Ngọn lửa bùng cháy vào khoảng 21 giờ ngày 12.7 tại bìa rừng ở tổ 27, khu vực 5, phường Đống Đa (TP Quy Nhơn). Tiết trời nóng bức nên ngọn lửa bùng phát dữ dội, lan nhanh ra diện rộng và bao phủ cả góc núi Bà Hỏa.
Quân dân căng mình dập lửa
Nhận được tin báo, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CA tỉnh Bình Định) đã điều 5 xe chữa cháy cùng 60 cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường dập lửa. Ngọn lửa khởi điểm giữa núi Bà Hỏa, sau đó bùng cháy mạnh, lan rộng ra xung quanh. Thượng tá Nguyễn Hoàng Tuấn, Phó Trưởng phòng Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CA tỉnh Bình Định), nhận thấy tình huống, khu vực đám cháy xảy ra ở địa hình cao, hiểm trở nên xe chữa cháy khó tiếp cận để phun nước trực tiếp.
Thượng tá Nguyễn Hoàng Tuấn đã yêu cầu chiến sĩ kéo ống đấu nối với quãng chiều dài gần 2 cây số để tải nước và phun trực tiếp vào đám cháy. Đồng thời, nhiều tốp cán bộ, chiến sĩ khác tiếp cận khu rừng, tạo đường băng cản lửa bên dưới đám cháy, ngăn không ngọn lửa cháy lan sang khu vực khác và uy hiếp tới khu dân cư. Lửa dập tắt chỗ này thì phát sinh chỗ khác. Đến khoảng 22 giờ 30 phút, đám cháy tiếp tục bùng phát mạnh hơn, khói tỏ ngút trời, cháy lan qua các khu vực rừng khác và đe dọa khu dân cư từ tổ 24 đến 27, KV5 và tổ 17A, 17B, KV 4, phường Đống Đa.
Trước tình thế cấp bách, Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn Ngô Hoàng Nam đã gọi điện nhờ “chi viện” lực lượng để dập lửa. Tức tốc, gần 600 cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Bình Định, Ban CHQS TP Quy Nhơn, Trung đoàn Cảnh sát cơ động Duyên hải Nam Trung Bộ (E23), dân quân tự vệ các phường lân cận đến hiện trường. Các lực lượng mang theo rựa, cưa xăng, máy thổi gió, bình chữa cháy,… nối nhau vượt dốc, tiếp cận hiện trường để dập lửa. Trong đêm tối, khói bụi đen ngòm, mọi lực lượng kề vai sát cánh cùng nhau không chế đám cháy. Đến 23 giờ 15 phút, đám cháy cơ bản được khống chế, nhưng các lực lượng không rút liền mà tiếp tục nán lại để dập tàn lửa trên các thân cây, ngăn không cho lửa bùng phát trở lại.
Đại úy Lữ Minh Thắng, Phó đội trưởng Ðội chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CA tỉnh Bình Định), cho biết: “Đám cháy xảy ra vào đêm tối nên việc dập lửa rất khó khăn. Đặc biệt, các cán bộ, chiến sĩ phải vừa kéo ống, vừa phát quang bụi rậm để mở lối và leo qua nhiều con dốc cao mới tiếp cận được đám cháy và dập lửa. Khó khăn là vậy, song anh em đều quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ. Cuối cùng, anh em đã dập tắt được đám cháy, ngăn không cho đám cháy lây lan, uy hiếp tới nhà dân”.
“Tiếng chuông” cảnh báo!
Vụ cháy trên núi Bà Hỏa tối 12.7 tuy chỉ gây thiệt hại 1,5 ha cây keo, bạch đàn. Tuy nhiên, đây là tiếng chuông cảnh báo về nỗi lo “giặc lửa” có thể xảy ra bất cứ lúc nào, đặc biệt trong điều kiện thời tiết khô hanh kéo dài như hiện nay. Trước đây, nhiều vụ cháy rừng lớn đã từng xảy ra trên khu vực này, trong đó có vụ cháy xảy ra vào ngày 9.8.2014 làm hơn 50 ha rừng cảnh quan trên núi Bà Hỏa bị cháy rụi.
Sau vụ cháy này, ngành Nông nghiệp tỉnh Bình Định đã kêu gọi cộng đồng chung tay, bảo vệ núi Bà Hỏa. Tháng 3.2017, Chi cục Kiểm lâm phối hợp với Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn xây dựng, ra mắt “Mô hình thí điểm cộng đồng tham gia PCCCR tại núi Bà Hỏa”, với 4 tổ cộng đồng, có 44 thành viên, hoạt động theo hình thức tự nguyện, kết hợp với lực lượng PCCCR của Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn và lực lượng PCCCR của các phường. Từ ngày mô hình đi vào hoạt động, đến ngày 11.7.2019, không có vụ cháy rừng nào xảy ra trên núi Bà Hỏa.
Ông Trần Việt Quang, Chủ tịch UBND phường Đống Đa, cho biết: “Mỗi khu vực của phường có một tổ xung kích từ 9 - 11 thành viên làm nhiệm vụ cảnh báo, tuyên truyền và hỗ trợ các lực lượng khi xảy ra sự cố cháy. Vụ cháy vừa rồi là tiếng chuông cảnh báo tới người dân, nhất là bà con sống xung quanh núi Bà Hỏa cần phải nêu cao ý thức bảo vệ rừng và PCCC rừng; trong đó tuyệt đối không được đốt vàng mã khi viếng mộ, vào rừng đốt tổ ong, hút thuốc hoặc khảy tàn,... Ngoài ra, người dân cũng cần cảnh giác, phát giác các hành vi sử dụng lửa không an toàn có thể gây ra hỏa hoạn”.
Song song với công tác trên, lực lượng PCCCR của các phường cần đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát, phát hiện và kịp thời triển khai dập lửa khi có cháy rừng xảy ra. Đồng thời, UBND các phường cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến cho người dân thấy được tác hại của cháy rừng để vận động nhau tham gia bảo vệ, PCCCR, ngăn ngừa và giảm thiểu các vụ cháy rừng có thể xảy ra trên núi Bà Hỏa. Ngoài ra, trong điều kiện thời tiết nắng nóng kéo dài như hiện nay, các ngành chức năng cần tăng cường cảnh báo, dự báo cấp cháy rừng thường xuyên, liên tục để chính quyền, người dân chủ động phòng tránh.
Núi Bà Hỏa có diện tích gần 222 ha, được ví như “lá phổi xanh” của TP Quy Nhơn. Do tiếp giáp khu dân cư của 4 phường: Lê Hồng Phong, Quang Trung, Ngô Mây và Đống Đa, nên nhiều năm qua, núi Bà Hỏa luôn đối diện với nguy cơ xảy ra cháy. Tháng 12.2018, toàn bộ diện tích rừng trên núi Bà Hỏa được đưa ra khỏi quy hoạch 3 loại rừng (đặc dụng, phòng hộ, sản xuất) và đã được giao cho doanh nghiệp quản lý. Ngày 9.4.2019, UBND tỉnh Bình Định cũng đã ban hành Quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 Khu du lịch và Biệt thự sinh thái núi Bà Hỏa (TP Quy Nhơn) trên diện tích 9,6 ha. |