UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa chính thức ban hành Quyết định số 370/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 hệ thống di tích Kinh Thành Huế thuộc quần thể di tích Cố đô Huế.
Đề án rất cấp thiết
Từ khi được công nhận Di sản văn hóa thế giới năm 1993, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tăng cường công tác quản lý di tích, quản lý chặt chẽ sử dụng đất, xây dựng và chống việc gia tăng dân số cơ học vào vùng di tích lịch sử. Trong giai đoạn 1996 - 2018, đã từng bước thực hiện di dời 1.050 hộ dân tại các khu vực: hai bên bờ sông Ngự Hà, Đàn Xã Tắc, Đàn Âm Hồn, Lầu Tàng Thơ và Thượng thành, Eo bầu phía Nam kinh thành...
Tuy nhiên, sự gia tăng dân số tự nhiên tạo áp lực lớn lên vùng bảo vệ di tích và hiện nay trong khu vực I của các di tích Kinh thành Huế hiện đang có khoảng 4.200 hộ dân sinh sống.
Qua rà soát, hầu hết các hộ dân sinh sống trong khu vực I di tích không có giấy tờ hợp lệ về sử dụng đất, xây dựng nhà trên công trình di tích và làm nhà chồ trên mặt nước nên không được bồi thường về đất, nhà ở và tài sản gắn liền với đất. Hiện tại, do không được xây dựng mới, sửa chữa lớn nên phần lớn các hộ dân sống trong những căn nhà tạm bợ, chật hẹp, các điều kiện về vệ sinh, môi trường không đảm bảo, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe nhân dân và mỹ quan đô thị, xâm phạm nghiêm trọng di tích. Ngoài ra, rất đông dân cư sinh sống trên các di tích đã thải nhiều chất thải sinh hoạt làm mất vệ sinh và làm cho di tích nhanh chóng xuống cấp.
Có mặt tại nhà bà Trần Thị Huệ (83 tuổi, đường Xuân 68, TP. Huế), PV không khỏi ngạc nhiên khi với diện tích đất chật hẹp, gia đình bà có thể sinh sống 3 thế hệ với gần 10 con người. Mọi sinh hoạt chỉ diễn ra quanh ở trong ngôi nhà bịt kín. Mùi khói của bếp lửa làm cho căn phòng luôn nóng nực, chiếc nhà vệ sinh nằm khiêm tốn chừng 1m2 ở nơi kín đáo.
“Ở đây thì khó khăn nhưng bây giờ đi đâu cũng không được, vì tiền không có, đất cũng không. Vào mùa mưa, nhà bị dột nhiều chỗ, mùa nắng thì nóng. Hy vọng sẽ được cấp trên tạo điều kiện cho một mảnh đất nhỏ để tái định cư, ổn định cuộc sống cho cả nhà...” - bà Huệ chia sẻ.
Nhằm gìn giữ, bảo vệ các giá trị lịch sử, bảo tồn văn hóa do tiền nhân để lại; ổn định cuộc sống của người dân sống trong khu vực I di tích; bảo vệ, đảm bảo môi trường, chỉnh trang cảnh quan; phát huy giá trị di tích, tạo sản phẩm du lịch; ổn định và nâng cao đời sống người dân; tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thì việc tập trung di dời, giải tỏa các hộ dân khu vực I khoanh vùng bảo vệ các di tích Kinh Thành Huế là vô cùng cấp thiết. Vì vậy, cần phải xây dựng Đề án và cơ chế đặc thù về di dời dân cư, hỗ trợ tái định cư theo quy định pháp luật đất đai hiện hành để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và hỗ trợ nguồn vốn cho tỉnh thực hiện Thừa Thiên Huế.
Đầu tư gần 4.100 tỷ đồng
Theo phê duyệt, Đề án sẽ thực hiện di dời, giải phóng mặt bằng tổng cộng khoảng 4.201 hộ (2.188 hộ chính, 2.013 hộ phụ) với tổng mức đầu tư khoảng 4.097 tỷ đồng (giải phóng mặt bằng khoảng 2.735 tỷ đồng, xây dựng khu tái định cư khoảng 1.362 tỷ đồng).
Mục tiêu cụ thể từ năm 2019-2021 (giai đoạn 1) hoàn thành xây dựng khu tái định cư và di dời dân cư tại khu vực di tích Kinh Thành Huế gồm thượng thành, các eo bầu, hộ thành hào và tuyến phòng lộ (2.938 hộ). Từ năm 2022-2025 (giai đoạn 2) hoàn thành xây dựng khu tái định cư và di dời dân cư tại khu vực các di tích: Hồ Tịnh Tâm, Hồ Học Hải, Đàn Xã Tắc, Khâm Thiên Giám, Xiển Võ Từ, Lục Bộ, hệ thống hồ 04 phường nội thành và di tích Trấn Bình Đài (1.263 hộ).
Đề án đã đưa ra phương án hỗ trợ sinh kế cho người dân sau di dời. Trong đó nêu rõ về chính sách hỗ trợ: Khi đến khu tái định cư tạo điều kiện cho các lao động đủ điều kiện vào làm việc tại khu công nghiệp cụm làng nghề tại phường An Hòa (tiếp giáp phường Hương Sơ) TP. Huế. Khi các hộ gia đình tới nơi tái định cư mới, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ có những chính sách xã hội để cho các hộ gia đình được vay vốn ưu đãi, phát triển thương mại, dịch vụ, tạo công ăn việc làm bằng các ngành nghề thủ công truyền thống mà các hộ gia đình hiện đang làm và các ngành nghề thủ công truyền thống địa phương có thế mạnh.
Đối với các hộ gia đình, cá nhân không có việc làm, ưu tiên phát triển các hình thức khai thác giá trị di sản văn hóa; trường hợp các hộ gia đình, cá nhân đáp ứng được điều kiện (năng lực, chuyên môn,…) sẽ được ưu tiên đào tạo để tiếp nhận vào làm việc tại Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế.
Đối với các hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất nông nghiệp không phải là đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở, đất ở sẽ được bồi thường, hỗ trợ theo quy định của khung chính sách giải tỏa khu vực 1 di tích Kinh Thành Huế. Đồng thời, được hỗ trợ bằng tiền về ổn định đời sống, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm để tự chuyển đổi ngành nghề phát huy thế mạnh của địa phương, ổn định đời sống. Nếu có nhu cầu, sau khi trùng tu của khu vực 1 di tích hệ thống kinh thành Huế thuộc các khu vực Thượng thành, Eo bầu, một số khu vực sẽ giao lại cho các hộ gia đình được trồng hoa (không thu tiền thuê đất cũng như các loại lệ phí) để tạo công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập, ổn định đời sống, góp phần tạo cảnh quan môi trường “ Huế có bốn mùa hoa”.
Đối với các hộ gia đình sản xuất kinh doanh khi có đất bị thu hồi bởi dự án ảnh hưởng đến việc sản xuất kinh doanh, căn cứ theo ngành nghề sản xuất kinh doanh sẽ được sắp xếp vào khu cụm công nghiệp làng nghề An Hòa. Giá thu tiền cho thuê theo quy định. Hỗ trợ cho người lao động có nguyện vọng đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài khi có đủ điều kiện theo yêu cầu của đơn vị tuyển dụng và có nguyện vọng đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài và được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội với mức vay tối đa bằng 100% các khoản chi phí người lao động phải đóng góp theo quy định đối với từng thị trường.
Được biết trong kế hoạch triển khai chương trình trọng điểm năm 2019 của Đề án, phải hoàn thành di dời, giải phóng mặt bằng, tái định cư hơn 523 hộ dân thuộc khu vực Thượng thành trong năm nay. Hoàn thành việc giải phóng mặt bằng diện tích 9,98 ha khu tái định cư trước ngày 30/3/2019. Đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư (khu vực 1 và khu vực 2): khởi công xây dựng trước ngày 01/4/2019; đầu tư hoàn thành khu tái định cư trước ngày 01/8/2019 để giao đất tái định cư cho các hộ xây dựng nhà ở. Hoàn thành thủ tục về đầu tư, xây dựng và đất đai đối với dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu dân cư giai đoạn 3 để kịp thời đầu tư trong tháng 9 năm 2019, chuẩn bị quỹ đất tái định cư phục vụ di dời dân cư giai đoạn 2020- 2021.
Qua tìm hiểu của PV, trong Đề án di dời, tỉnh Thừa Thiên Huế đã xây dựng khung chính sách đặc biệt cho các hộ dân khó khăn. Hiện chính sách đặc biệt này đang trình Bộ TN&MT xem xét.
Trao đổi với PV về khung chính sách trình Bộ TN&MT, ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm phát triển Quỹ đất TP. Huế cho biết, đơn vị sẽ đưa vào dự án việc xác định quy mô và số hộ, chứ không lập phương án dự trù hết kinh phí vì nhiều hộ sau 2021 mới di dời nên khi ấy giá đất sẽ thay đổi...
“Khung chính sách sẽ được áp dụng cho toàn bộ dự án khu vực kinh thành, nhưng về kinh phí thì hiện chỉ đưa vào giai đoạn 1, giai đoạn 2 đến khi nào làm sẽ bổ sung sau. Trung tâm đã và đang phối hợp với các phường xã làm biễu mẫu, tiến hành điều tra từng hộ để xây dựng khung chính sách một cách hoàn chỉnh nhất...”- ông Anh Tuấn thông tin.
Tại buổi làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, việc bảo vệ di tích Kinh thành Huế là nhiệm vụ của các cấp, các ngành, trước hết là trách nhiệm của địa phương. Về kinh phí, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần xã hội hóa, huy động nhiều nguồn lực khác nhau. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Thừa Thiên Huế và các bộ, ngành liên quan để tính toán cụ thể việc hỗ trợ kinh phí cho tỉnh. Về khung chính sách đối với vấn đề này, Thủ tướng nêu rõ chủ trương tạo thuận lợi cho Thừa Thiên Huế.