Tài nguyên

Cần đầu tư đánh giá tổng thể tai biến đới bờ biển Việt Nam

Mai Đan 24/07/2024 - 11:02

(TN&MT) - Đó là kiến nghị của Cục Địa chất Việt Nam với Bộ Tài nguyên và Môi trường nhằm nghiên cứu chi tiết các dạng tai biến ảnh hưởng đến dải ven bờ biển Việt Nam.

Cục Địa chất Việt Nam vừa báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn Dự án “Điều tra, đánh giá đặc điểm cấu trúc địa chất, địa chất công trình, đề xuất các giải pháp khai thác, sử dụng lãnh thổ phục vụ xây dựng và phát triển hạ tầng dải ven bờ biển Việt Nam”.

Với sự nỗ lực, phối hợp của tập thể các nhà khoa học trong và ngoài ngành địa chất, sự quan tâm giúp đỡ nhiệt tình của Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (nay là Cục Địa chất Việt Nam), Dự án “Điều tra, đánh giá đặc điểm cấu trúc địa chất, địa chất công trình, đề xuất các giải pháp khai thác, sử dụng lãnh thổ phục vụ xây dựng và phát triển hạ tầng dải ven bờ biển Việt Nam” (Dự án DA47-ĐCCT) đã được Liên đoàn Địa chất và Khoáng sản biển tổ chức thực hiện thành công đúng tiến độ, thực hiện được các mục tiêu đã đề ra.

anh-1-da47-dcct.jpg
Cục Địa chất Việt Nam kiểm tra mẫu khoan của Dự án DA47-ĐCCT

Dự án được thực hiện từ năm 2016 - 2023, với kết quả thực hiện hoàn thành toàn bộ mục tiêu đã được phê duyệt. Cụ thể, đã xây dựng được bộ cơ sở dữ liệu thống nhất về cấu trúc địa chất, địa chất công trình dải ven bờ biển Việt Nam tỷ lệ 1:100.000 và các khu vực trọng điểm (Nam Định, Thanh Hóa, Quảng Trị và Cà Mau) tỷ lệ 1:25.000.

Đồng thời, đã phân vùng địa chất công trình cho toàn bộ dải ven biển Việt Nam ở tỷ lệ 1:100.000 và phân khu địa chất công trình ở tỷ lệ 1:25.000 cho các khu vực trọng điểm (Nam Định, Thanh Hóa, Quảng Trị và bán đảo Cà Mau), phục vụ cho đa mục tiêu, đa lĩnh vực: quy hoạch xây dựng công trình biển; quy hoạch quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường dải ven bờ biển của các ngành, địa phương, quy hoạch phát triển kinh tế biển.

img_4744.jpg
Mẫu khoan của Dự án DA47-ĐCCT

Dự án đã tạo cơ sở dữ liệu đồng bộ về cấu trúc địa chất, địa chất công trình của dải đất liền tiếp giáp biển và dải biển ven bờ Việt Nam nhằm đề xuất được các giải pháp khai thác, sử dụng hợp lý và bảo vệ dải ven bờ biển, thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển; đồng thời, góp phần củng cố và nâng cao năng lực, trình độ cho lực lượng kỹ thuật điều tra địa chất, khoáng sản biển, từng bước hình thành đội ngũ kỹ thuật chuyên ngành đáp ứng yêu cầu công tác điều tra địa chất, khoáng sản biển trong giai đoạn mới.

Đánh giá tác động kết quả của nhiệm vụ hoàn thành đối với công tác quản lý nhà nước ngành/lĩnh vực, hiệu quả về kinh tế, xã hội và môi trường của nhiệm vụ, ông Nguyễn Tiến Thành, Liên đoàn trưởng Liên đoàn Địa chất và Khoáng sản biển cho biết, Dự án đã hệ thống dữ liệu đồng bộ, hiện đại, độ tin cậy cao, đặc biệt là đã làm sáng tỏ được đặc điểm cấu trúc địa chất, địa chất công trình phần lãnh thổ ven biển Việt Nam và 4 vùng trọng điểm. Điều này được thể hiện qua việc đã xây dựng được bộ cơ sở dữ liệu thống nhất về cấu trúc địa chất, địa chất công trình dải ven biển Việt Nam ứng với tỷ lệ 1/100 000 và các vùng trọng điểm (Nam Định, Thanh Hoá, Quảng Trị và Cà Mau) ứng với tỷ lệ 1/25.000.

anh-3-da47-dcct.jpg
Liên đoàn Địa chất và Khoáng sản biển thực hiện nhiệm vụ khoan tay

Qua thực hiện Dự án, Cục Địa chất Việt Nam cũng đã đề xuất được các giải pháp khai thác, sử dụng hợp lý dải ven biển phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng. Các giải pháp có cơ sở khoa học và thực tế, sẽ mang lại hiệu quả khai thác kinh tế lãnh thổ, bảo vệ môi trường địa chất.

Đặc biệt, việc triển khai Dự án đã góp phần đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật của Cục Địa chất Việt Nam nói chung và đặc biệt là Liên đoàn Địa chất và Khoáng sản biển nói riêng về trình độ chuyên môn và quản lý.

Theo ông Nguyễn Tiến Thành, kết quả nghiên cứu địa chất công trình của Dự án là cơ sở khoa học quan trọng cho việc đề xuất định hướng quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng. Song song với sự phát triển kinh tế, việc điều tra, lập được bộ bản đồ địa chất công trình tỷ lệ 1:25.000 tại các địa phương ven biển là rất cần thiết.

“Đới bờ biển Việt Nam hiện nay có xu thế xói lở mạnh hơn bồi tụ, đặc biệt là khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Các số liệu, tài liệu về biến động đường bờ hiện nay có nhiều nguồn, chủ yếu của các địa phương ven biển và kết quả các đề tài nghiên cứu, số liệu chưa đồng bộ. Do vậy, cần đầu tư thực hiện một Đề án đánh giá tổng thể về tai biến đới bờ biển Việt Nam để nghiên cứu chi tiết các dạng tai biến ảnh hưởng đến dải ven bờ biển Việt Nam”, Liên đoàn trưởng Nguyễn Tiến Thành kiến nghị.

Kết quả của việc phân vùng địa chất công trình góp phần đánh giá mức độ thuận lợi cho xây dựng cụ thể cho từng vùng địa chất công trình đã phân chia theo các mức độ cơ bản: thuận lợi, không thuận lợi và khả năng xây dựng theo các quy mô khác nhau. Hai loại bản đồ địa chất công trình và bản đồ phân vùng địa chất công trình phản ánh các kết quả đã đạt được của công tác điều tra, nghiên cứu về địa chất công trình và là cơ sở cho việc đề xuất định hướng quy hoạch, sử dụng lãnh thổ dải ven bờ biển Việt Nam.
Đồng thời, đề xuất được định hướng quy hoạch, sử dụng các vùng lãnh thổ dải ven bờ biển Việt Nam cho xây dựng cơ sở hạ tầng. Căn cứ vào mức độ thuận lợi, không thuận lợi của các vùng địa chất công trình đã đề xuất định hướng sử dụng các vùng này phù hợp với quy mô xây dựng các công trình khác nhau.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần đầu tư đánh giá tổng thể tai biến đới bờ biển Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO