buuu-08189(1).jpg
Đại diện Văn phòng Hội đồng EPR quốc gia phát biểu tại chương trình

Phát biểu tại chương trình, ông Phan Ngọc Giang, đại diện Văn phòng Hội đồng EPR quốc gia cho biết, việc tái chế sản phẩm, bao bì để tính vào tỷ lệ tái chế bắt buộc của nhà sản xuất, nhập khẩu phải được bóc tách khối lượng, có chứng từ riêng, cơ sở tái chế phải có chứng từ thu mua nguyên liệu đầu vào của quá trình tái chế là sản phẩm, bao bì (không bao gồm phế liệu nhập khẩu) và có chứng từ chứng minh quá trình tái chế các sản phẩm, bao bì này đáp ứng quy định về quy cách tái chế bắt buộc. “Tỷ lệ tái chế bắt buộc là tỷ lệ khối lượng sản phẩm, bao bì tối thiểu phải được tái chế theo quy cách tái chế bắt buộc trên tổng khối lượng sản phẩm, bao bì sản xuất được đưa ra thị trường và nhập khẩu trong năm thực hiện trách nhiệm. Quy cách tái chế bắt buộc là các giải pháp tái chế được lựa chọn kèm theo yêu cầu tối thiểu về lượng vật liệu, nhiên liệu được thu hồi với tái chế sản phẩm, bao bì”, ông Giang cho biết thêm.

Để khuyến khích các hoạt động tái chế, Việt Nam đã có nhiều chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp lên đến 10%. Cùng với đó, Việt Nam đang có những nguồn vốn cực kỳ quan trọng khi liên tục có những cam kết hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức tài chính trong và ngoài nước để thúc đẩy và chung tay với cam kết mục tiêu chuyển đổi xanh, phát triển bền vững.

Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam (VEPF) cũng là tổ chức tài chính Nhà nước đang có nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực cho các doanh nghiệp phát triển bền vững. Trong suốt 22 năm hoạt động, VEPF đã triển khai các hoạt động EPR và cơ chế hỗ trợ tài chính cho các hoạt động bảo vệ môi trường tại Việt Nam với nhiều chính sách vay ưu đãi hấp dẫn. Các doanh nghiệp được vay trung và dài hạn, tối đa lên tới 80% tổng mức đầu tư. Trong suốt thời gian vay doanh nghiệp được hưởng mức lãi suất ưu đãi cố định chỉ 2,6%/năm và ân hạn trả nợ gốc lên tới 24 tháng.

buuu-08206-1-min(1).jpg
Đại diện Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu tại chương trình

Theo ông Nguyễn Tuấn Việt, Đại diện Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho đến nay, đã có 380 dự án đến từ 56 tỉnh thành được VEPF kí Hợp đồng tín dụng với số tiền cam kết cho vay theo Hợp đồng tín dụng là 4.148 tỷ đồng, trong đó, số tiền đã được giải ngân là 3.171 tỷ đồng. Đối tượng cho vay bao gồm, dự án đầu tư thuộc ngành, nghề thu gom, xử lý, tái chế hoặc tái sử dụng chất thải; Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải đáp ứng các quy định của pháp luật chất lượng sản phẩm hàng hóa; Doanh nghiệp sản xuất năng lượng sạch, năng lượng tái tạo,...

buuu-08412-min(1).jpg
Các đại biểu chụp hình lưu niệm

Khi chính sách EPR được thực hiện hiệu quả, đây sẽ là công cụ mạnh mẽ giúp Việt Nam phát triển nền kinh tế tuần hoàn, đồng thời góp phần gìn giữ nguồn tài nguyên cho tương lai, giảm thiểu rác thải gây ô nhiễm môi trường, thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và góp phần hiện thực hoá cam kết của Việt Nam trong việc giảm phát thải CO2.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lộ trình chính sách và giải pháp thực tiễn cho doanh nghiệp trong thực thi EPR
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO