Thừa Thiên Huế: Đồng loạt triển khai các biện pháp phòng, chữa cháy rừng

Văn Dinh| 06/07/2020 06:38

(TN&MT) - Trước tình hình nắng nóng như hiện nay, các địa phương, đơn vị tại Thừa Thiên Huế đã và đang chủ động triển khai nhiều phương án, kế hoạch để phòng cháy, chữa cháy rừng.

Từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã xảy ra ít nhất 6 đợt nắng nóng gay gắt trên diện rộng. Nền nhiệt độ trong 5 tháng đầu năm cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) từ 1,5 - 2,1 độ C, trong đó tháng 3 cao hơn (TBNN) 2,6 - 3,1 độ C, tháng 5 nhiệt độ cao hơn TBNN từ 1,0 - 1,3 độ C. Lượng mưa thấp hơn so với TBNN cùng kỳ và đạt từ 47 - 67%. Vì thế đã xuất hiện một số vụ cháy rừng.

Thời điểm này đang là cao điểm của mùa nắng nóng, thời tiết diễn biến thất thường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra cháy rừng. Các cơ quan, đơn vị tại Thừa Thiên Huế đã chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn.

Kiểm lâm TP. Huế treo bảng tuyên truyền bảo vệ rừng

Hạt Kiểm lâm TP. Huế cho biết, ngay từ đầu mùa nắng nóng, đơn vị đã chủ động triển khai các giải pháp trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng nhằm bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, đặc biệt là các khu vực rừng cảnh quan trên địa bàn thành phố.

Theo đó, đơn vị đã treo và đóng 25 bảng niêm yết cấm chặt cây đốt rừng, hơn 70 bảng poster tuyên truyền về pháp luật lâm nghiệp tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy, các khu vực rừng đặc dụng cảnh quan, văn hóa lịch sử, du lịch tâm linh như Đền Huyền Trân Công Chúa, Di tích lịch sử Chín Hầm, Núi Bân, Đồi Vọng Cảnh..., phát phóng sự tuyên truyền phòng cháy chữa cháy rừng tại các khu vực du lịch tâm linh (nơi tập trung đông người); tuyên truyền lưu động trong những ngày cao điểm nắng nóng; thường xuyên bảo dưỡng, kiểm tra các trang thiết bị, phương tiện dụng cụ phòng cháy chữa cháy rừng và đưa về cơ sở cho UBND các phường có rừng, chủ rừng mượn để sẵn sàng chủ động trong công tác phòng cháy chữa cháy rừng....

Trong khi đó, tại thị xã Hương Thủy cũng thực hiện nhiều biện pháp phòng chống cháy rừng. Trao đổi với PV, ông Văn Đức Thuận - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Hương Thủy thông tin, đơn vị đã xây dựng bảng cấp dự báo cháy rừng, mua mới 30 can đựng nước 10 lít, 10 hộp pin tiểu và kiểm tra, sửa chữa hầu hết các loại máy thổi gió và bơm nước đeo vai, máy cưa hiện có để sẵn sàng sử dụng trong mùa khô 2020. Tiến hành tu sửa và hoàn thành 6 bảng quy ước bảo vệ rừng trên địa bàn; đồng thời làm mới 25 bảng niêm yết tam giác “cấm chặt cây đốt rừng” cấp phát cho kiểm lâm phối hợp với chủ rừng đóng ở hiện trường sau khi đã tiến hành nghiệm thu nội bộ.

“Hạt luôn bố trí các tổ ứng trực phòng cháy chữa cháy rừng luân phiên, nghiêm túc tại cơ quan. Xây dựng và tổ chức thực hiện tốt kế hoạch trực bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng. Phối hợp với các đơn vị liên quan đóng băng rôn tuyên truyền về bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng tại hiện trường rừng trên địa bàn, nhất là ở những khu vực rừng thông dễ cháy. Tiến hành tuyên truyền lưu động tại các xã, phường trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng; tăng cường kiểm tra đối với cơ sở và chủ rừng trong những ngày giờ cao điểm, giám sát chặt chẽ việc đốt xử lý thực bì của người dân...”, ông Thuận nói.

Chuẩn bị sẵn sàng các dụng cụ phòng cháy chữa cháy rừng

UBND huyện Phong Điền thông tin, đã chỉ đạo các ngành, các đơn vị tăng cường công tác kiểm tra, chỉ đạo các cơ quan chức năng, các chủ rừng theo dõi sát tình hình, dự báo nguy cơ cháy rừng. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ rừng, kịp thời ban hành văn bản chỉ đạo về công tác phòng cháy chữa cháy rừng. Khi có đám cháy xảy ra đã huy động lực lượng, phương tiện dập tắt kịp thời, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản rừng. Triển khai Luật Lâm nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành luật, văn bản của cấp trên về công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng. Xây dựng, triển khai phương án huy động lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy rừng. Chỉ đạo Công ty TNHH Lâm nghiệp Phong Điền, Ban quản lý rừng phòng hộ, các xã có nguy cơ cháy rừng cao trong mùa khô xây dựng và thực hiện phương án phòng cháy chữa cháy rừng. Hướng dẫn các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân xây dựng phương án phòng cháy...

Tại Hạt Kiểm lâm thị xã Hương Trà, hiện đã trang bị 11 máy bộ đàm mẹ; mỗi tổ, trạm kiểm lâm có 1 máy bộ đàm con; các đơn vị chủ rừng trên địa bàn đều có máy bộ đàm, trong đó mỗi chòi canh đều có 1 máy bộ đàm... Trong trường hợp phát hiện có lửa khói trên địa bàn thì phải báo ngay cho đơn vị chủ quản và Hạt Kiểm lâm thị xã Hương Trà. Ngoài ra, chế độ thông tin liên lạc còn được thực hiện qua hệ thống máy điện thoại của các cá nhân, tổ chức có liên quan. Chế độ thông tin liên lạc phải báo cáo kịp thời, đầy đủ, chính xác diễn biến cháy rừng trên địa bàn...

Treo băng rôn tại các điểm có nguy cơ cháy rừng cao

Theo ông Nguyễn Đại Anh Tuấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Thừa Thiên Huế, các đơn vị cần tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng kiểm lâm với lực lượng vũ trang và các lực lượng khác trong công tác phòng cháy chữa cháy rừng, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ tình hình phòng cháy, chữa cháy rừng và xử lý các tình huống khi có cháy rừng xảy ra. Thực hiện phương châm “4 tại chỗ” và “5 sẵn sàng”, “Phòng là chính, chữa cháy kịp thời” để bảo vệ an toàn diện tích rừng hiện có, chủ động phát hiện sớm cháy rừng, kịp thời ứng phó, huy động lực lượng, phương tiện chữa cháy hiệu quả, an toàn, hạn chế thấp nhất số vụ và diện tích thiệt hại do cháy rừng gây ra. Đồng thời tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - Nguyễn Văn Phương yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố có kế hoạch huy động các lực lượng công an, quân đội phối hợp với kiểm lâm kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn tình trạng phá rừng lấy gỗ, lâm sản và đất sản xuất trái phép, giải quyết dứt điểm các tụ điểm phá rừng ngay từ khi mới manh nha. Chú trọng vệ sinh các khu rừng cảnh quan, vùng trọng điểm cháy, nhằm đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng ngừa cháy rừng từ xa.

“Đối với các chủ rừng cần thực hiện tốt hơn nữa vai trò của đơn vị trong việc kiểm soát lâm phận, gắn trách nhiệm của chủ rừng không để xảy ra các vụ việc phá rừng trong phạm vi quản lý; chủ động để truy quét và có kế hoạch phối hợp tốt với lực lượng kiểm lâm, chính quyền địa phương, kiên quyết không để xảy ra điểm nóng phá rừng và lấn chiếm đất lâm nghiệp...”, ông Phương nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên Huế: Đồng loạt triển khai các biện pháp phòng, chữa cháy rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO