Thông tin địa chất khoáng sản - nguồn lực quan trọng cho phát triển bền vững

Mai Đan| 28/07/2020 17:06

(TN&MT) - Thông tin dữ liệu ngành địa chất, khoáng sản chính là sự kết tinh và phản ánh kết quả nhận thức của con người về trái đất, và đương nhiên là để phục vụ con người mà sứ mệnh của nó được định nghĩa một cách ngắn gọn và đầy đủ trong câu “Địa chất vì sự an toàn và thịnh vượng của con người”.

l

Thông tin dữ liệu ngành địa chất, khoáng sản là sự kết tinh và phản ánh kết quả nhận thức của con người về trái đất. Ảnh minh họa

An toàn và thịnh vượng của con người cũng chính là mục tiêu cơ bản của phát triển bền vững và vì thế có thể khẳng định “Thông tin địa chất khoáng sản là một nguồn lực quan trọng cho phát triển bền vững”.

Nguồn lực quan trọng cho phát triển bền vững của Việt Nam hiện đang được bảo quản, phát triển, cung cấp theo hướng hiện đại hóa. Nó đóng góp vai trò ngày càng quan trọng trong công tác quản lý nhà nước, phát triển kinh tế xã hội, cung cấp hạ tầng dữ liệu cho các địa phương phát triển đô thị thông minh, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số; tạo điều kiện cho việc triển khai Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Hiện trạng xây dựng Cơ sở dữ liệu địa chất, khoáng sản

Trong thời gian qua việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan quản lý nhà nước của nhiều bộ, ngành, địa phương đã đạt được nhiều bước tiến đáng kể, việc phát triển Chính phủ điện tử ở nước ta cũng đã đạt được những kết quả nhất định.

Trong quá trình xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử ở nước ta, việc xây dựng cơ sở dữ liệu địa chất và khoáng sản bước đầu được triển khai … Cho đến nay đã có nhiều cơ sở dữ liệu về địa chất và khoáng sản khác nhau được xây dựng, bao gồm các cơ sở dữ liệu theo một chuyên ngành địa chất khoáng sản hoặc cơ sở dữ liệu chuyên đề của các đề án đơn lẻ; hoàn toàn chưa có cơ sở dữ liệu tích hợp các chuyên ngành địa chất khoáng sản khác nhau trên phạm vi toàn quốc.

Theo ông Nguyễn Quang Lộc - Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Thông tin, Lưu trữ và Tạp chí Địa chất thuộc Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, các dữ liệu thông tin địa chất và khoáng sản hiện nay đang được các đơn vị, ban ngành thu thập và quản lý theo cách phân tán, không đồng bộ, mỗi nơi tiếp cận theo cách riêng nên sự thống nhất chưa cao, việc cung cấp chưa nhất quán, không có cơ sở dữ liệu tập trung.

Việc thiếu một cơ sở dữ liệu tổng hợp, thống nhất không chỉ khiến các dữ liệu, tài liệu địa chất khoáng sản tồn tại rời rạc, mất đi tính liên kết và hệ thống về nội dung, định dạng và ý nghĩa, mà trong bối cảnh các cơ chế, quy định pháp luật ràng buộc các đơn vị, tổ chức có liên quan về việc chia sẻ thông tin dữ liệu, điều này cũng sẽ gây hạn chế tính hiệu quả trong công tác hoạch định chính sách quản lý địa chất và khoáng sản.

“Tuy nhiên, do thiếu các quy định về pháp lý và các giải pháp kỹ thuật nên dù thông tin dữ liệu địa chất và khoáng sản hiện có là rất nhiều nhưng để sắp xếp, liên kết và tổ chức các loại cơ sở dữ liệu một cách hợp lý, theo một khung cấu trúc định sẵn có khả năng chia sẻ, khai thác dữ liệu sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, vấn đề trong xử lý kỹ thuật và chuẩn hoá kiến thức chuyên môn” - ông Nguyễn Quang Lộc cho biết.

Tăng cường tiềm lực KHCN về công nghệ thông tin và địa chất

Để có thể xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu địa chất và khoáng sản nhằm mục tiêu quản lý chặt chẽ, hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản của đất nước cần một số giải pháp cụ thể.

Theo ông Nguyễn Quang Lộc, cần hoàn thiện cơ sở pháp lý thống nhất về quản lý, vận hành, khai thác dữ liệu Địa chất và Khoáng sản bảo đảm thực hiện thống nhất, đồng bộ và có cơ chế chia sẻ, sử dụng hiệu quả; về kết nối, chia sẻ dữ liệu, các tiêu chuẩn, quy chuẩn về kết nối, chia sẻ thông tin dữ liệu địa chất và khoáng sản với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương.

Tăng cường tiềm lực khoa học công nghệ, xây dựng và đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn về công nghệ thông tin và địa chất. Mở rộng liên kết với các ngành, địa phương trong nước và các đối tác quốc tế về nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ.

Ông Nguyễn Quang Lộc cho rằng cần tăng cường hạ tầng CNTT đáp ứng được yêu cầu trên cơ sở các nền tảng công nghệ hiện đại, tiên tiến, điện toán đám mây, mô hình quản lý dữ liệu lớn (BigData), trí tuệ nhân tạo (AI) ... bảo đảm cung cấp đủ hạ tầng tính toán, phân tích, kết nối, chia sẻ dữ liệu địa chất và khoáng sản trên phạm vi toàn quốc; Hệ thống mạng kết nối các cơ quan, đơn vị đảm bảo an toàn, bảo mật để sẵn sàng triển khai các ứng dụng một cách nhanh chóng.

“Hoàn thiện cơ sở dữ liệu địa chất và khoáng sản có tính mở, trên phạm vi toàn quốc bảo đảm kết nối, liên thông với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các địa phương, Bộ, ngành; Xây dựng một bộ thuật ngữ chuẩn về các hoạt động nghiên cứu, thi công và quản lý dữ liệu trong lĩnh vực địa chất khoáng sản để chuẩn hóa các loại dữ liệu địa chất, khoáng sản đảm bảo tính thống nhất trước khi cập nhật dữ liệu vào cơ sở dữ liệu…” – ông Nguyễn Quang Lộc đề xuất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thông tin địa chất khoáng sản - nguồn lực quan trọng cho phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO