Thừa Thiên Huế: Ổn định đời sống cho dân sau khi phân chia địa giới hành chính với Quảng Trị

Văn Dinh| 23/03/2020 12:40

(TN&MT) - Những ngày tới, Thừa Thiên Huế sẽ giao cho tỉnh Quảng Trị 1.063 nhân khẩu và nhận về 477 nhân khẩu. Lãnh đạo địa phương yêu cầu các cơ quan ban ngành cần tích cực trong công tác phân chia địa giới và ổn định đời sống cho dân...

Vào năm 1976, ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đã được sáp nhập thành một tỉnh Bình Trị Thiên. Theo Quyết định ngày 30/6/1989 của Quốc hội khóa VIII, kỳ họp thứ 5, ba tỉnh này lại được tách ra như cũ. Tuy nhiên từ đó đến nay, địa giới giữa Quảng Trị và Thừa Thiên Huế vẫn nhập nhằng, chưa được phân chia rõ ràng.

Theo Nghị quyết số 31 của Chính phủ, căn cứ đường địa giới hành chính đã được xác định tại thực địa và trên bản đồ, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện bàn giao để tỉnh Quảng Trị quản lý toàn bộ hiện trạng sử dụng đất đai, tài sản gắn liền với đất và nhân khẩu, hộ khẩu của thôn Pire 1 (thôn 6) và thôn Pire 2 (thôn 7) thuộc xã Hồng Thủy, huyện A Lưới. Đồng thời, UBND tỉnh Quảng Trị thực hiện bàn giao để tỉnh Thừa Thiên Huế quản lý toàn bộ hiện trạng sử dụng đất đai, tài sản gắn liền với đất và nhân khẩu, hộ khẩu của thôn Phú Xuân B (Tân Xuân) xã Hải Xuân và thôn Phú Kinh Phường xã Hải Hòa, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.

Thừa Thiên Huế sẽ giao cho tỉnh Quảng Trị 1.063 nhân khẩu và nhận về 477 nhân khẩu    

Theo báo cáo của các huyện Phong Điền và A Lưới (Thừa Thiên Huế), đến nay công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục nhân dân đã được triển khai tích cực. Qua đó, tạo sự thống nhất cao trong hệ thống chính trị và sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân. Chính quyền 2 tỉnh đã phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ TN&MT xác định cụ thể đường địa giới hành chính trên thực địa và chuyển vẽ lên bản đồ địa giới hành chính hệ tọa độ quốc gia VN- 2000.

Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã chỉ đạo các cơ quan liên quan tổ chức khảo sát thực địa, xác định đường địa giới hành chính, vị trí cắm mốc. Đến nay, tại khu vực giữa 2 xã Hồng Thủy (A Lưới) và xã A Bung (Đackrong) đã cắm 7 mốc; tại khu vực giữa xã Phong Mỹ, Phong Thu với các thôn của xã Hải Ba, Hải Tân, Hải Hòa đã cắm 9 mốc.

Các bên cũng đã lập bản đồ địa giới hành chính gốc thực địa cấp xã tại 2 khu vực, tổ chức ký pháp lý theo đúng quy định. Bộ TN&MT đã bàn giao hồ sơ bản đồ địa giới hành chính gốc thực địa cấp xã về cho 2 tỉnh để thực hiện các bước tiếp theo.

Đại diện lãnh đạo 2 xã Hồng Thủy và A Bung thể hiện sự đồng thuận, thống nhất cao sau khi cắm mốc tọa độ. Ảnh T.B

Chính quyền 2 tỉnh cũng đã chỉ đạo các địa phương liên quan thống kê hiện trạng sử dụng đất, cơ sở hạ tầng, số hộ gia đình…để nhận bàn giao và bàn giao theo đúng quy định. Đáng chú ý, Thừa Thiên Huế sẽ giao cho tỉnh Quảng Trị 1.063 nhân khẩu và nhận về 477 nhân khẩu. Dự kiến, theo thống nhất giữa 2 tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị sẽ bàn giao vào các ngày 24 và 27/3.

“Chúng tôi đã nghe cán bộ tuyên truyền, vận động rất nhiều. Nếu đổi tên hay đổi địa giới thì cũng có chút buồn. Nhưng cái mới sẽ mở ra niềm vui mới. Ở đâu cũng là con dân của nước Việt thôi mà...”, một người dân huyện A Lưới vui vẻ nói.

Phó Bí thư Thường trực Tinh ủy Thừa Thiên Huế Bùi Thanh Hà ghi nhận, đánh giá cao công tác chuẩn bị của các cấp, các ngành, cho rằng các công tác chuẩn bị đã đủ điều kiện bàn giao theo dự kiến. Tinh thần là thực hiện nghiêm túc, đảm bảo yên dân, an ninh quốc phòng. Các đồng chí bí thư và chủ tịch của các huyện liên quan cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, chịu trách nhiệm trước thường vụ Tỉnh ủy, có phân công lực lượng từng phần việc cụ thể để thành công tốt đẹp.

“Cần rà soát lại khâu cuối cùng những hạn mục cần bàn giao, chú trọng thống nhất các thủ tục, nhất là đất đai, giấy tờ liên quan. Sau bàn giao tiếp tục nắm bắt nguyện vọng của người dân để giúp bà con hoàn thiện các thủ tục hành chính, giấy tờ; xử lý tốt những phát sinh xảy ra. Quá trình tổ chức thực hiện cần nắm chắc tình hình, việc gì phát sinh phải báo cáo ngay của ban chỉ đạo cấp tỉnh xử lý sớm. Lưu ý về cơ sở dữ liệu công dân đã có sẵn, công an và tư pháp cần phối hợp chặt chẽ”- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh.

Lãnh đạo Thừa Thiên Huế và Quảng Trị trao đổi nội dung liên quan đến địa giới hành chính của hai tỉnh

Ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định, đây là công việc hệ trọng, là nhiệm vụ chính trị nên cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cần thực hiện nghiêm túc việc triển khai Nghị quyết số 31 của Chính phủ. Do đó, các cấp, các ngành tiếp tục tuyên truyền, vận động, thuyết phục, tạo sự thống nhất cao trong hệ thống chính trị và sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết.

“Lực lượng được phân công cần bám sát địa phương, địa bàn để nắm bắt tình hình, giải quyết tốt những vấn đề phát sinh. Cần có sự thống nhất cao giữa các địa phương 2 tỉnh, ổn định dân cư sau khi bàn giao”, ông Thọ nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên Huế: Ổn định đời sống cho dân sau khi phân chia địa giới hành chính với Quảng Trị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO