Xã hội

Tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng ở Lai Châu

Hoàng Châu 17/07/2024 - 11:16

(TN&MT) - Lai Châu là nơi có nhiều tiềm năng, lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, giá trị về lịch sử, văn hóa bản địa của các dân tộc để phát triển mạnh loại hình du lịch cộng đồng, hấp dẫn thu hút du khách đến khám phá, trải nghiệm. Những năm gần đây, việc phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững được Lai Châu chú trọng, đưa vào kế hoạch phát triển du lịch chung của tỉnh

Hiện nay, một số bản du lịch cộng đồng trên địa bản tỉnh Lai Châu đã từng bước khẳng định thương hiệu, trong đó không thể không nhắc đến 5 bản du lịch cộng đồng có thế mạnh tại huyện Phong Thổ và huyện Tam Đường của tỉnh như: bản Sin Suối Hồ, bản Vàng Theo, Bản Sì Thâu Chải, Bản Thẳm, Bản San Thàng.

Bên cạnh đó, Lai Châu còn là nơi sinh sống của 20 dân tộc, với kho tàng văn hóa truyền thống vô cùng phong phú, độc đáo và giàu bản sắc. Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế đó, ngành du lịch tỉnh Lai Châu đã tập trung, quy hoạch, xây dựng một số bản văn hóa du lịch cộng đồng để phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trong phát triển du lịch, kinh tế địa phương.

a1(1).jpg
Giới thiệu sản phẩm văn hóa thổ cẩm ở Sìn Suối Hồ.

Ông Trần Quang Kháng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu, cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh Lai Châu đã đón 780.600 lượt khách, tăng 37,54% so với cùng kỳ năm trước và đạt gần 70% Kế hoạch đề ra (trong đó: khách nội địa đạt 763.114 lượt, khách quốc tế đạt 17.486 lượt). Doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt trên 647 tỷ đồng, tăng 57,22% so với cùng kỳ năm 2023. Với những tiềm năng, thế mạnh sẵn có, những năm qua, tỉnh Lai Châu đã quan tâm, chỉ đạo tập trung mọi nguồn lực để đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ du lịch cộng đồng.

Đến nay, Lai Châu đã có 11 điểm du lịch cấp tỉnh. Các điểm sau khi được công nhận đi vào hoạt động đã nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc giữ gìn giá trị văn hóa, bảo vệ cảnh quan, môi trường du lịch. Người dân đã chủ động đầu tư xây dựng các homestay, thành lập các đội biểu diễn văn nghệ, cung ứng sản phẩm từ nghề thủ công truyền thống, sản phẩm nông nghiệp, thổ cẩm, dịch vụ ẩm thực… phục vụ du khách.

Một số bản du lịch cộng đồng đã từng bước khẳng định thương hiệu, trong đó không thể không nhắc đến địa danh Sin Suối Hồ. Nơi đây được bình chọn là 1 trong 4 làng du lịch cộng đồng tiêu biểu toàn quốc năm 2019. Đặc biệt, bản Sin Suối Hồ đã được tôn vinh trở thành bản du lịch cộng đồng ASean 2023. Ngoài ra còn có các bản: Sì Thâu Chải, Lao Chải, Bản Thẳm…

a2.jpg
Điểm du lịch cộng đồng Sì Thâu Chải, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu.

Bên cạnh đó, để người dân có ý thức hơn trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, tỉnh Lai Châu đang nghiên cứu ban hành chính sách hỗ trợ cho các hộ dân đầu tư phát triển du lịch cộng đồng, quảng bá đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tích cực phối hợp với các tổ chức cá nhân, các công ty lữ hành xây dựng các khu, tuyến du lịch liên tỉnh nhằm tạo sinh kế cho người dân và bảo tồn văn hóa các dân tộc, thúc đẩy văn hóa địa phương phát triển.

Với xu hướng du lịch hiện nay của đa số du khách, đặc biệt là khách quốc tế thích tìm về môi trường tự nhiên, hòa mình vào cuộc sống cộng đồng để được trải nghiệm, cũng như tìm hiểu nét đặc sắc trong văn hóa bản địa, Lai Châu đã tập trung xây dựng và đưa vào khai thác các điểm du lịch cộng đồng, mỗi điểm đều mang sắc thái và đặc trưng riêng.

a3.jpg
Chợ phiên Sin Suối Hồ là không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng của đồng bào dân tộc Mông

Thời gian tới, tỉnh Lai Châu tiếp tục tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến, kết nối sản phẩm nội vùng, liên vùng và quốc tế. Chú trọng công tác đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và dịch vụ du lịch. Đẩy mạnh phát triển các loại hình du lịch mà tỉnh có lợi thế như: Du lịch cộng đồng gắn với phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, độc đáo của các dân tộc; du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp và các danh lam thắng cảnh; du lịch thể thao mạo hiểm gắn với khai thác, chinh phục các đỉnh núi cao.

Riêng du lịch cộng đồng sẽ tập trung lấy cộng đồng dân tộc làm trung tâm để phát triển. Phục hồi, phát huy chính những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo, tốt đẹp, sức hấp dẫn từ ẩm thực, văn hóa, văn nghệ dân gian của mỗi cộng đồng để phát triển du lịch.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng ở Lai Châu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO