Thành phố Huế chính thức trở thành thành phố trực thuộc Trung ương
Sáng 30/11, với 454/459 đại biểu Quốc hội tham gia tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương.
Thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương có ý nghĩa quan trọng
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, tất cả ý kiến phát biểu của các vị đại biểu Quốc hội đều tán thành cao với chủ trương thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương; một số ý kiến góp ý cụ thể về điều kiện, tiêu chuẩn thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tán thành với ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và thấy rằng, việc trình Quốc hội xem xét, quyết định thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương có ý nghĩa hết sức quan trọng, ghi nhận và đánh dấu thành tựu nổi bật trong việc thực hiện chủ trương đẩy mạnh đô thị hóa gắn với phát triển kinh tế đô thị của cả nước.
Đối với ý kiến còn băn khoăn về tỷ lệ số đơn vị hành chính (ĐVHC) đô thị trực thuộc thành phố Huế và chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người/tháng so với trung bình cả nước còn thấp, UBTVQH thấy rằng, thành phố Huế được thành lập với nhiệm vụ trọng tâm là để bảo tồn, phát huy giá trị đặc sắc cố đô và di sản văn hóa vật thể đã được UNESCO công nhận nên về nguyên tắc sẽ không nhấn mạnh yêu cầu về tỷ lệ đô thị hóa mà chú trọng nhiều hơn cho việc bảo đảm chất lượng và tính bền vững trong phát triển đô thị.
Việc thành lập thành phố Huế sẽ là động lực để Chính phủ, cấp ủy và chính quyền địa phương triển khai thực hiện các quy hoạch, chương trình phát triển đô thị đã được phê duyệt, có phương hướng và kế hoạch đầu tư, phát triển cụ thể nhằm tăng cường chất lượng đô thị, phát triển nhanh, mạnh và bền vững kinh tế đô thị, từ đó từng bước nâng cao thu nhập bình quân đầu người và các chỉ tiêu phát triển khác trên địa bàn thành phố Huế.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, cùng với việc tán thành chủ trương thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương, các vị đại biểu Quốc hội cũng nêu một số kiến nghị, đề xuất đối với thành phố Huế trực thuộc trung ương sau khi được thành lập, chẳng hạn như cần bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Huế; vấn đề thu, chi ngân sách và đầu tư công; vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu; việc đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân; các chính sách đổi mới khoa học, công nghệ; chính sách hỗ trợ, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, bảo vệ đất rừng phòng hộ; việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản hiện hữu, bản sắc văn hóa Huế; việc thay đổi mô hình quản lý nhà nước…
UBTVQH thấy rằng, trong thời gian qua, thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 38/2021/QH15 của Quốc hội, cùng với sự đồng thuận và quyết tâm của cấp ủy, chính quyền và các tầng lớp nhân dân địa phương, diện mạo đô thị Thừa Thiên Huế đã có sự tiến bộ vượt bậc cả về chất và lượng, tạo nhiều dấu ấn quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần cải thiện chất lượng đời sống của Nhân dân.
Do đó, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, sau khi thành phố Huế trực thuộc trung ương được thành lập, đề nghị Chính phủ, cấp ủy và chính quyền địa phương tiếp tục có biện pháp cải thiện và nâng cao trình độ phát triển kinh tế - xã hội, thu hút các nguồn vốn đầu tư đa dạng trên địa bàn, thúc đẩy quá trình phát triển ổn định, bảo đảm cân đối, hài hòa dựa trên nguyên tắc vừa bảo tồn, phát huy giá trị di sản, vừa tạo động lực, đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại thành phố Huế; đồng thời nghiên cứu, đề xuất việc điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp với yêu cầu phát triển của thành phố Huế trực thuộc trung ương để trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Trong quá trình phát triển, để việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội đạt hiệu quả cao, đề nghị Chính phủ quan tâm, thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc chính quyền thành phố Huế triển khai nghiêm túc các chủ trương, yêu cầu nói trên; các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội cũng có trách nhiệm trong việc giám sát thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH.
Thống nhất tên gọi thành phố Huế trực thuộc Trung ương
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Ông Hoàng Thanh Tùng cho biết, một số ý kiến đại biểu Quốc hội góp ý trực tiếp vào các quy định của dự thảo Nghị quyết như về tên gọi, việc xác định vị trí địa lý của thành phố Huế, một số nội dung liên quan đến việc chuyển tiếp cơ chế, chính sách đặc thù; việc kiện toàn tổ chức bộ máy cấp huyện để bảo đảm hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương.
Trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, UBTVQH đã chỉ đạo các cơ quan rà soát, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết theo hướng: Khẳng định thành lập thành phố Huế là thành phố trực thuộc trung ương để làm rõ tên gọi, loại hình và tính chất của ĐVHC. Tên gọi thành phố Huế đã hội tụ đủ các yếu tố lịch sử, văn hóa, truyền thống của địa phương, đã trở nên thân thương, quen thuộc đối với du khách trong và ngoài nước và được đông đảo cử tri và Nhân dân địa phương đồng thuận với tỷ lệ tán thành rất cao (98,67%).
Đồng thời, bổ sung quy định về việc các cơ quan, tổ chức, đơn vị có tên gọi gắn với địa danh tỉnh Thừa Thiên Huế được đổi tên để hoạt động với tên gọi thành phố Huế kể từ ngày Nghị quyết của Quốc hội có hiệu lực thi hành. Khẳng định các cơ chế, chế độ, chính sách đặc thù đối với tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn tiếp tục được thực hiện trên địa bàn thành phố Huế cho đến hết giai đoạn áp dụng hoặc đến khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Mặt khác, để tạo cơ sở pháp lý cho việc kiện toàn tổ chức bộ máy của chính quyền địa phương ở các quận mới được thành lập, phù hợp với thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2021 - 2026 và không làm phát sinh thêm quá nhiều công việc phức tạp cần giải quyết đối với các ĐVHC vừa mới được hình thành, trên cơ sở các quy định hiện hành của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, UBTVQH thống nhất với Chính phủ đề nghị Quốc hội cho bổ sung trong dự thảo Nghị quyết quy định về việc tổ chức và hoạt động của HĐND, UBND và cơ quan chuyên môn thuộc UBND các quận mới được thành lập. Theo đó:
Thường trực HĐND thành phố Huế chỉ định Quyền Chủ tịch HĐND quận theo đề nghị của Thường trực HĐND thành phố Huế thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại khoản 3 Điều 138 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Chủ tịch UBND thành phố Huế chỉ định Quyền Chủ tịch UBND, UBND quận lâm thời theo quy định tại khoản 5 Điều 135 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương để hoạt động cho đến hết nhiệm kỳ 2021 - 2026; đồng thời, cho phép Chủ tịch UBND thành phố Huế quyết định thành lập cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận lâm thời; UBND quận lâm thời thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của UBND quận theo quy định của pháp luật và hoạt động cho đến khi UBND quận nhiệm kỳ 2026 - 2031 được thành lập.
Quy định này sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc kiện toàn bộ máy của chính quyền địa phương tại các quận mới để có thể cơ bản đáp ứng yêu cầu thực hiện chức năng quản lý nhà nước tại địa phương mà không cần phải tổ chức bầu bổ sung đại biểu HĐND quận tại thời điểm quá gần với cuộc bầu cử đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2026 - 2031 (dự kiến tổ chức vào tháng 5/2026).
Đồng thời với quy định về trách nhiệm của UBTVQH, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội giám sát việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, dự thảo Nghị quyết bổ sung quy định về trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong việc giám sát và tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện Nghị quyết này.