TP. Huế trực thuộc Trung ương: Tạo thế và lực mới
(TN&MT) - Qua một thời gian dài nỗ lực với quyết tâm của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã sẵn sàng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, qua đó tạo động lực lớn, thúc đẩy địa phương phát triển toàn diện.
Sau 15 năm xây dựng và phát triển kể từ thời điểm Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 48-KL/TW vào năm 2009 và qua gần 5 năm quyết liệt triển khai Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị; đến nay tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đạt được những thành tựu và kết quả quan trọng. Trong năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế, tốc độ tăng trưởng GRDP cao hơn mức bình quân chung của cả nước; thu ngân sách nhà nước đạt 11.350 tỷ đồng; tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước đạt 73.230 tỷ đồng (giá hiện hành), GRDP bình quân đầu người ước đạt 62,6 triệu đồng (2.665 USD/người), tăng 9,5 % so cùng kỳ. Đặc biệt, năm 2023, Thừa Thiên - Huế dẫn đầu cả nước về Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI). Năm 2024, huyện A Lưới đã thoát khỏi huyện nghèo. Thừa Thiên - Huế cũng là tỉnh thành duy nhất của Việt Nam sở hữu 8 di sản văn hóa được UNESCO công nhận là di sản thế giới và di sản khu vực, trong đó có 6 di sản của riêng Huế. Festival Huế ngày càng mang tính mở, tính quốc tế và hướng đến cộng đồng. Các chương trình chính quyền điện tử, đô thị thông minh và chuyển đổi số đạt được nhiều kết quả hết sức ấn tượng.
Hiện, Thừa Thiên - Huế đang ưu tiên đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông có tính kết nối và lan tỏa; như Tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh và cầu qua cửa Thuận An; đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương; đường Phú Mỹ - Thuận An; dự án Chương trình phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh) - tiểu dự án Thừa Thiên - Huế... Đồng thời, các dự án đường vành đai 3, đường Tố Hữu nối dài… cũng đang được triển khai.
Tỉnh cũng đã tổ chức khởi công, khánh thành nhiều công trình, dự án trọng điểm như: Khởi công Bệnh viện Quốc tế Trung ương Huế 2; Khởi công Dự án đầu tư xây dựng bến tổng hợp-container số 4 và 5 cảng Vsico Chân Mây; khánh thành Nhà máy điện rác Phú Sơn; đưa vào hoạt động Nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô Kim Long, Trung tâm thương mại Aeon Mall, sân golf BRG…
Lâu nay, Huế đã được biết đến là “Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam”, “Thành phố văn hóa ASEAN”, “Thành phố bền vững môi trường ASEAN”, “Thành phố xanh quốc gia”… Trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thứ 6 của cả nước sẽ mở ra cơ hội để Huế phát triển nhanh, bền vững và tạo động lực lan tỏa vùng Trung bộ; giúp bảo tồn, phát huy tốt hơn giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hoá Huế với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh theo tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế Nguyễn Văn Phương cho rằng, với vị thế của thành phố trực thuộc Trung ương, Huế sẽ thuận lợi trong thu hút nhà đầu tư lớn, tiềm lực mạnh đến nghiên cứu đầu tư, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như lấp đầy các khu công nghiệp, khu kinh tế... Từ đó, kích thích phát triển và tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế đầu tư, sản xuất kinh doanh; giúp giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cải thiện đời sống của người dân.
“Mục tiêu trở thành đô thị trực thuộc Trung ương góp phần nâng cao vai trò, vị thế của tỉnh, có cơ hội đóng góp nhiều hơn cho quốc gia, cho khu vực, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Do đó, tỉnh sẽ từng bước khắc phục những khó khăn để hoàn thành mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách sẽ được mở rộng hơn, chỉ tiêu phân bổ nguồn vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước cao hơn; sẽ kêu gọi được những nguồn vốn, dự án nước ngoài theo chương trình phát triển đô thị của Trung ương, của tỉnh để đầu tư kết cấu hạ tầng. Từ đó, các doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội để đầu tư, phát triển và người dân sẽ được hưởng những điều kiện hạ tầng và tiếp cận các dịch vụ công tốt hơn”, ông Phương chia sẻ.
Cuối tháng 9 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tán thành thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương. Mới đây trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 8 (ngày 31/10), Quốc hội khóa XV; Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, chủ trương thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương có quá trình chuẩn bị từ rất lâu, Trung ương đã bàn thảo về vấn đề thành lập TP. Huế thuộc Trung ương và nhận thấy Huế đủ tiêu chí, tiêu chuẩn và xứng đáng để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên – Huế Lê Trường Lưu cho rằng, trong tiến trình hiện thực hóa mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Thừa Thiên - Huế đã nỗ lực cao, quyết tâm lớn để triển khai Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, trong đó một trong những nền tảng quan trọng là bảo tồn, phát huy các giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế. Ðây là những tài sản vô giá của các thế hệ tiền nhân để lại cho hậu thế, có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử văn hóa, và góp phần quảng bá, tạo nền tảng cho phát triển du lịch, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế-xã hội. Do đó, vấn đề phát triển công nghiệp văn hóa được tỉnh xác định là nội dung quan trọng để phát huy lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng của địa phương.
“Thừa Thiên - Huế có khát vọng vươn lên mạnh mẽ, ngày càng khẳng định được vị thế bằng những cách làm mới, sáng tạo và khác biệt. Tỉnh đã xác định, xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội phải trên cơ sở khai thác, phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của tỉnh và của vùng, nhất là kết hợp hài hòa giữa di sản văn hóa, lịch sử đặc sắc, phong phú với cảnh quan tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên đa dạng. Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, tinh thần Nghị quyết 54 đã được hiện thực hóa, đi vào cuộc sống và với những kết quả quan trọng mà tỉnh đạt được. Thừa Thiên - Huế đang tiến những bước vững chắc trên con đường trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với quyết tâm xây dựng quê hương hạnh phúc hơn, đáng sống hơn, người dân có cuộc sống sung túc hơn, xã hội yên bình hơn và chính quyền thân thiện hơn…”, ông Lưu khẳng định.
Phương án thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của tỉnh Thừa Thiên - Huế. TP. Huế trực thuộc trung ương có 4.947,11 km2 và 1.236.393 người; có 9 đơn vị hành chính cấp huyện (2 quận, 3 thị xã, 4 huyện); có 133 đơn vị hành chính cấp xã (78 xã, 48 phường, 7 thị trấn); tỷ lệ đô thị hóa 63,02 % (779.207 người/1.236.393 người).