Tích tụ đất đai ở Thanh Hóa: Đã tháo gỡ được “nút thắt”

Thu Thủy| 12/10/2021 15:00

(TN&MT) - Thực hiện Nghị quyết 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai. Trong những năm qua, Thanh Hóa đã khắc phục những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại và đề ra các giải pháp cụ thể nhằm thực hiện có hiệu quả chính sách tập trung, tích tụ đất đai hướng đến phát triển nông nghiệp quy mô lớn ứng dụng công nghệ cao.

Cùng với thực hiện Nghị quyết 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai, Luật Đất đại 2013. Thanh Hóa cũng đã ban hành nhiều Nghị quyết chuyên đề về đất đai: Nghị quyết số 192/2019/NQ-HĐND ngày 16/10/2019 của HĐND tỉnh Thanh Hóa mới chỉ giới hạn ở đất được thuê quyền sử dụng đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân khác được nhà nước giao đất lâu dài. Điều này tạo vướng mắc cho chủ đầu tư muốn tích tụ được diện tích đủ để được hưởng chính sách. Đồng thời, tâm lý bám đất, sợ mất đất của bà con nông dân cũng là nguyên nhân gây khó khăn trong quá trình tích tụ. UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011- 2020, điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hằng năm cho các huyện, thị xã, thành phố. Việc quản lý đất đai theo quy hoạch đã giúp nâng hiệu quả tài nguyên đất, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tích tụ, tập trung đến năm 2021 tại Thanh Hóa đạt 30.206,6 ha

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa, lũy kế đến hết tháng 6/2021, tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tích tụ, tập trung để phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn ứng dụng công nghệ cao và theo hướng công nghệ cao toàn tỉnh đạt 30.206,6 ha tại 26 đơn vị cấp huyện (tăng 19.727,2 ha so năm 2018). Trong đó, lĩnh vực trồng trọt đạt 11.289,6 ha, lĩnh vực chăn nuôi đạt 8.290,8 ha, lĩnh vực thủy sản đạt 2.834 ha, lĩnh vực lâm nghiệp đạt 7.792,2 ha.

Diện tích được hưởng chính sách tích tụ, tập trung đất đai năm 2020 là 642,8 ha, kinh phí 4.033 triệu đồng. Trong đó diện tích chuyển nhượng 3,5 ha, kinh phí 350 triệu đồng; diện tích thuê đất 639,3 ha, kinh phí 3.683 triệu đồng.

Đến tháng 6/2021, diện tích được hỗ trợ ước đạt 2.284 ha, kinh phí 20.226 triệu đồng. Trong đó diện tích chuyển nhượng 64 ha, kinh phí 5.385 triệu đồng; diện tích thuê đất 2.220 ha, kinh phí 14.541 triệu đồng.

Tuy nhiên là năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết nên ngành Nông nghiệp Thanh Hóa còn gặp nhiều bỡ ngỡ, lúng túng, ít kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành nên diện tích được hỗ trợ chính sách năm 2020 nhỏ (đạt 26% kế hoạch về diện tích và 12,9% về kinh phí).

Về công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong việc thực hiện Nghị quyết còn gặp nhiều vướng mắc do chưa có hướng dẫn cụ thể trình tự, thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh, gây ảnh hưởng đến công tác tổ chức thực hiện.

Tỉnh Thanh Hóa đề xuất nâng cao hạn mức giao đất để tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân tích tụ, tập trung đất đai

Theo đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa: Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh Thanh Hóa cũng còn một số vướng mắc trong quá trình triển khai chính sách, tập trung, tích tụ đai. Một trong số đó là hạn mức giao đất nông nghiệp thấp (Điều 129: Hạn mức giao đất nông nghiệp, Luật Đất đai năm 2013) đã ảnh hưởng và kìm hãm về đầu tư tích tụ đất đai sản xuất nông nghiệp quy mô lớn theo tinh thần của Nghị quyết số 13-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa về tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Trong thời gian tới, để thực hiện có hiệu quả chính sách tích tụ, tập trung đất đai, phát triển nông nghiệp quy mô lớn ứng dụng công nghệ cao như đã đề ra, đồng thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại, tỉnh Thanh Hóa đã đề ra các giải pháp cụ thể, mang tính bền vững.

Trong đó, công tác tuyên truyền cần phải được đẩy mạnh, giải quyết tốt tâm lý hoài nghi bị mất đất, giữ đất của một bộ phận nông dân dẫn đến tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, sản xuất không hiệu quả song vẫn không chuyển nhượng, cho thuê đất. Tập trung chỉ đạo xây dựng mô hình tích tụ, tập trung đất đai thí điểm. Huy động nguồn lực đầu tư; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, tăng cường liên kết doanh nghiệp và hộ nông dân. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ.

Tỉnh Thanh Hóa tập trung chỉ đạo xây dựng mô hình tích tụ, tập trung đất đai thí điểm

Nghiên cứu lựa chọn du nhập các ngành nghề, sản phẩm mới vào trong địa bàn, xây dựng thành các cụm, tổ hợp sản xuất để thu hút lao động nông nghiệp sang lao động ngành nghề, đảm bảo ổn định nhu cầu đời sống. Sở Tài nguyên và Môi trường ban hành hướng dẫn trình tự, thủ tục chuyển nhượng quyền sử dung đất, thuê quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh để huyện, thị xã, thành phố triển khai hướng dẫn chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ.

Để thực hiện hiệu quả việc tích tụ ruộng đất và tháo gỡ khó khăn, tỉnh Thanh Hóa cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, đề xuất với Quốc Hội sửa đổi, bổ sung những bất cập trong Luật Đất đai về hạn mức giao đất nông nghiệp (nâng cao hạn mức giao đất) để tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích nhân dân tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tích tụ đất đai ở Thanh Hóa: Đã tháo gỡ được “nút thắt”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO