Thời gian qua, thực hiện đề án “Ngày chủ nhật xanh - Hãy hành động để Thừa Thiên Huế thêm xanh - sạch – sáng”, bên cạnh những kết quả đạt được rất ấn tượng thì Thừa Thiên Huế vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết như tình trạng rác thải trên đường phố, công viên, các khu vực dân cư được thải bỏ không đúng nơi quy định ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường; nhiều bãi chôn lấp tại các địa phương, nước rác không được quản lý tốt, gây ô nhiễm môi trường và lãng phí tài nguyên đất...
Vì vậy, nhằm tăng cường hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường, giảm chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế hướng dẫn thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, chất thải rắn sinh hoạt được phân loại tại nguồn thành 4 nhóm là nhóm tái chế, tái sử dụng: giấy các loại, nhựa các loại, kim loại các loại, thủy tinh các loại; nhóm các chất hữu cơ dễ phân hủy: nhóm thức ăn thừa, lá cây, rau, củ quả, xác động vật; nhóm chất thải nguy hại: pin, ắc quy, bóng đèn huỳnh quang, thiết bị điện tử hỏng; nhóm chất thải còn lại (không bao gồm chất thải xây dựng). Đồng thời, chất thải rắn sinh hoạt tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân được lưu chứa trong các bao bì, thiết bị phù hợp, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Thừa Thiên Huế thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn |
Đơn vị/cá nhân thu gom, vận chuyển phải đảm bảo tổ chức thu gom, vận chuyển riêng các nhóm chất thải sinh hoạt sau phân loại. Riêng chất thải nguy hại thực hiện thu gom, lưu chứa tại một số điểm tập kết được UBND các huyện, thị xã, thành phố lựa chọn và được thu gom, vận chuyển theo quy định. Đối với nhóm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế: hộ gia đình, chủ nguồn thải có thể bán, cho các tổ chức, cá nhân thu mua phế liệu hoặc các tổ chức, cá nhân thu gom chất thải rắn sinh hoạt. Trường hợp không cho hoặc bán cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu thì chủ nguồn thải, hộ gia đình phải bỏ vào thùng chứa rác riêng biệt.
Phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải phải đảm bảo quy định, phù hợp với điều kiện thực tế và phải thu gom riêng biệt từng nhóm chất thải sinh hoạt sau phân loại. Bên cạnh đó, các phương tiện thu gom, vận chuyển ngoài việc đáp ứng các yêu cầu về an toàn kỹ thuật khi tham gia giao thông, phải đảm bảo quy định về quy định về vệ sinh môi trường, không rơi vãi chất thải rắn sinh hoạt, nước rỉ rác trong quá trình thu gom, vận chuyển.
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu các tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ về quản lý môi trường tại các địa phương căn cứ theo quy định tại Điều 20 Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (Nghị định 155) để lập biên bản vi phạm hành chính xử lý các hành vi vi phạm quy định về phân loại CTRSH tại nguồn, thu gom, vận chuyển, chôn lấp, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trình cấp có thẩm quyền ra quyết định xử phạt theo đúng quy định tại Nghị định 155.
Phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” góp phần hạn chế rác thải sinh hoạt |
Yêu cầu Sở TN&MT tham mưu đề xuất UBND tỉnh thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo, Tổ công tác giúp việc Ban chỉ đạo triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh; Quy chế tổ chức hoạt động của Ban chỉ đạo và Tổ công tác. Là cơ quan thường trực, điều phối hoạt động chung của kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; theo dõi tiến độ, khó khăn, bất cập của địa phương; tổng hợp và báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh để kịp thời xem xét, giải quyết.
Hướng dẫn và hỗ trợ các huyện, thị xã và thành phố xây dựng Kế hoạch, phương án, dự toán triển khai phân loại CTRSH tại nguồn. Chủ trì, phối hợp với Sở TTTT và các đơn vị truyền thông xây dựng kế hoạch phổ biến, tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng; hình thành thói quen phân loại chất thải rắn sinh hoạt, lối sống thân thiện với môi trường, góp phần giảm lượng chất thải rắn phát sinh tại nguồn (sử dụng sản phẩm tái sinh, dễ phân hủy, hạn chế sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt hàng ngày) với kinh phí được UBND tỉnh cấp hàng năm. Sở Tài TN&MT xây dựng tài liệu và cung cấp nội dung tuyên truyền phân loại CTRSH tại nguồn đến Sở, ban, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố để tổ chức tuyên truyền rộng rãi.
Chủ trì, phối hợp tham mưu UBND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ cho lực lượng thu gom tại nguồn về chuyển đổi phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại phù hợp theo quy định từ chương trình hỗ trợ tài chính, cho vay với lãi suất ưu đãi của Quỹ bảo vệ môi trường; phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Tư pháp tham mưu đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ có liên quan...