Phát biểu tại buổi tiếp, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Grete Lochen cảm ơn Thứ trưởng Lê Minh Ngân đã dành thời gian tiếp Đoàn. Đại sứ cho biết, tại Na Uy, Chính phủ và doanh nghiệp có mối quan hệ hợp tác rất chặt chẽ trong việc thực hiện các ưu tiên của Chính phủ, đặc biệt là các cam kết của quốc gia tại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).
Năng lượng tái tạo và biến đổi khí hậu là 2 trong số các ưu tiên của Chính phủ Na Uy. Theo thống kê, lĩnh vực năng lượng chiếm 3/4 nguồn phát thải khí nhà kính trên toàn cầu. Chính vì vậy, không riêng Việt Nam mà tất cả các nước trên thế giới cần thay đổi, chuyển đổi cách thức sản xuất và sử dụng năng lượng. Với tư cách là quốc gia tiên phong toàn cầu về lĩnh vực năng lượng, Chính phủ Na Uy và các doanh nghiệp cam kết hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh không chỉ trong nước mà trên phạm vi toàn cầu. Quá trình này chắc chắn không dễ dàng nhưng là điều tất yếu phải làm.
Để đảm bảo quá trình chuyển đổi năng lượng xanh thành công, Đại sứ Grete Lochen cho rằng, việc phát triển các dự án điện gió ngoài khơi đóng vai trò quan trọng. Na Uy là quốc gia có bờ biển dài nên có kinh nghiệm trong việc lắp đặt, phát triển năng lượng điện gió ngoài khơi. Bà Grete Lochen cũng giới thiệu đến Bộ Tài nguyên và Môi trường Tập đoàn Equinor, là doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này để hợp tác cùng Việt Nam. Hôm nay, Tập đoàn Equinor cũng chính thức khai trương Văn phòng đại diện tại Việt Nam.
Thông tin về Tập đoàn Equinor, ông Jens Olaf Økland, Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách về phát triển kinh doanh năng lượng tái tạo cho biết, Tập đoàn EquinoEquinor rất có kinh nghiệm trong việc tham gia vào các thị trường mới khi ngành điện gió chưa phát triển. Hiện Tập đoàn đã thực hiện các dự án phát triển điện gió tại Anh, Mỹ, Hàn Quốc, và giờ mong muốn thực hiện đầu tư tại Việt Nam. Hiện Việt Nam đang xây dựng khung pháp lý về ngành điện gió ngoài khơi, với 10 năm kinh nghiệm, Tập đoàn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong vấn đề này.
Thay mặt Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thứ trưởng Lê Minh Ngân cảm ơn sự hỗ trợ và hợp tác hết sức chặt chẽ từ Đại sứ quán Na Uy trong thời gian vừa qua, nhất là trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Hy vọng trong thời gian tới, hợp tác giữa Na Uy và Việt Nam trong lĩnh vực này sẽ tiếp tục được tăng cường, nhất là sau Hội nghị quốc tế Kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu sẽ diễn ra trong các ngày 12-13/5 tới đây.
Chúc mừng Tập đoàn Equinor nhân dịp khai trương Văn phòng tại Việt Nam, Thứ trưởng Lê Minh Ngân cho rằng, hiện nay Equinor đang là nhà đầu tư và vận hành nhiều dự án điện gió quan trọng ở Na Uy và các nước trên thế giới trong đó có Vương quốc Anh và sắp tới sẽ triển khai các dự án lớn tại Hoa Kỳ. Hy vọng Tập đoàn sẽ có những đóng góp thiết thực cho nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới, cũng như bằng kinh nghiệm của mình trong lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo, điện gió ngoài khơi, Tập đoàn sẽ đóng góp cho mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 của Việt Nam.
Thứ trưởng Lê Minh Ngân nhấn mạnh, hiện nay Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chủ trì, hoàn thiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 và dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ trong quý II năm 2022 và sau đó sẽ tiến hành cập nhật NDC phù hợp với các cam kết tại Hội nghị COP26, trân trọng đề nghị ADB tiếp tục hợp tác, hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu và biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính để thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26.
Về cơ chế chuyển đổi năng lượng của Việt Nam, trong dự thảo Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, chuyển dịch năng lượng là một trong những quan điểm xuyên suốt của Chiến lược để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Thêm vào đó, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến việc ưu tiên phát triển các dự án điện gió ngoài khơi trong thời gian tới để từng bước thay thế điện than bằng năng lượng sạch hơn. Vì vậy, đề nghị Tập đoàn sẽ có những ý kiến đóng góp cho chúng tôi trong quá trình hoàn thiện cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư vào lĩnh vực điện gió ngoài khơi.
Thứ trưởng Lê Minh Ngân thông tin, ngay sau COP26, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia thực hiện các cam kết của Việt Nam tại COP26 và Bộ Tài nguyên và Môi trường là Thường trực của Ban chỉ đạo. Những vấn đề Tập đoàn Equinor nêu hôm nay, đề nghị Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam sớm có báo cáo, đề xuất. Cục Biến đổi khí hậu phối hợp tổng hợp thông tin để báo cáo Bộ trưởng.