Môi trường

Emagazine: Doanh nghiệp chủ động thích ứng thực thi EPR

Nội dung: Phạm Oanh - Trình bày: Xuân Hà 28/08/2024 - 12:28

(TN&MT) - Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR) sẽ tạo ra cạnh tranh và nếu không chủ động thích ứng, có thể trở thành rào cản gia nhập thị trường. Để vượt qua rào cản, ngoài nỗ lực của doanh nghiệp, cần có sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, nhất là việc truyền thông chính sách một cách sâu, rộng đến cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

1(2).jpg
nen.jpg
2(2).jpg
3(2).jpg

Theo ông Phan Tuấn Hùng - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Giám đốc Văn phòng Hội đồng EPR Quốc gia Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), EPR là một chính sách môi trường tuân theo nguyên tắc “Người gây ô nhiễm phải trả tiền”, chính sách này yêu cầu các nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm về tác động tới môi trường mà sản phẩm của họ sẽ gây ra trong suốt chuỗi cung ứng, từ giai đoạn thiết kế đến thải bỏ.

avn_dtr.jpg

Như vậy, khác với các chính sách hỗ trợ thuế, phí truyền thống, thông qua EPR, Chính phủ không dùng ngân sách công mà sử dụng sức mạnh thị trường để hỗ trợ việc quản lý chất thải rắn nhằm đáp ứng các mục tiêu chính sách môi trường.

Xung quanh chính sách này là các chủ thể khác nhau nhưng có mối quan hệ mật thiết. Tại đó, Chính phủ tạo ra nghĩa vụ buộc các nhà sản xuất, nhập khẩu phải tuân thủ. Để thực hiện nghĩa vụ này, các nhà sản xuất, nhập khẩu phải tìm đến các nhà tái chế, xử lý chất thải (hoặc tự mình thực hiện) để ký kết hợp đồng. Các nhà tái chế, xử lý chất thải sẽ cung ứng giúp các nhà sản xuất, nhập khẩu thực hiện nghĩa vụ, đáp ứng đúng mục tiêu của chính sách.

Với các chủ thể khác nhau, EPR sẽ có những tác động khác nhau. Với Chính phủ, EPR sẽ chia sẻ gánh nặng tài chính và/ hoặc một phần trách nhiệm quản lý chất thải rắn từ chính quyền địa phương và người nộp thuế nói chung sang cho nhà sản xuất. Với các doanh nghiệp, EPR tạo ra cuộc chạy đua giữa doanh nghiệp để phát triển bền vững hơn, nhà sản xuất có động lực để áp dụng thiết kế sinh thái, sản xuất sạch hơn, tuần hoàn hơn. Với nhà tái chế, xử lý chất thải, EPR tạo động lực để cải tiến công nghệ và xây dựng mô hình tái chế hiện đại hơn, đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Không dừng ở 3 chủ thể trực tiếp, EPR còn có tác động đến nhiều chủ thể gián tiếp, tạo cuộc chạy đua và cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp cung ứng, phụ trợ như nghiên cứu vật liệu, công nghệ, môi trường, pháp luật, truyền thông, quan hệ công chúng, phát triển thị trường…

4(1).jpg

Theo bà Nguyễn Hoàng Phượng - chuyên gia tư vấn độc lập Công ty TNHH Tư vấn E - Policy, EPR có tác động cả tích cực và tiêu cực đối với hộ kinh doanh, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, tất cả phụ thuộc vào việc các doanh nghiệp đó ở đâu trong chuỗi giá trị cũng như khả năng thích ứng.

5(1).jpg

Về cơ hội, với các nhà sản xuất, nhà nhập khẩu có nghĩa vụ, EPR sẽ tạo động lực thực hiện kinh tế tuần hoàn trong quy trình sản xuất, trong thiết kế các sản phẩm để giảm bớt chi phí xử lý cuối cùng. Đồng thời, đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào cho doanh nghiệp khỏi những bất ổn thị trường. Cùng với đó là nâng cao lợi thế cạnh tranh với các doanh nghiệp cùng ngành nếu doanh nghiệp tận dụng ưu thế mạng lưới quan hệ đối tác, hệ thống phân phối để thu gom rác thải, giúp giảm giá thành sản phẩm; Gây ấn tượng với khách hàng bằng marketing xanh, tạo ấn tượng là một doanh nghiệp có trách nhiệm.

Với các đơn vị quản lý chất thải, EPR tạo động lực cho đầu tư do nhu cầu thị trường ổn định và luôn tăng; Nguồn tiền từ EPR thúc đẩy đầu tư và cải tiến công nghệ trong tái chế. Hơn thế nữa, EPR còn là “tấm lưới an toàn” bảo vệ thị trường tái chế trước sự bất ổn của thị trường khi chính sách được vận hành nghiêm túc và xuyên suốt.

Không quá lớn như hai đối tượng trên, nhưng nhu cầu thực thi chính sách EPR giúp tạo động lực phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ liên quan như: Tạo động lực để nghiên cứu, cung cấp các nguyên liệu thay thế, nguyên liệu dễ xử lý; Tư vấn, thiết kế thân thiện với môi trường, dễ thu gom; Tư vấn pháp luật cho các đơn vị thực thi chính sách EPR; Tư vấn, xây dựng chương trình truyền thông cho các doanh nghiệp…

Song song với cơ hội luôn là thách thức. Với các nhà sản xuất, nhập khẩu, EPR sẽ làm tăng giá thành sản phẩm và nguy cơ bị giảm thị trường. Cùng với đó là tốn kém về thời gian, tài chính để nghiên cứu, xây dựng mô hình, cân đối tài chính để đáp ứng các mục tiêu tái chế mà Chính phủ đề ra.

Trong khi đó, các đơn vị tái chế, xử lý chất thải phải đối mặt với những khó khăn do thị trường và quy mô tái chế hiện nay của nước ta còn nhỏ lẻ, tỷ lệ tái chế ban đầu khá thấp. Cùng với đó, khả năng tiếp cận công nghệ tái chế hiện đại của chúng ta còn hạn chế do đầu tư ban đầu lớn mà đầu ra sản phẩm chưa tương ứng. Một khó khăn nữa chính là sự cạnh tranh với khối thu gom, tái chế phi chính thức.

1(3).jpg
2(3).jpg

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang hoàn thiện và sẽ sớm ban hành Quy chế quản lý, sử dụng tiền đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải. Theo đó, tiền đóng góp tài chính hỗ trợ tái chế của nhà sản xuất, nhập khẩu chỉ được dùng để hỗ trợ chi phí tái chế cho các nhà tái chế đáp ứng các yêu cầu theo quy định pháp luật (không hỗ trợ cho các mục đích khác).

Đối tượng được hỗ trợ gồm các doanh nghiệp tái chế các sản phẩm, bao bì như: Bao bì giấy, bao bì nhựa, bao bì kim loại, ắc quy, pin sạc nhiều lần, dầu nhớt, săm, lốp các loại, thiết bị điện, điện tử, phương tiện giao thông.

Điều kiện để những doanh nghiệp trên được nhận hỗ trợ là được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật; doanh nghiệp tái chế phải bảo đảm các yêu cầu bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật và chưa bị xử phạt vi phạm về lĩnh vực môi trường; không thuộc trường hợp tái chế cho nhà sản xuất, nhập khẩu để thực hiện trách nhiệm EPR; Có hệ thống cân tại vị trí đưa sản phẩm, bao bì vào khu vực tái chế; Lắp đặt camera giám sát tại các vị trí theo dõi được quá trình tái chế để lưu trữ thông tin, số liệu liên quan quá trình tái chế theo hợp đồng hỗ trợ tái chế; Thông tin, số liệu phải được kết nối trực tuyến với Cổng thông tin điện tử EPR quốc gia và lưu trữ tại đơn vị tái chế tối thiểu 24 tháng; Hồ sơ đề nghị tái chế phù hợp với các tiêu chí, ưu tiên do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố.

Tuy nhiên, khối lượng sản phẩm, bao bì được tái chế trong các trường hợp dưới đây sẽ không được hỗ trợ: Đã được tính thực hiện trách nhiệm tái chế cho nhà sản xuất, nhập khẩu; Không đáp ứng quy cách tái chế bắt buộc; Tái chế từ sản phẩm, bao bì nhập khẩu (phế liệu nhập khẩu).

Trước ngày 30/9 hằng năm, Bộ TN&MT công bố công khai tiêu chí, ưu tiên, mức hỗ trợ tài chính cho hoạt động phân loại, thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý sản phẩm, bao bì của năm tiếp theo theo đề xuất của Hội đồng EPR quốc gia. Doanh nghiệp có nhu cầu được hỗ trợ tài chính lập hồ sơ đề nghị gửi Bộ TN&MT trước ngày 30/10 hằng năm để được xét duyệt hỗ trợ.

3(3).jpg

Giống như tái chế, việc hỗ trợ xử lý chất thải cũng chỉ dành cho một số đối tượng nhất định và kèm theo nhiều điều kiện bắt buộc. Cũng theo dự thảo Quy định quy chế quản lý, sử dụng tiền đóng góp tài chính để hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải đang được Bộ TN&MT xây dựng thì đối tượng được hỗ trợ xử lý chất thải là các chủ đầu tư thực hiện các hoạt động như: Thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân; Nghiên cứu, phát triển công nghệ, kỹ thuật, sáng kiến xử lý chất thải rắn sinh hoạt; Thu gom, vận chuyển, xử lý bao bì chứa thuốc bảo vệ thực vật.

ch-1-(1).jpg

Như vậy, dự kiến có 2 đối tượng sẽ được nhận hỗ trợ kinh phí để xử lý chất thải rắn sinh hoạt và bao bì thuốc bảo vệ thực vật gồm chính quyền địa phương có các dự án thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, bao bì thuốc bảo vệ thực vật và doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển công nghệ, kỹ thuật, sáng kiến xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Với các dự án thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân; thu gom, vận chuyển, xử lý bao bì chứa thuốc bảo vệ thực vật, cần đáp ứng điều kiện là hoạt động, dự án nhằm phục vụ lợi ích cộng đồng, công ích, không vì mục tiêu lợi nhuận; Cơ quan, tổ chức phải được Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi thực hiện dự án đối với dự án phân loại, thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt hoặc UBND huyện nơi thực hiện dự án ủy quyền hoặc phân công đối với dự án thu gom, vận chuyển, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật.

Với các nghiên cứu, phát triển công nghệ, kỹ thuật, sáng kiến xử lý chất thải rắn sinh hoạt thì chủ đầu tư có nguồn lực đảm bảo thực hiện dự án và dự án đề nghị hỗ trợ phải tuân thủ các quy định pháp luật có liên quan.

Quy trình hỗ trợ cũng giống như hỗ trợ tái chế, trước ngày 30/9 hằng năm, Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố công khai tiêu chí, ưu tiên, mức hỗ trợ tài chính cho hoạt động xử lý chất thải của năm tiếp theo theo đề xuất của Hội đồng EPR quốc gia. Cơ quan, tổ chức có nhu cầu được hỗ trợ tài chính cho hoạt động xử lý chất thải lập hồ sơ đề nghị gửi Bộ TN&MT trước ngày 30/10 hằng năm để được xét duyệt hỗ trợ. Tổ chức được Bộ TN&MT giao thực hiện thông báo và ký kết hợp đồng hỗ trợ với các cơ quan, tổ chức được nhận hỗ trợ tài chính; Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam thực hiện thanh toán số tiền hỗ trợ cho cơ quan, tổ chức theo hợp đồng ký kết.

1(4).jpg
2(4).jpg

Ngay sau khi Luật Bảo vệ môi trường 2020 được ban hành, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường đã thực hiện khảo sát các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) về mức độ sẵn sàng thực hiện quy định EPR. Việc khảo sát được thực hiện thông qua gửi phiếu câu hỏi và phỏng vấn trực tiếp, trực tuyến bao gồm các doanh nghiệp nhựa bao bì, doanh nghiệp tái chế nhựa phế liệu và doanh nghiệp tiêu thụ bao bì nhựa…

4(2).jpg

Trên cơ sở kết quả khảo sát cho thấy, số doanh nghiệp có nhận thức ban đầu và đầy đủ về trách nhiệm thu gom, tái chế và xử lý chất thải theo quy định chiếm tỷ lệ khá cao 93,55%. Đây chính là điểm thuận lợi khi triển khai áp dụng quy định EPR đối với đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Đại đa số các doanh nghiệp được khảo sát cho rằng trách nhiệm bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất giúp doanh nghiệp phát triển bền vững và tạo dựng hình ảnh thân thiện hơn với khách hàng. Nói cách khác, việc thực hiện EPR được nhìn nhận như một hình thức để doanh nghiệp thể hiện nghĩa vụ và trách nhiệm xã hội tích cực của mình.

Cùng với đó, kết quả khảo sát doanh nghiệp về khả năng thực hiện các quy định liên quan đến EPR cho thấy, từ 51,6 đến 71% các doanh nghiệp đồng ý với các nội dung có liên quan đến hệ thống EPR được đưa ra hiện nay. Tuy nhiên, chỉ 48,4% doanh nghiệp đồng thuận về việc áp dụng EPR (trong đó 35,5% doanh nghiệp đã sẵn sàng cho việc triển khai và 12,9% doanh nghiệp đã triển khai thực hiện EPR).

Đáng chú ý, tỷ lệ doanh nghiệp cần suy nghĩ thêm là 25,8%, và họ chỉ thay đổi nếu các vướng mắc về tỷ lệ tái chế bắt buộc, mức đóng góp tài chính, hình thức hoạt động tái chế, đối tượng áp dụng… được giải quyết.

Thực tế nhận thấy, từ mức độ sẵn sàng khi được khảo sát đến việc tuân thủ và thực hiện chính sách của doanh nghiệp là “quãng đường không ngắn”. Theo thống kê, trách nhiệm xử lý có hiệu lực từ 1/1/2022 và một phần của trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì có hiệu lực từ 1/1/2024, nhưng đến nay, vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ những trách nhiệm này.

3(4).jpg

Không phải bất cứ một chính sách nào khi ban hành đều được đồng thuận và triển khai một cách hiệu quả. Nhất là chính sách có ảnh hưởng trực tiếp đến tài chính của đa số doanh nghiệp hiện nay như EPR. Chính vì vậy, ngay từ khi xây dựng chính sách, Bộ TN&MT đã chú trọng đến việc tuyên truyền, thay đổi nhận thức của người dân, doanh nghiệp, bộ, ngành, địa phương.

vina-4.jpg

Ông Phan Tuấn Hùng - Vụ trưởng Vụ pháp chế, Giám đốc Văn phòng Hội đồng EPR quốc gia khẳng định, trước và sau khi ban hành quy định EPR, Bộ TN&MT đã tổ chức nhiều hội thảo tham vấn, phổ biến, tập huấn cho các hiệp hội, doanh nghiệp, người dân. Tại các hội thảo, ban tổ chức đã tổng hợp và công khai trả lời các câu hỏi, thắc mắc liên quan nhưng vẫn còn nhiều hiệp hội, doanh nghiệp thuộc đối tượng thực hiện vẫn chưa biết hoặc chưa nắm được các quy định của pháp luật về vấn đề này.

Chính vì vậy, Bộ TN&MT sẽ tiếp tục tổ chức nhiều hội thảo tập huấn cho các doanh nghiệp trong thời gian tới, đồng thời kết hợp với nhiều hình thức khác nhau nhằm giúp cho các nhà sản xuất, nhập khẩu và nhà tái chế, xử lý chất thải có thể nắm bắt và tiếp cận đầy đủ các quy định của pháp luật.

Tại các địa phương, việc tuyên truyền và hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chính sách EPR cũng đang được chú trọng. Điển hình như các tỉnh/TP: Hải Phòng, Quảng Ninh…, đã chủ động phối hợp với Bộ TN&MT, cũng như những tổ chức tư vấn chính sách khác tổ chức các hội thảo tập huấn chính sách và hỗ trợ doanh nghiệp hiểu và nắm bắt đầy đủ về các quy định pháp luật, từ đó thực hiện đúng, đầy đủ trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì và trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của mình.

Việc tập huấn và hướng dẫn thực hiện chính sách EPR còn đang được tổ chức ở quy mô tập trung hơn như tại các hiệp hội và các khu công nghiệp, cụm công nghiệp dưới nhiều hình thức trực tuyến và trực tiếp hoặc lồng ghép vào các chương trình, hội thảo tập huấn chính sách chung của ngành tài nguyên và môi trường.

Tất cả những hoạt động này đã và đang góp phần đưa chính sách EPR vào cuộc sống, để EPR thật sự là giải pháp tài chính hiệu quả trong quản lý chất thải rắn, là động lực thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn.

Nội dung: Phạm Oanh - Trình bày: Xuân Hà

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Emagazine: Doanh nghiệp chủ động thích ứng thực thi EPR
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO