Tàu du lịch hủy chuyến, tàu hàng thì không !
Cảng Chân Mây là cảng biển tổng hợp duy nhất ở Huế và là một trong những cảng biển quan trọng tại khu vực miền Trung, mỗi năm đón hàng ngàn khách du lịch đến bằng đường hàng hải.
Lãnh đạo Cảng Chân Mây cho biết, hiện có 7 chuyến tàu du lịch quốc tế hạng sang như Celebrity Millennium, Quantum Of The Seas, Sevens Seas Voyager... (khoảng hơn 12.000 du khách và thủy thủ đoàn) đã xác nhận hủy chuyến, không cập cảng trong tháng 3 tới. Trước đó, cũng có một số tàu hủy chuyến không đến cập cảng vào trung tuần tháng 2/2020.
Nhiều tàu du lịch hạng sang phải hủy lịch trình đến Cảng Chân Mây vì dịch Covid - 19 |
Ông Huỳnh Văn Toàn - Tổng giám đốc Công ty CP Cảng Chân Mây cho hay, thông thường, các tàu du lịch khi có kế hoạch đưa du khách quốc tế đến tham quan bằng cảng biển thì phải ký hợp đồng trước đó 1 - 2 năm. Bây giờ, dịch bệnh bùng phát, nhiều du khách lo lắng nên bỏ tour, vì vậy các tàu du lịch phải thay đổi kế hoạch. Dự kiến sẽ có thêm nhiều tàu du lịch sẽ thông báo đến Cảng hủy chuyến trong thời gian tới.
“Việc các tàu xác nhận đến Cảng hủy chuyến vì do ảnh hưởng của dịch Covid - 19 đều được phía Cảng đồng tình, chia sẻ bởi tính mạng du khách, thủy thủ phải được đặt lên hàng đầu. Và, tất nhiên, việc nhiều tàu du lịch hủy chuyến sẽ gây thiệt hại không nhỏ đối với công ty”, ông Toàn chia sẻ.
Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cũng nhìn nhận, các tàu du lịch quốc tế sau khi cập Cảng Chân Mây thường sẽ đi tham quan các di tích, thắng cảnh tại Huế, Đà Nẵng và Hội An và sẽ lưu trú tại các tỉnh, thành phố miền Trung. Vì vậy, việc các tàu du lịch hủy chuyến sẽ ảnh hưởng nhiều đến doanh thu của ngành du lịch...
Trong khi đó, rất nhiều tàu hàng nước ngoài sẽ cập Cảng Chân Mây trong những ngày tới. Trước tình hình dịch Covid - 19 diễn biến phức tạp, Cảng Chân Mây tiếp tục lên kế hoạch, phương án ứng phó với dịch bệnh.
Cụ thể, đối với các tàu hàng cập cảng, phòng Điều độ Cảng Chân Mây phối hợp với Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên Huế, Trạm Biên phòng cửa khẩu Cảng Chân Mây, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh cấm tất cả các thuyền viên đi lên bờ. Nếu phát hiện thuyền viên có biểu hiện nhiễm hoặc phơi nhiễm, yêu cầu phải cách ly trên tàu, tuyệt đối không cho toàn bộ thuyền viên lên bờ và phải thông báo ngay cho cảng để phối hợp với cơ quan y tế có thẩm quyền kịp thời xử lý không gây phát tán dịch bên ngoài.
Kiểm tra thân nhiệt du khách tại Cảng Chân Mây |
Đối với tàu du lịch cập cảng trong thời gian còn xảy ra dịch đều được phải thực hiện theo quy trình do cơ quan chức năng quy định. Đại lý hàng hải phải thông báo kế hoạch tàu đến cảng 48 tiếng trước khi tàu dự kiến đến cảng. Tiếp đó, Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên Huế thông báo ngay cho CDC tỉnh để chuẩn bị lực lượng, phương tiện làm thủ tục kiểm dịch cho tàu.
“Việc thực hiện thủ tục kiểm dịch được thực hiện tại vùng kiểm dịch (trạm hoa tiêu). Nếu không phát hiện thuyền viên có dấu hiệu của bệnh, hoa tiêu mới dẫn tàu cập cầu. Và các cơ quan, đơn vị khác thực hiện thủ tục điện tử cho tàu theo quy định. Trường hợp phát hiện thuyền viên có dấu hiệu nhiễm bệnh, cách ly tại tàu và chuyển lên Bệnh viện TW Huế để cách ly, tàu phải neo đậu tại trạm hoa tiêu không được cập cầu, theo dõi thuyền viên 14 ngày sau nếu không phát hiện thêm tàu mới được cập cầu. Nếu tàu không có nhu cầu ở lại sẽ giải quyết thủ tục cho tàu rời cảng; đại lý hàng hải phối hợp chặt chẽ với CDC tỉnh thông báo cho thuyền trưởng để thực hiện thủ tục kiểm dịch...”, ông Toàn thông tin.
Khách Hàn Quốc đến Huế giảm mạnh
Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, khách du lịch Hàn Quốc đến Huế đã giảm dần trong tuần qua và trong tuần này cũng giảm mạnh. Cụ thể, vào ngày 21/2 có 184 khách Hàn Quốc đến Huế; ngày 22/2 có 189 khách; ngày 23/2 có 170 khách, ngày 24/2 có 112 khách và ngày 25/2 có 112 khách.
Khách du lịch tham quan Đại nội Huế những ngày đầu năm 2020 |
Theo ông Nguyễn Văn Phúc - Phó Giám đốc Sở Du lịch, trước tình hình dịch bệnh Covid - 19 đang diễn ra phức tạp ở đất nước Hàn Quốc, ngành du lịch tỉnh đã chủ động có những giải pháp để theo dõi và kiểm soát sức khỏe của khách du lịch đến từ đất nước Hàn Quốc. Cụ thể, ngành đã yêu cầu các cơ sở lưu trú phục vụ khách Hàn Quốc tiến hành khai báo y tế bắt buộc như hình thức của khách Trung Quốc và cập nhật hàng ngày; phối hợp với công an tỉnh để nắm số lượng khách Hàn Quốc đến Huế một chính xác để chủ động trong các phương án.
“Ngoài yêu cầu khai báo y tế, ngành cũng đã yêu cầu các đơn vị lữ hành, các hướng dẫn viên phải theo dõi sức khỏe của khách liên tục và báo ngay với cơ quan chức năng khi khách có dấu hiệu bất thường...”, ông Phúc nói.
Tính đến thời điểm này, Thừa Thiên Huế không có trường hợp nào nhiễm Covid -19. Tuy nhiên, địa phương vẫn tiếp tục triển khai các phương án phòng, chống dịch khẩn trương và quyết liệt. 23 đội phản ứng nhanh luôn sẵn sàng kích hoạt...