“Thuận thiên” cho thịnh vượng

Phương Anh| 11/03/2021 10:41

(TN&MT) - Thay đổi để thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) là xu thế chung của toàn cầu, trong đó, có sự dịch chuyển chính sách về mô hình tăng trưởng, điều chỉnh định hướng phát triển, đưa ra cách tiếp cận mới về tăng trưởng kinh tế, quản lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường.

Nhìn nhận thấu đáo điều đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017, về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với BĐKH. Đây là quyết sách lớn, mang tầm thời đại của Đảng và Nhà nước hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và tạo bước chuyển lịch sử của vùng châu thổ lớn nhất toàn quốc.

“Không hoảng hốt, cần tìm lối đi…”

Đó là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khi đề cập đến những tác động của BĐKH đối với sự tồn vong và phát triển bền vững ĐBSCL. Những trăn trở của người đứng đầu Chính phủ hoàn toàn có cơ sở, khi thực tiễn BĐKH và nước biển dâng, nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, việc khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn châu thổ ĐBSCL tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội của vùng trong suốt thời gian qua.

“Hóa giải” những thách thức lớn đó, năm 2017, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH với tầm nhìn xây dựng đồng bằng phát triển bền vững, thịnh vượng, gắn kết chặt chẽ với các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước và tiểu vùng sông Mê Công trên cơ sở chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế - xã hội nói chung và của từng lĩnh vực nói riêng, vừa bảo đảm kế thừa những thành tựu phát triển, truyền thống văn hóa quý báu, kết hợp áp dụng khoa học, công nghệ hiện đại của thế giới phù hợp với điều kiện thực tiễn của nước ta.

 “BĐKH không phải là nguy cơ mà chỉ là thách thức. Người ta nói là ĐBSCL sắp mất trong khoảng 50 - 70 năm nữa, trong khi nhiều đồng bằng khác ở nhiều nước cũng bị tình trạng như nước ta, họ đã vượt lên, làm giàu hơn. Đó có phải là thực tiễn đối với Việt Nam không?" -  Thủ tướng đặt vấn đề.

Theo Thủ tướng, chúng ta không nên hoảng hốt mà cần tìm lối đi, cách làm tốt nhất, khoa học nhất, phù hợp nhất; trong đó, đổi mới tư duy, hành động của hệ thống chính trị và người dân nhằm giúp gần 20 triệu dân ĐBSCL cùng vượt qua thách thức. Thông điệp này sẽ huy động sức mạnh tổng hợp toàn xã hội chung tay hành động ứng phó, biến những tác động bất lợi của BĐKH thành cơ hội phát triển bền vững đất nước.

Thực tiễn, trong các đợt kiểm tra, các cuộc làm việc về tình trạng xâm nhập mặn, người đứng đầu Chính phủ đều quán triệt phương châm “không để hộ dân nào thiếu nước sinh hoạt” và tiến tới “biến nguy thành cơ”, biến nguy cơ từ hạn, mặn thành thời cơ để phát triển nông nghiệp, khai thác, sản xuất hợp lý “thuận thiên”…

Chuyển đổi cơ cấu kinh tế đạt được một số kết quả tích cực

“Trái ngọt” của “thuận thiên”

Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 120, đến nay, hệ thống cơ chế, chính sách được hoàn thiện, bổ sung, tập trung thúc đẩy phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững, an toàn, kết nối hạ tầng giao thông, phát triển đô thị, ổn định dân cư; lồng ghép yếu tố BĐKH.

Minh chứng cho điều này, Báo cáo của Bộ TN&MT cho biết, vùng ĐBSCL đã có những thay đổi, chuyển mình mạnh mẽ theo hướng thuận thiên, bền vững; sinh kế, đời sống của nhân dân được từng bước cải thiện; bức tranh phát triển ĐBSCL ngày càng được điểm tô bằng nhiều gam màu tươi sáng. Kết nối hạ tầng giao thông, liên kết vùng đã và đang có nhiều tiến triển, thay đổi bộ mặt của ĐBSCL. Một số cơ chế chính sách đã được rà soát, bổ sung; Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững vùng ĐBSCL đang được khẩn trương hoàn thành.

Chuyển đổi cơ cấu kinh tế đạt được một số kết quả tích cực , tăng trưởng GDP của vùng ĐBSCL luôn ở mức cao, đặc biệt, năm 2018 đạt 7,8% (cao hơn mức tăng trưởng bình quân 7,08% của cả nước); 6 tháng đầu năm 2019, tăng trưởng GDP của vùng ĐBSCL đạt mức ấn tượng là 7,9% cao nhất trong 4 năm, tạo tiền đề cho tăng trưởng những năm tiếp theo.

Những kết quả trên đạt được là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc tích cực chủ động của các Bộ, ngành, địa phương; sự đồng thuận, tích cực hưởng ứng của người dân và doanh nghiệp trong vùng nói riêng và cả nước nói chung, sự quan tâm và tham gia hiệu quả của cộng đồng quốc tế. Đặc biệt, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thường xuyên chỉ đạo sâu sát, đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP cùng với những giải pháp hiệu quả.

Thực tiễn đó một lần nữa khẳng định tầm nhìn chiến lược của Đảng, Nhà nước về phát triển bền vững ĐBSCL, phù hợp với bối cảnh và xu thế phát triển trong nước và quốc tế, đặc biệt là trước những thách thức to lớn của BĐKH. Việc triển khai Nghị quyết đã kế thừa, tích hợp kết quả của các chương trình khoa học công nghệ, các dự án đã và đang triển khai thực hiện trong những năm qua.

Với dấu ấn đạt được sau 3 năm triển khai Nghị quyết số 120 một lần nữa khẳng định, Nghị quyết đã rất phù hợp với bối cảnh và xu thế phát triển của ĐBSCL trước những thách thức to lớn của BĐKH; đã kế thừa, tích hợp kết quả của các chương trình khoa học công nghệ, các dự án đã và đang triển khai thực hiện trong những năm qua để tin tưởng về một diện mạo tương lai phát triển bền vững một vùng đất giàu tiềm năng của phương Nam...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Thuận thiên” cho thịnh vượng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO