Thừa Thiên Huế: Nâng cao vị thế di sản, bảo vệ cảnh quan

07/12/2017 00:00

(TN&MT) - Cùng với việc chú trọng phát triển kinh tế - xã hội, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế luôn được địa phương quan tâm và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Xác định di sản văn hóa là tài sản vô giá của các thế hệ tiền nhân để lại cho thế hệ hôm nay và mai sau, có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử văn hóa của dân tộc, là phương tiện để quảng bá về hình ảnh địa phương cho các du khách trong và ngoài nước, tạo tiền đề cho việc xây dựng chiến lược phát triển du lịch, góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội.

Festival Huế, nơi diễn ra những lễ hội nhằm quảng bá Di sản Huế ra Thế giới
Festival Huế, nơi diễn ra những lễ hội nhằm quảng bá Di sản Huế ra Thế giới

Nơi hội tụ các giá trị văn hóa

Từ hơn 700 năm trước, Thừa Thiên Huế là vùng đất tích tụ nhiều giá trị văn hóa lịch sử. Với vị trí trọng yếu, là địa bàn mang tính chiến lược nên luôn được lựa chọn để xây dựng thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa... Ngày nay, Huế là Cố đô duy nhất ở Việt Nam còn bảo lưu được khá nguyên vẹn tổng thể kiến trúc thành quách, cung điện, lăng tẩm, đàn miếu... đa dạng và độc đáo. Ở đó còn có hàng vạn hiện vật quý hiếm, hàng ngàn bài thơ chữ Hán được chạm khắc trên các công trình kiến trúc, trên hệ thống bia ký và văn bản Hán Nôm đã thể hiện tính sáng tạo cùng những nội dung mang triết lý nhân văn sâu sắc. Di sản văn hoá Huế là nơi hội tụ trí tuệ của cả dân tộc và sáng tạo nên các giá trị mà đỉnh cao là Quần thể Di tích Cố đô Huế đã được UNESCO ghi vào danh mục Di sản văn hóa thế giới vào ngày 11/12/1993; Âm nhạc Việt Nam - Nhã nhạc Cung đình triều Nguyễn được UNESCO công nhận (7/11/2003) là kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại. 

Sự hội tụ, kết tinh của di sản Huế còn được thể hiện qua nhiều loại hình độc đáo như: Ca Huế, Ca kịch Huế, Tuồng, lễ hội cung đình Huế, mỹ thuật Huế, nghề thủ công truyền thống như đúc đồng, chạm khảm, đan lát, nghề gốm... đã thể hiện tính chất lao động, đời sống tinh thần của cư dân xứ Huế qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau. Đặc biệt, Ca Huế đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2015, tạo tiền đề tiếp tục xây dựng luận cứ để đề nghị lập hồ sơ di sản Ca Huế đệ trình UNESCO công nhận là Kiệt tác di sản văn hoá truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại.

Biểu diến Nhã nhạc Cung đình Huế
Biểu diến Nhã nhạc Cung đình Huế

Huế là nơi tập trung nhiều cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, nhiều đình chùa, đền miếu và niệm phật đường, hầu hết những công trình này đều xây dựng hài hòa với cảnh quan thiên nhiên. Những ngôi danh lam cổ tự như Thiên Mụ, Thánh Duyên, Diệu Đế, Bảo Quốc, Thiền Tôn, Từ Hiếu, Từ Đàm... cùng một số trung tâm du lịch tâm linh được hình thành trong giai đoan hiện nay như Trung tâm văn hóa Huyền Trân, Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã, tượng đài Quán Thế Âm là những địa điểm đang ngày càng được du khách quan tâm, mọi người muốn tìm hiểu các giá trị kiến trúc độc đáo và cảm nhận về các giá trị tinh thần.

Sự ra đời của 06 bảo tàng (Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế; Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng tỉnh; Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế; Bảo tàng Thiên nhiên khu vực miền Trung tại Huế; Bảo tàng Văn hóa Huế, Bảo tàng ngoài công lập Đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn) và 02 nhà trưng bày (Nhà trưng bày tác phẩm Điềm Phùng Thị, Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng) là nơi lưu giữ nhiều cổ vật, di vật gắn liền với văn hóa cung đình, văn hóa dân gian, về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lịch sử cách mạng, các anh hùng, danh nhân tiêu biểu, nghệ sỹ tài hoa của quê hương đất nước góp phần bảo quản, trưng bày và tuyên truyền nhằm phát huy giá trị di sản văn hóa.

Biểu diễn áo dài tại Festival Huế
Biểu diễn áo dài tại Festival Huế

Tiếp tục trùng tu, bảo vệ

Hiện nay, toàn tỉnh có 86 di tích cấp quốc gia và 59 di tích cấp tỉnh, trong đó Quần thể Di tích Cố đô Huế đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Hệ thống di tích đã được UBND tỉnh phân công quản lý, bảo vệ nhằm nâng cao trách nhiệm của các cơ quan trong việc chăm sóc và phát huy giá trị di tích. Từ năm 1993, sau khi được UNESCO đưa vào danh mục Di sản văn hóa thế giới, công tác bảo tồn, tu bổ đã được tập trung triển khai và thu được những kết quả tốt, diện mạo Quần thể Di tích Cố đô Huế ngày càng có nhiều chuyển biến tích cực, vượt qua giai đoạn “cứu nguy khẩn cấp” để chuyển sang giai đoạn “ổn định và phát triển bền vững”.

Một số công trình tiêu biểu đã được trùng tu, bảo tồn như Trường Lang, Cung Trường Sanh, Cung Diên Thọ, Lầu Tứ Phương Vô Sự… một số công trình tại lăng vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức; các di tích quốc gia như Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại 112 Mai Thúc Loan và làng Dương Nỗ; di tích nhà lưu niệm cụ Phan Bội Châu, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh… được quan tâm, đầu tư trùng tu và phát huy giá trị. Ngoài công tác trùng tu, phát huy giá trị di sản văn hóa còn thể hiện ở việc tập trung điều tra, nghiên cứu, sưu tầm các giá trị văn hóa phi vật thể gồm các loại hình nghệ thuật cung đình, nghệ thuật dân gian, lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, văn hóa Huế, như: Lễ hội Cầu Ngư, lễ tế Nam Giao, lễ tế Xã Tắc, Ca Huế, Ca kịch Huế và các làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ của các dân tộc thiểu số. Tiếp tục thực hiện tốt các chủ trương đã đề ra về bảo tồn phố cổ, nhà rường, nhà vườn, làng cổ Phước Tích; phát triển du lịch cộng đồng Cầu ngói Thanh Toàn; bảo vệ và phát huy giá trị cảnh quan thiên nhiên, vịnh biển Lăng Cô, Vườn Quốc gia Bạch Mã...

Ngọ Môn Huế
Ngọ Môn Huế

Hoạt động khảo cổ học đã được chú trọng nghiên cứu, đã tổ chức nhiều đợt thám sát, khai quật công trình di tích như Đông Khuyết Đài, Tây Khuyết Đài, Văn Thánh, Võ Thánh, Quan Tượng Đài... Triển khai Quy hoạch khảo cổ, bản đồ phân bố các phạm vi di tích vừa để bảo vệ, giữ gìn tốt các giá trị văn hóa cho các đời sau, vừa phục vụ kịp thời cho quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kêu gọi đầu tư. Công tác bảo tồn, trùng tu di tích đã đem lại những hiệu quả tích cực về mặt kinh tế và xã hội: góp phần quan trọng trong việc thu hút du khách đến Huế, tăng các nguồn doanh thu du lịch và dịch vụ, tạo ra sự quan tâm đặc biệt của các tầng lớp xã hội đối với di sản văn hóa truyền thống.

Trong những năm qua, di sản văn hóa đã gắn chặt với việc bảo tồn - khai thác - phát huy giá trị di sản, thúc đẩy du lịch phát triển. Các kỳ Festival Huế định kỳ (vào năm chẵn) và Festival Nghề truyền thống Huế (năm lẻ) được tổ chức thành công đã góp phần khẳng định vị trí về chính trị, văn hóa và du lịch, mở rộng quan hệ ngoại giao và hợp tác quốc tế, tạo động lực phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của tỉnh, đồng thời góp phần giữ gìn, tôn tạo những giá trị mang bản sắc văn hóa Huế. Doanh thu từ hoạt động du lịch dịch vụ luôn tăng trưởng với tốc độ rất nhanh. Từ chỗ năm 1976 - 1977, du lịch dịch vụ chỉ chiếm 18 - 20% thì đến năm 2014 du lịch và dịch vụ ở Thừa Thiên Huế đã đóng góp 56% vào GDP của địa phương; lượng khách đến Huế ngày nay đã đạt trên 3 triệu, trong đó 45% là khách nước ngoài. Nhiều năm liền, Thừa Thiên Huế luôn được bình chọn là điểm đến an toàn thân thiện của du lịch Việt Nam.

Ông Phan Tiến Dũng- Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho rằng: Thừa Thiên Huế là một vùng đất có nhiều nguồn lực và tiềm năng đã và đang thu hút đầu tư phát triển kinh tế, du lịch và văn hóa, xã hội. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế đã góp phần tích cực cho những  thành công của tỉnh trong những năm qua và đang từng bước khẳng định Thừa Thiên Huế là một trung tâm di sản quốc gia, vùng du lịch trọng điểm của cả nước, xứng đáng là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực về văn hóa, nghệ thuật phù hợp với Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam, xứng đáng là thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam và thành phố văn hóa ASEAN.

Quốc Toàn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên Huế: Nâng cao vị thế di sản, bảo vệ cảnh quan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO