Tiếp tục đánh giá để hoàn thiện các phương pháp xác định giá đất
Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An đề nghị tiếp tục đánh giá để quy định cho hoàn thiện các phương pháp xác định giá đất vì hiện nay trong 4 phương pháp theo quy định hiện hành có vướng mắc, khó khăn, lúng túng trong quá trình thực hiện.
Sáng 21/6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV họp phiên toàn thể tại Hội trường thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Tiếp tục đánh giá để hoàn thiện các phương pháp xác định giá đất
Thảo luận tại hội trường, nhiều Đại biểu Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật đã nhận được 12 triệu lượt ý kiến tham gia đóng góp ý kiến, thể hiện sự quan tâm, kỳ vọng rất lớn của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Dự thảo Luật đã tiếp thu, làm rõ, xử lý nhiều vấn đề vướng mắc, tồn tại để thể chế hóa Nghị quyết 18 của Trung ương.
Góp ý về nguyên tắc, phương pháp định giá đất, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An đề nghị tiếp tục đánh giá để quy định cho hoàn thiện các phương pháp xác định giá đất vì hiện nay trong 4 phương pháp theo quy định hiện hành có vướng mắc, khó khăn, lúng túng trong quá trình thực hiện.
Về Hội đồng thẩm định giá đất, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung chỉ rõ thực tế, công tác xác định giá đất trong thời gian qua đã gặp nhiều khó khăn, đó là việc lựa chọn đơn vị tư vấn xác định giá đất. Theo quy định hiện hành, trường hợp giá gói thầu trên 100 triệu đồng thì phải áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đã mất rất nhiều thời gian để chọn đơn vị tư vấn giá. Do đó, để giải quyết khó khăn, vướng mắc này, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung đề nghị dự thảo Luật cần bổ sung quy định trong một số trường hợp như không có đơn vị tư vấn giá đăng ký tham gia thầu hoặc dự án có tính chất đặc thù ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của địa phương thì giao cho địa phương thành lập Hội đồng khác và độc lập với Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể hoặc đơn vị tư vấn xác định giá đất trực thuộc Sở Tài nguyên môi trường có chức năng tư vấn, xác định giá đất và chịu trách nhiệm với kết quả thực hiện nhằm để địa phương chủ động kịp thời quản lý và triển khai thực hiện các dự án ở địa phương.
Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam) nêu rõ dự thảo luật nêu bốn nguyên tắc định giá đất. Tuy nhiên, Đại biểu rất băn khoăn với các quy định tại dự thảo chưa đủ điều kiện để thực hiện xác định giá như vậy trong thực tế. Mặt khác, cần làm thế nào để việc xác định giá đất phải hài hòa được các lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.
Do đó, Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo luật về “phương pháp định giá đất theo nguyên tắc thị trường” bảo đảm thực sự rõ ràng, thể chế đầy đủ, toàn diện theo yêu cầu của nghị quyết 18.
Cũng theo Đại biểu, luật quy định thông tin đầu vào để xác định giá đất theo các phương pháp định giá đất. Muốn xác định giá đất tiệm cận thị trường cần phải có dữ liệu thị trường tin cậy, hệ thống thu thập cơ sở dữ liệu thông tin về giá đất thị trường đồng bộ trên cơ sở quy định pháp lý cụ thể. Đại biểu, đề nghị tiếp tục nghiên cứu các quy định liên quan đến thông tin đầu vào để xác định giá đất, bổ sung các quy định nhằm số hóa đất đai đầu vào để thu thập dữ liệu.
Về phương pháp định giá đất, Đại biểu cho rằng, dự thảo nêu 4 phương pháp, song càng quy định nhiều phương pháp định giá đất lại càng khó áp dụng. Nếu áp dụng 4 phương pháp cho cùng một thửa đất sẽ ra 4 giá khác nhau.
Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể hơn. Trong đó, có thể xây dựng một phương pháp tính giá đất thật đơn giản, tránh phải phân tích và lựa chọn nhiều phương pháp như hiện nay.
Quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, cấp tỉnh không nên quá chi tiết
Khẳng định quy hoạch sử dụng đất là nội dung đặc biệt quan trọng và được thể hiện xuyên suốt trong Luật Đất đai, đại biểu Trần Đình Gia - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh: đề nghị đánh giá kĩ lưỡng để có điều chỉnh phù hợp để quản lý sử dụng có hiệu quả, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đại biểu Trần Đình Gia cho biết, quy hoạch sử dụng đất được phân thành 3 cấp gồm cấp quốc gia - cấp tỉnh - cấp huyện.
Để thuận lợi cho công tác quản lý của cơ quan Trung ương và chủ động trong tổ chức thực hiện của địa phương, đại biểu Trần Đình Gia đề nghị mỗi cấp quy hoạch cấp quốc gia và cấp tỉnh quy định giới hạn một số nhóm đất chính cần thiết để đảm bảo mục tiêu tầm quốc gia và cấp tỉnh, không quy định quá chi tiết về các loại đất, chi tiết chỉ tiêu sử dụng đất trên cấp trên phân bổ cho cấp dưới, chỉ phân bổ theo các chỉ tiêu chi tiết, không khống chế chỉ tiêu tổng của từng loại đất như đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, đất chưa sử dụng.
Theo đại biểu Trần Đình Gia, các chỉ tiêu sử dụng đất sẽ được thể hiện chi tiết ở quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện. Ngoài ra, cần có cơ chế linh hoạt trong việc đánh giá sự phù hợp giữa quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Một khu đất có thể có nhiều mục đích sử dụng nhiều loại đất mà chưa thể xác định rõ được trong quá trình lập quy hoạch.
Tham gia thảo luận tại phiên họp, đại biểu Huỳnh Thanh Phương - Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh cho biết, về nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, khoản 9 Điều 60 của dự thảo luật đang quy định: Các quy hoạch sử dụng đất được lập đồng thời; quy hoạch được lập, thẩm định xong trước được quyết định hoặc phê duyệt trước. Sau khi quy hoạch được quyết định hoặc phê duyệt, nếu có mâu thuẫn thì quy hoạch thấp hơn phải điều chỉnh phù hợp quy hoạch cao hơn.
Đại biểu cho rằng, việc quy định các quy hoạch sử dụng đất được lập đồng thời để các cấp quy hoạch có sự chủ động hơn trong việc thực hiện quy hoạch cấp mình, tuy nhiên để hoàn chỉnh quy hoạch của cấp dưới thì cần chờ quy hoạch của cấp trên, dù quy hoạch của cấp dưới được chủ động thực hiện trước thì cũng khó có thể thẩm định, phê duyệt trước nếu chưa có quy hoạch của cấp trên. Do đó, quy định này khó thực thi trong thực tiễn.
Đại biểu đề nghị khoản 9 Điều 60 theo hướng, các quy hoạch sử dụng đất có thể được lập đồng thời, quy hoạch sử dụng đất cao hơn được phê duyệt trước quy hoạch cấp thấp hơn, cần quy định rõ ràng, chặt chẽ hơn về trách nhiệm, thời gian hoàn thành quy hoạch, tránh tình trạng vướng mắc, cấp dưới phải chờ quy hoạch của cấp trên, kéo dài thời gian lập quy hoạch, ảnh hưởng đến quyền lợi của các tổ chức, cá nhân.