Thực hư tác dụng của "thần dược" Tuệ Đức Hoàn Nguyên Vị?

15/12/2017 00:00

(TN&MT) - Mặc dù sản phẩm Tuệ Đức Hoàn Nguyên Vị và Tuệ Đức Hoàn Nguyên Vị HP chỉ là thực phẩm chức năng (TPCN), nhưng website của công ty cổ phần Đông y Tuệ Đức (đơn vị phân phối 2 sản phẩm này - PV) lại quảng cáo chúng như một “thần dược” chữa bệnh trào ngược dạ dày. Đáng nói hơn, website này còn “nổ” rằng, chúng có thể thay thế toàn bộ các loại thuốc tây y.

Quảng cáo TPCN như thuốc chữa bệnh

Phản ánh của nhiều người tiêu dùng tới Báo TN&MT cho biết, thời gian qua, trên một số diễn đàn mạng có giới thiệu về sản phẩm Tuệ Đức Hoàn Nguyên Vị và Tuệ Đức Hoàn Nguyên Vị HP như là “thần dược” chữa bệnh trào ngược dạ dày và có thể thay thế toàn bộ các loại thuốc tây y.

Nhằm làm rõ thông tin trên, PV đã đi tìm hiểu và được biết, hai sản phẩm Tuệ Đức Hoàn Nguyên Vị và Tuệ Đức Hoàn Nguyên Vị HP là thực phẩm chức năng (TPCN) được Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế cấp Xác nhận công bố phù hợp Quy định An toàn thực phẩm ngày 27/06/2017. Đơn vị sản xuất là công ty TNHH Dược phẩm Lotus, địa chỉ tại lô 49M-2, Khu công nghiệp Quang Minh, thị trấn Quang Minh, huyện Mê Linh, Hà Nội. Đơn vị giới thiệu và phân phối 2 sản phẩm này là công ty cổ phần Đông y Tuệ Đức (sau đây sẽ gọi tắt là công ty Tuệ Đức), địa chỉ tại số 8, ngõ 6, phố Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, Hà Nội.

Công ty Tuệ Đức quảng cáo TPCN Tuệ Đức Hoàn Nguyên Vị như thuốc chữa bệnh
Công ty Tuệ Đức quảng cáo TPCN Tuệ Đức Hoàn Nguyên Vị như thuốc chữa bệnh

Như vậy, hai sản phẩm nêu trên chỉ là TPCN chứ không phải thuốc chữa bệnh. Thế nhưng trên website hoannguyenvi.com, công ty Tuệ Đức đã vô tư “vượt rào” quảng cáo 2 sản phẩm trên có công dụng như thuốc chữa bệnh. Cụ thể, doanh nghiệp này đã giới thiệu, tiếp thị, quảng cáo trên các trang mạng với nội dung “điều trị tận gốc viêm loét dạ dày, trào ngược dạ dày, thực quản”. Quảng cáo này liên kết đến trang web hoannguyenvi.com với các bài viết kèm baner quảng cáo như “91% khách hàng giảm trào ngược sau 20 ngày sử dụng Hoàn Nguyên Vị”; “hơn 200.000 bệnh nhân trào ngược tin dùng Hoàn Nguyên Vị” ...

Điều đáng nói, trong các bài viết giới thiệu, tiếp thị sản phẩm, đơn vị này còn khẳng định, đây là “bài thuốc Đông y số 1 trị bệnh trào ngược dạ dày, thực quản từ gốc”. Không những vậy, tại các chuyên mục “trào ngược dạ dày thực quản”, “viêm loét dạ dày tá tràng” có mục đăng các từ khoá như: “chữa trào ngược dạ dày, bài thuốc chữa trào ngược dạ dày, thuốc trị trào ngược dạ dày”. Mỗi cụm từ khoá sẽ gắn link đến một bài viết với nội dung khẳng định, Hoàn Nguyên Vị là bài thuốc chữa trào ngược dạ dày và viêm loét dạ dày, tá tràng.

Hành vi vi phạm pháp luật?

Không dừng lại ở việc tung hỏa mù khiến người tiêu dùng nhầm lẫn hai sản phẩm trên là thuốc và có tác dụng chưa bệnh trào ngược dạ dày, trên website hoannguyenvi.com, công ty Tuệ Đức còn khẳng định: “Tuệ Đức Hoàn Nguyên Vị HP là chế phẩm đông y đầu tiên trên thị trường có thể dùng đơn độc một sản phẩm để thay thế cho toàn bộ các loại thuốc của tây y”.

 TPCN Tuệ Đức Hoàn Nguyên Vị HP được khẳng định là có thể thay thế được toàn bộ thuốc tây y?
TPCN Tuệ Đức Hoàn Nguyên Vị HP được khẳng định là có thể thay thế được toàn bộ thuốc tây y?

Song song với những đoạn quảng cáo “nổ” tung trời, công ty này còn cho quảng cáo rầm rộ trên các trang mạng xã hội. Tại page facebook có tên “Hoàn Nguyên Vị - Hết trào ngược – Khoẻ dạ dày”, lượng người theo dõi thường xuyên lên tới gần 27 nghìn người. Ngay ở ảnh bìa của page, đơn vị quản lý page đã sử dụng hình ảnh của hàng loạt các diễn viên nổi tiếng kèm dòng chữ họ đã chữa khỏi bệnh dạ dày bằng Hoàn Nguyên Vị và Hoàn Nguyên Vị HP.

Đáng nói hơn, đơn vị quản lý page đăng hàng loạt ảnh chụp phản hồi của độc giả khẳng định sản phẩm Tuệ Đức Hoàn Nguyên Vị là thuốc và đơn vị quản lý cũng trả lời là sản phẩm này dùng để điều trị bệnh.

Tuy nhiên, các văn bản pháp luật hiện nay đều không cho phép quảng cáo TPCN là có tác dụng: điều trị, chữa trị, thoát khỏi, hết bệnh hoặc miêu tả sản phẩm đó như thuốc. Bởi thực phẩm thì chỉ hỗ trợ chứ không có tác dụng điều trị.

Cụ thể khoản 4, điều 5, Nghị định 181/2013/NĐ-CP Hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật quảng cáo 2012 quy định: “Không được quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc”. Trong khi đó, những hành vi bị cấm được quy định rõ tại khoản 11, điều 8, Luật Quảng cáo 2012 nêu rõ: Cấm quảng cáo có sử dụng các từ ngữ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định của Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch.

Với những hành vi nêu trên, liệu công ty Tuệ Đức có đang vi phạm các quy định về quảng cáo thực phẩm chức năng nói riêng và Luật Quảng cáo nói chung? Và tại sao các cơ quan có thẩm quyền cho đến giờ vẫn làm ngơ cho những sai phạm này?

Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc

Phạm Văn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hư tác dụng của "thần dược" Tuệ Đức Hoàn Nguyên Vị?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO