Ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ban hành công điện về việc tăng cường quản lý, đảm bảo an toàn tuyệt đối quá trình sử dụng vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN) trên địa bàn.
Động thái này diễn ra sau sự việc mà báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường cũng vừa đưa tin, đó là một phụ nữ tử vong do nổ mìn trong lúc đi hái nấm gần mỏ đá Hương Bằng của của Công ty Cổ phần Khai thác đá và xây dựng Hương Bằng (phường Hương Vân, thị xã Hương Trà).
Theo tìm hiểu, trên địa bàn Thừa Thiên Huế hiện có khoảng hơn 30 doanh nghiệp có hoạt động vật liệu nổ công nghiệp và 29 kho chứa. Trong năm 2016, tỉnh này đã xảy ra 2 vụ trộm kíp nổ với hơn 9.500 kíp nổ bị mất cắp. Thực trạng này cho thấy những bất cập cũng như tồn tại trong hoạt động quản lý vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, qua quá trình kiểm tra còn có một số tồn tại như: vi phạm kĩ thuật trong an toàn sử dụng, một số kho chứa chưa đáp ứng yêu cầu, công tác bảo vệ chưa được tổ chức chặt chẽ...
Vì thế, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu Sở Công thương tăng cường công tác quản lý để ngăn ngừa các vụ tai nạn về VLNCN có thể xảy ra thuộc phạm vi quản lý. Rà soát quy trình sử dụng VLNCN đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các công đoạn, phòng ngựa toàn diện các tình huống, đặc biệt biện pháp bảo vệ và thông tin cảnh báo để hướng dẫn thực hiện thống nhất cho các chủ mỏ, giám đốc điều hành mỏ và người lao động trong khu vực mỏ.
Phối hợp với các cơ quan liên quan và chính quyền địa phương kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật; đặc biệt lưu ý kiểm tra kỹ các nội dung của bản đồ hoặc sơ đồ khu vực nổ mìn...
Công an tỉnh chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tăng cường thực hiện các giải pháp đảm bảo an ninh trật tự và an toàn phòng chống cháy nổ; tổ chức điều tra xử lý vi phạm, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm mọi tổ chức, cá nhân gây mất an ninh trật tự và an toàn phòng chống cháy nổ...
Yêu cầu các Sở LĐTBXH, Sở Xây dựng và Sở TNMT tổ chức tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn kịp thời các quy định pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động liên quan đến nhiệm vụ quản lý của ngành cho các tổ chức hoạt động VLNCN và hoạt động khai thác mỏ lộ thiên trên địa bàn tỉnh. Tăng cường kiểm tra, rà soát việc chấp hành các quy định về đất đai, bảo vệ môi trường, ranh giới khai thác, bản đồ hiện trạng mỏ, tăng cường kiểm tra việc tuân thủ thiết kế xây dựng công trình mỏ khoáng sản đảm bảo đúng điều kiện thực tế, phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành.
Ngoài ra, đề nghị các tổ chức doanh nghiệp có hoạt động khai thác khoáng sản và VLNCN chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về VLNCN. Thông báo bằng văn bản đến chính quyền địa phương, công an cấp huyện, cấp xã và các khu dân cư xung quanh khu vực nổ mìn được biết về kế hoạch nổ mìn của từng vụ nổ, thông tin cụ thể về tín hiệu, thời điểm, số điện thoại cần liên lạc, khoảng cách an toàn, vị trí nổ mìn... để các tổ chức cá nhân được biết và phòng tránh tai nạn có thể xảy ra.
Tăng cường lực lượng bảo vệ, bố trí trạm gác, cắm cờ đỏ báo hiệu tại các vị trí đường mòn, đường giao thông và các địa điểm dân cư thường xuyên qua lại khi nổ mìn; trang bị phương tiện cảnh giới, cảnh báo bằng loa, còi hụ, kẻng; trang bị các phương tiện thông tin liên lạc giữa các trạm bằng bộ đàm có cùng tần số; kiên quyết ngăn chặn không cho phép bất kỳ ai xâm phạm vùng nguy hiểm khi đã tiến hành nạp mìn, dấu ghép mạng nổ. Đảm bảo đủ về số lượng và điều kiện đối với người chỉ huy nổ mìn, thợ mìn, thủ kho và những người làm việc liên quan đến VLNCN theo quy định...
Trao đổi với PV Báo Điện tử Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường sau sự cố đáng tiếc kể trên, ông Hồ Phước Chê- Giám đốc điều hành của mỏ đá Hương Bằng cho biết, tất cả các công đoạn nổ mìn của mỏ phải đảm bảo về phòng cháy chữa cháy; lực lượng cán bộ công nhân viên tham gia công tác nổ mìn phải đủ điều kiện sức khỏe như trong hợp đồng lao động, có đầy đủ bằng cấp chứng chỉ; tuân thủ quy trình xuất, nạp thuốc, phân công nhiệm vụ thi công bãi nổ... nghiêm ngặt. Tất cả các quy trình đều được gửi cho Sở Công Thương và Phòng Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC64) - Công an tỉnh.
“Thời gian nổ mìn của công ty cũng theo giấy phép đàng hoàng, buổi trưa là từ 11h30 - 12h30 và buổi chiều từ 16h30-17h30. Tùy theo từng vụ nổ thì chỉ huy nổ mìn sắp xếp để vụ nổ xảy ra trong thời gian nhất định tùy thuộc thời gian thi công tại khai trường. Khi thực hiện vụ nổ, chúng tôi có cảnh giới 4 phía, đánh kẻng báo động 3 lần, sau mỗi lần đánh kẻng đều có đọc thông báo bằng lời. Nhân viên cảnh giới mỗi lần làm việc đều có ghi trong hộ chiếu nổ mìn theo quy định của Công an và Sở Công thương...”- ông Chê thông tin thêm.