“Thợ chữ”!

20/06/2018 16:42

(TN&MT) - Khiêm tốn đứng sau hậu trường, công việc thầm lặng của những “thợ chữ” Phòng Thư ký - Biên tập đã góp phần quan trọng trên hành trình xây dựng và trưởng thành các ấn phẩm báo chí của ngành TN&MT.

HNM 0207

Không ít người cho rằng, bộ phận thư ký nhàn nhã, ngồi phòng lạnh, mưa chẳng đến mặt, nắng chẳng đến đầu, tuy vậy, ở đó là một chuỗi công việc có tên, không tên cuốn những “thợ chữ” vào một guồng quay trên những “cánh đồng chữ” bất tận. Một ngày đối diện với màn hình máy tính, đánh vật với những con chữ, mắt cay… rời tòa soạn khi thành phố đã lên đèn, nhà nhà quây quần bên mâm cơm gia đình mà lòng vẫn chưa hết lo.

Để có những ấn phẩm được bạn đọc quan tâm đón nhận phụ thuộc vào nhiều yếu tố, từ bài viết của phóng viên đến khâu biên tập, cắt giũa, rút tít, chọn ảnh; tiếp đến là lên trang, đọc morat, soát lỗi. Bất cứ công đoạn nào, bộ phận thư ký đều hết sức cẩn trọng với sự tập trung cao độ. Vất vả nhất là các số báo đặc biệt, thư ký tòa soạn lại căng mình cùng tờ báo, tăng ca làm đêm, mong muốn mang đến độc giả những thông tin “nóng”, phản ánh một cách đa chiều hơi thở cuộc sống.

Đơn giản như để có được tít “đắt”, hấp dẫn, thư ký phải “vật lộn” với từng con chữ, chắt lọc thông tin, tham khảo ý kiến của đồng nghiệp để có thể mang đến cho độc giả “món ăn” hấp dẫn ngay từ tựa đề. Công việc biên tập không đơn thuần chỉ là sửa bài mà còn cần cái tâm với tác giả, sự nhiệt tình với bạn đọc và hứng thú tìm tòi cái mới.

Báo Tài nguyên và Môi trường là cơ quan ngôn luận của Bộ TN&MT, chính vì vậy, những người làm thư ký tòa soạn không đơn thuần chỉ là sửa chữa văn phong, câu từ của bài viết mà quan trọng hơn cả là giúp Ban Biên tập giữ vững tôn chỉ và mục đích của tờ báo.

Hiện nay, Báo ra 2 số báo/tuần và 1 số chuyên đề. Mỗi ngày, một biên tập viên phải làm một khối lượng công việc khá lớn, như: Biên tập tin, bài, ảnh của phóng viên, cộng tác viên gửi đến ở tất cả các lĩnh vực, phải bảo đảm tính thời sự, không có lỗi nội dung, lỗi văn bản… Để có được trang báo hấp dẫn, phụ thuộc rất nhiều yếu tố, từ bài viết của phóng viên, hoặc cộng tác viên, đến khâu biên tập, cắt giũa, rút tít, chọn hình ảnh thật sinh động… Tiếp đến là bộ phận trình bày, mi trang, chấm morat, soát lỗi… Bất cứ công đoạn nào cũng cần làm việc một cách hết sức nghiêm túc và tập trung cao độ, mới cho ra được sản phẩm chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của bạn đọc.

Để phục vụ cho báo xuất bản đúng định kỳ, những anh chị em ở bộ phận Thư ký Tòa soạn của Báo Tài nguyên và Môi trường làm việc không kể thời gian, nhất là các dịp lễ Tết, các sự kiện chính trị quan trọng của ngành TN&MT, xuất bản các số đặc biệt, các số chuyên đề… Nhờ ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, Báo Tài nguyên và Môi trường liên tục rút ngắn được thời gian xuất bản báo đáp ứng được yêu cầu chất lượng thông tin đến với bạn đọc.

Nghề thư ký tòa soạn cần nhất sự tận tụy và trung thực. Có tận tụy, miệt mài mới sâu sát, cụ thể đến từng dấu chấm phẩy trên bản thảo. Có sự trung thực để mọi xử lý công việc được trong sáng, công bằng, mới đủ bản lĩnh để tiếp nhận và học hỏi yêu cầu khắt khe của Ban Biên tập và góp ý của bạn đọc, đồng nghiêp.

Theo baotainguyenmoitruong.vn
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Thợ chữ”!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO