Phát triển nhanh
Sở Xây dựng Thừa Thiên Huế thông tin, từ năm 2016, thị trường BĐS tại Huế liên tục có những bước phát triển vượt bậc, các nhà đầu tư liên tục đạt được kết quả kinh doanh khả quan. Khu vực phía Đông Nam TP. Huế thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư như VinGroup, Apec Group, Vneco, Bitexco... với các dự án nổi trội như The Manor Crown Huế, Huế Green City, Royal Park, Phú Mỹ An, An Cựu City. Lý do là trung tâm hành chính tỉnh đang được chuyển về đây và hạ tầng kỹ thuật khu vực này dần được đầu tư hoàn chỉnh.
Qua quan sát, hiện các công trình lớn tại TP. Huế đang thi công rầm rộ với nhiều tòa nhà cao tầng “mọc” lên đặc biệt là khu phức hợp The Manor Crown Tower. Dự án này chính thức mở bán trong quý II/2016 và đến nay nhà phố thương mại và biệt thự đã được bán hết. Còn dự án Khu đô thị Phú Mỹ Thượng phát triển sôi động, Khu đô thị Phú Mỹ An có nhiều đăng ký giao dịch. Năm 2015, khu An Vân Dương chỉ có 32 dự án triển khai thì năm 2018 đã tăng lên 56 dự án. Hơn 350 căn thấp tầng trong tổng 370 căn tại dự án khu đô thị An Cựu City đã hoàn thành chuyển nhượng. Bên cạnh đó, 4 dự án nhà ở xã hội (Xuân Phú, Vicoland, Aranya và dự án của Công ty CP Kinh doanh nhà Thừa Thiên Huế) với gần 1.100 căn hộ cũng đã bàn giao và đưa vào sử dụng.
Tại các khu vực vùng ven, nhất là Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, các dự án BĐS nghỉ dưỡng đang được gấp rút triển khai, hiệu ứng cực kỳ lớn. Ghi nhận của PV thì nơi đây đang trở thành một “đại công trường” đúng nghĩa trong năm 2019 này. Đơn cử như Laguna Lăng Cô- khu nghĩ dương hàng đầu Đông Nam Á tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 khi tăng vốn từ 875 triệu USD lên 2 tỷ USD; Khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế Minh Viễn Lăng Cô đang tiến hành đầu tư xây dựng với số tiền 368 triệu USD; tập đoàn Vicoland đã khởi công dự án Khu nghỉ dưỡng huyền thoại Địa Trung Hải với tổng mức đầu tư 2 giai đoạn lên tới 1.100 tỷ đồng...
Theo đánh giá của Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh, thị trường đất nền ở Huế đang có những chuyển dịch mạnh khi khu vực phía nam, đông nam sôi động. Chính sự tăng trưởng đất nền ở khu vực này tạo sức lan tỏa cho sự phát triển các dự án đất nền ở các vùng lân cận như Phú Vang, Hương Thủy hay Phú Lộc, tạo nên một chuỗi sản phẩm bất động sản mới liên hoàn.
Trong vai người đi mua đất, PV đã hỏi một người môi giới đất tại khu đô thị Phú Mỹ Thượng (xã Phú Thượng, huyện Phú Vang) thì người nay bảo một mảnh đất rộng 100m2 sẽ có giá xấp xỉ 2 tỷ đồng. Điều này chứng tỏ giá đất ở Huế đang rất “sốt”...
Trao đổi với PV Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường, ông Nguyễn Phước Bửu Hùng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Thừa Thiên Huế cho biết, du lịch tai Cố đô đang phát triển vượt bậc, tiềm năng... kèm theo đó là nhiều chính sách cởi mở của lãnh đạo tỉnh đã kéo nhiều dự án đầu tư vào, giúp thị trường BĐS ở Huế ấm dần, sôi động hẳn. Một số nhà đầu tư đã cam kết tái khởi động dự án.
Tuy nhiên theo ông Hùng, tính minh bạch, công khai của thị trường BĐS Huế còn yếu. Việc triển khai Nghị định của Chính phủ về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường BĐS chưa hiệu quả. Một số công cụ thuế, tín dụng, đất đai để khuyến khích phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho thuê vẫn thiếu. Nhiều dự án không thực hiện theo đúng quy hoạch phê duyệt, đầu cơ tích trữ, rao bán dẫn đến khó khăn trong bàn giao và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho khách hàng.
Chưa bền vững
Thời gian qua, trên địa bàn Huế đã xuất hiện tình trạng, một số chủ đầu tư dự án chưa thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng, kinh doanh BĐS, nhất là tuân thủ quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt, gây khó khăn trong công tác quản lý nhà nước, ảnh hưởng đến quyền lợi khách hàng. Một số tổ chức huy động vốn mua bán nhà ở hình thành trong tương lai khi chưa đủ điều kiện, chưa được các đơn vị, ban ngành xác nhận... Đơn cử như vụ việc Công ty CP Đất Xanh Bắc miền Trung “tự vẽ” ra dự án Eco Lake (phường Phú Bài, thị xã Hương Thủy) khi chưa có giấy phép xây dựng nhưng vẫn quảng cáo, bán và nhận tiền của nhiều khách hàng đã gây xôn xao dư luận những tháng gần đây.
Là người chuyên kinh doanh BĐS tại Cố đô, anh Đinh Tuấn (trú phường Trường An, TP. Huế) chia sẻ: “Vẫn có một số thời điểm thị trường bị chững lại do lùm xùm của các doanh nghiệp và các dự án ảo. Vẫn có lúc đất sốt giá không như thực tế. Tôi đi mua nhiều lo đất nên biết rằng hiện việc tách thửa vẫn gặp khó khăn, Sở TN&MT nên tạo cơ chế thông thoáng để thị trường bất động sản đi lên, tỉnh không nên hạn chế quyền công dân trong việc mua bán đất, cần rà soát lại các quy hoạch treo. Các doanh nghiệp cần cẩn trọng, phải kiểm soát tài chính và không nên đầu tư ồ ạc...”.
Tại “Hội nghị đánh giá công tác quản lý nhà nước về thị trường bất động sản; cơ hội, thách thức doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế” vừa diễn ra vào ngày 14/9 vừa qua, các chuyên gia nhận định thị trường BĐS hiện đang phát triển thiếu bền vững; có những bất ổn; xuất hiện tình trạng một số nhà đầu tư đầu cơ BĐS và các thủ đoạn tạo giá ảo, tạo sóng BĐS khiến thị trường có những rủi ro. Đồng thời, các đơn vị cũng kiến nghị xây dựng hành lang pháp lý thông thoáng, hỗ trợ các thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ thẩm định giá đất, công khai các thông tin quy hoạch, đất đai để người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thông tin...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Thiên Định cho rằng, để đạt được mục tiêu phát triển bền vững thị trường BĐS, bên cạnh công tác quản lý nhà nước thì không thể thiếu vai trò của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư và cả người dân trong giám sát, góp ý cùng chính quyền.
“Tỉnh đã và đang tiếp tục nỗ lực cải thiện và xây dựng một môi trường đầu tư và kinh doanh hấp dẫn và thông thoáng; tăng cường quảng bá tiềm năng, nâng cao chất lượng nhà ở. Lãnh đạo tỉnh cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp và các nhà đầu tư giải quyết các vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh rút ngắn thời gian liên quan đến thủ tục đầu tư, tạo lập nhiều kênh thông tin để lắng nghe và chia sẻ, phản hồi lại các ý kiến của các đơn vị, doanh nghiệp, tạo điều kiện tối đa để doanh nghiệp phát triển bền vững. Yêu cầu các sở, ngành có liên quan sớm xây dựng cơ sở dữ liệu về quy hoạch, đất đai… nhằm cung cấp công khai với người dân, doanh nghiệp qua đó tạo thuận lợi trong tra cứu các thông tin đồng thời góp phần làm minh bạch hóa thị trường bất động sản”, ông Định nhấn mạnh.