Chia sẻ với PV, ông Dương Đình Luân, Trưởng ban Dân tộc - Tôn giáo (UBMTTQ tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết, năm 2018 là năm đầu tiên Ban Thường trực UBMTTQ tỉnh hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu và hỗ trợ công tác xã hội Hàm Long (Trung tâm Hàm Long) thực hiện Dự án nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng và nâng cao vai trò, trách nhiệm, sự đóng góp của các tôn giáo đối với hoạt động bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, hiện thực hóa những cam kết của các tôn giao đối với nhiệm vụ bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu theo Chương trình phối hợp giữa Ủy ban Truong ương MTTQ Việt Nam, Bộ Tài nguyên & Môi trường và các tôn giáo giai đoạn 2015-2020.
Thỏa thuận hợp tác gồm 9 hoạt động được triển khai trong 2 năm 2018 và 2019. Trong năm vừa qua, UBMTTQ tỉnh Thừa Thiên Huế đã tập trung triển khai 8 hoạt động.
Theo ông Luân, mặc dù thời gian chưa nhiều và còn mới, tuy nhiên hai cơ quan đã có sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ, thường xuyên bàn bạc với tinh thần trách nhiệm và quyết tâm cao, bước đầu đã đạt những kết quả tích cực.
Gần 300 đại biểu từ các tôn giáo đã được trang bị những kiến thức cơ bản như: Chính sách của Nhà nước về ứng phó với biến đổi khí hậu; vấn đề quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; quy trình lập kế hoạch phòng chống thiên tai và chu trình cứu trợ...
“Ngoài góp phần nâng cao nhận thức, vai trò và trách nhiệm của các tôn giáo, các hội đoàn thể trên địa bàn tỉnh về quản lý rủi ro thiên tai và bảo vệ môi trường thì thông qua việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ này còn giúp tăng cường xây dựng sự đoàn kết giữa các tôn giáo, đoàn kết lương - giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc”- ông Luân chia sẻ.
Năm 2018, Trung tâm Hàm Long đã tổ chức được 9 khóa tập huấn cập nhật kiến thức về bảo vệ môi trường, quản lý rủi ro thiên tai, lồng ghép tiểu chuẩn cứu trợ tối thiểu (Sphere) và ứng phó với tình trạng khẩn cấp ở cấp tỉnh cho các nhà lãnh đạo tôn giáo, các cơ quan ban ngành, và các nhà hoạt động xã hội đã được các đối tác của Trung tâm tổ chức tại các vùng dự án.
Có 5 Ban cứu trợ thiên tai (BCTTT) đã được thành lập tại địa phương vùng dự án. Thành phần BCTTT là các thành viên lãnh đạo có vị trí ảnh hưởng trong xã hội, đại diện cho các tổ chức tôn giáo, chính quyền địa phương và các hội đoàn, các tổ chức xã hội như Mặt trận Tổ quốc, Hội Chữ thập đỏ, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ. BCTTT đảm nhận chức năng phối hợp lập kế hoạch điều phối công tác cứu trợ thiên tai, khảo sát nhu cầu cộng đồng thiệt hại, phân bổ quỹ và vận động nguồn tài chính hỗ trợ cho các hoạt động cứu trợ khi có thiên tai xảy ra.
Với ý nghĩa thiết thực của hoạt động dự án, ngày càng có nhiều Phật tử và giáo dân tham gia vào mạng lưới đội ngũ tình nguyện viên hỗ trợ chương trình. Với số lượng 63 đội ứng cứu khẩn cấp (ƯCKC) được thành lập tại các vùng dự án, đã có 293 người được đào tạo kiến thức và kỹ năng về ứng cứu khẩn cấp, quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng. Các nội dung sơ cấp cứu băng bó vết thương, kỹ năng cứu đuối, kỹ năng về phòng cháy chữa cháy được chú trọng trong các khoá tập huấn thực hành và tập luyện lại thông qua diễn tập “Phòng chống rủi ro thiên tai và tìm kiếm cứu nạn”.
Hoạt động diễn tập là dịp để các thành viên đội ƯCKC ôn tập lại những kiến thức đã học, đồng thời áp dụng thực tế công tác cứu hộ cứu nạn và cách sử dụng các phương tiện hỗ trợ cứu hộ cứu nạn trong sự cố thiên tai. Ngoài ra, các đội ƯCKC đã tích cực tham gia vào các hoạt động cộng đồng để ứng phó với thiên tai, bảo vệ môi trường.
Bên cạnh hoạt động cung cấp kiến thức, kỹ năng, thiết bị và phương tiện cứu hộ đã được trang bị cho các đội ƯCKC tại các vùng dự án, việc an toàn cho người dân về tính mạng và tài sản tại các vùng xung yếu hoặc các vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai cũng đã được dự án đặt ra.
Để có được nơi tránh trú an toàn khi thiên tai xảy ra tại các địa phương chịu ảnh hưởng, có 7 cơ sở tôn giáo đã được khảo sát làm điểm tránh trú, trong số đó đã chọn được 3 điểm (chùa, Niệm Phật đường, nhà thờ) phù hợp làm nơi tránh trú để hỗ trợ nâng cấp và đang trong quá trình hoàn thiện đưa vào sử dụng. Mỗi điểm tránh trú sẽ được trang bị các phương tiện cứu hộ cứu nạn cơ bản. Đây cũng là nơi các đội ƯCKC lập kế hoạch, tập huấn, triển khai hoạt động cứu trợ, họp chia sẻ hoạt động kinh nghiệm khi triển khai thực hiện tại địa phương.
Cố vấn cho Trung tâm trong triển khai thực hiện Dự án trong 2 năm qua, ông Lê Bá Trình- nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đánh giá, Dự án “Tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu trong cộng đồng tôn giáo” giai đoạn 2017-2019 triển khai tại Hà Nội, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế và TP. Hồ Chí Minh đã đạt được những thành tựu về chất lượng hoạt động cũng như kết quả mục tiêu cơ bản theo đúng tiến độ đề ra. Có nhiều đội ứng phó khẩn cấp hoạt động hiệu quả cao.
Ông Trình lưu ý, trong thời gian tới cần tiếp tục bám sát mục tiêu, nhiệm vụ, bảo đảm tôn chỉ hoạt động của mình để tạo được vai trò, vị trí của Trung tâm; sự hưởng ứng mạnh mẽ hơn của xã hội và các tổ chức tôn giáo…