Thiếu quy hoạch khó thay thế cây xanh

07/03/2017 00:00

(TN&MT) - Đến nay, chúng ta vẫn chưa có quy hoạch cây xanh khiến cho việc cải tạo, trồng cây mới vấp phải sự phản đối của người dân.

Cây xanh cũng cần “nghỉ hưu”

Cây xanh đô thị không chỉ có giá trị kinh tế, môi trường, sức khỏe, mà còn là di sản văn hóa, góp phần tạo nên diện mạo, bản sắc văn hóa và đồng hành với những thăng trầm trong đời sống đô thị - chứng nhân thuyết phục nhất cho bề dày lịch sử và văn hóa của một đô thị, làm tăng vẻ đẹp kiến trúc cảnh quan, phản ánh trình độ văn minh đô thị.

Cây xanh đô thị không chỉ có giá trị kinh tế, môi trường, sức khỏe, mà còn là di sản văn hóa. Ảnh: Hoàng Minh
Cây xanh đô thị không chỉ có giá trị kinh tế, môi trường, sức khỏe, mà còn là di sản văn hóa. Ảnh: Hoàng Minh

Ở Hà Nội và TP. HCM có những hàng cây rất đẹp, chúng có tuổi đời trên 100 năm. Khi ấy, người ta trồng cây cho TP Sài Gòn với quy hoạch chừng 500.000 dân cùng với những con đường hẹp, ngắn và giao cắt nhau liên tục. Giờ đây, khi 2 thành phố đã đổi khác, hiện đại hơn, tốc độ đô thị hóa nhanh hơn, cây xanh cũng phải được “hiện đại hóa” cho phù hợp. Trong quá trình cải tạo nâng cấp đô thị phục vụ dân sinh khiến nhiều cây xanh không còn phù hợp, muốn giữ cũng rất khó.

Bên cạnh đó, có những cây đã già cỗi, bị sâu mọt, cong nghiêng, ảnh hưởng đến an toàn của người dân. Theo Sở GTVT TP. HCM,  chỉ tính riêng từ đầu năm 2016 đến nay, toàn thành phố đã xảy ra 749 sự cố, trong đó, 195 cây đổ, 554 cây gãy nhánh, làm chết 2 người, bị thương 9 người và thiệt hại nhiều tài sản giá trị khác…

Theo ông Nguyễn Du Sanh - Trường đại học khoa học tự nhiên TP. HCM, cây xanh được trồng để lấy bóng mát và tạo cảnh quan, phục vụ nhu cầu của con người, nên cũng cần phải cho nó “nghỉ hưu”. Bởi vậy, chúng ta cần phải xác định thời gian phục vụ của từng loại cây ở đô thị là bao nhiêu năm phải thay thế, trồng lại cây mới chứ không phải đợi cho tới chết thì thôi. Khi cây xanh qua thời kỳ phục vụ tốt nhất phải thay thế, không nên để cho già cỗi, khi gặp mưa gió là gây ra tai nạn.

Cho dù ai trong chúng ta cũng cảm thấy xót xa, tiếc nuối nhưng việc  hạ bỏ cây xanh vì sự an toàn, vì sự phát triển của xã hội vẫn phải thực hiện. Nhưng vấn đề đặt ra ở đây là việc cải tạo mảng xanh, trồng cây mới như thế nào cho hợp lý.

Nhưng chưa có quy hoạch

PGS.TS KTS Nguyễn Quốc Thông - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, cây xanh là một bộ phận của kiến trúc đô thị, mang lại đặc trưng cho mỗi tuyến phố. Người Pháp hồi xưa trồng cây có ý thức. Ví dụ, với khu vực nhiều trường học, viện nghiên cứu như phố Lý Thường Kiệt, họ trồng toàn phượng, biểu trưng cho mùa hè, hoặc trồng những hàng cây sấu theo hướng có thể che nắng được… Phố Thợ Nhuộm, họ trồng rất nhiều bằng lăng, hay ở Tràng Thi trồng nhiều cây bàng… Về nguyên tắc, việc thay thế cây trong đô thị có thể xảy ra, nhất là với các tuyến phố trồng cây tự phát. Nhưng trồng chủng loại cây nào, cách thức trồng ra sao phải phù hợp với không gian đô thị, không xâm hại hệ thống hạ tầng, đồng thời, đảm bảo chúng có thể tồn tại lâu và tương đối đồng nhất”.

Tuy vậy, điều đáng nói là cho đến nay chúng ta chưa có quy hoạch cây xanh mà mới chỉ có quy hoạch đất xanh, mới chỉ ra chỗ này trồng cây, làm vườn hoa, mặt nước, nhưng trồng cây gì, như thế nào chưa chỉ ra được. Việc quy hoạch cây xanh cho các tuyến đường bộ vẫn chưa có công trình nghiên cứu hoặc văn bản nào quy định cụ thể. Trồng cây dọc các tuyến đường phần lớn đều mang tính chủ quan của chủ đầu tư mà chưa mang tính quy hoạch lâu dài và chú ý đến giải pháp BVMT.

Chính vì thiếu quy hoạch nên mới xảy ra tình trạng nhiều nơi trồng cây theo phong trào, không cần biết loại cây đó có phù hợp với đô thị, thổ nhưỡng, khí hậu hay không dẫn đến hiện tượng cây trồng xong vài năm lại đốn bỏ, trồng lại mới, vừa gây lãng phí tiền bạc, công sức, vừa tạo nên những đô thị lộn xộn, kém mỹ quan. Đơn cử như: Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, cách đây hơn 10 năm, đã  trông hoa sữa và sau đó, phải chặt bỏ vì mùi hoa sữa khiến người dân ăn không ngon, ngủ không yên… Các nhà nghiên cứu cho rằng, xây dựng quy hoạch cây xanh đang là việc làm cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. Trong đó phải chú ý  cây xanh trồng ở các khu đô thị phải là các cây thân gỗ có tán lá rộng rậm rạp và ít rụng lá, dày là loại cây chủ đạo dùng trong việc tổ chức cây xanh đường phố. Mỗi khu đô thị nên trồng cùng một loại cây tạo nên nét đặc trưng của từng phố trong đô thị. Trên các đường chính, tùy theo độ rộng của lòng đường và lề đường (vỉa hè) ưu tiên chọn những loài cây bản địa thân thẳng, tán đẹp, gỗ tốt, ít gãy đổ bất thường, ít sâu bệnh, rễ cọc phát triển, phần lớn bộ rễ ăn sâu trong lòng đất, chịu cắt, có hoa đẹp, hương thơm, ít rụng lá, tránh những cây có gai độc, thân bạnh vè lớn, cao vống (có thể ảnh hưởng đến công trình điện)…

Bên cạnh đó, để có được sự đồng thuận của người dân trong việc thay thế cây xanh trong khi chưa có quy hoạch, các cơ quan chức ăng phải phải lập cho được hồ sơ điều tra về các vùng cây tập trung và cây đơn lẻ. Tức là phải kiểm đếm, thống kê, phân loại, đánh giá xem thực trạng cây xanh của một TP ra sao. Bao nhiêu cây cần phải loại bỏ vì lý do bệnh, cong, nghiêng, già cỗi; bao nhiêu cây ảnh hưởng đến công trình xây dựng trong thời điểm hiện tại và tương lai, bao nhiêu cây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống dân cư (mùi hoa, nhựa cây, che chắn tầm nhìn, phá hỏng nhà cửa) và các phương án thay thế tối ưu. Việc điều chỉnh mảng xanh cần được xây dựng thành một dự án nghiêm túc bởi và phải được công bố rộng rãi cho nhân dân biết.

Cây xanh hai bên đường phố có thể giảm lượng bụi trong không khí đối với những tầng trên của nhà cao tầng từ 30 - 60%. Cây xanh làm giảm thiểu khí nhà kính, làm giảm phản xạ bức xạ mặt trời ra xung quanh. Theo các tài liệu nghiên cứu, trung bình 1 ha rừng hay vườn cây rậm rạp có thể hấp thụ 1.000kg CO2 và thải ra 730kg O2 mỗi ngày. Như vậy, mỗi người dân đô thị cần diện tích khoảng 10m2 cây xanh hoặc 25m2 thảm cỏ để đảm bảo không khí trong lành cho cuộc sống. Cây xanh có khả năng hấp thụ tiếng ồn và phụ thuộc vào dải cây xanh rậm rạp hay thưa thớt, rộng hay hẹp, cao hay thấp, lá dầy hay mỏng, lá rộng hay bé... 

Thảo Linh

 

 

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thiếu quy hoạch khó thay thế cây xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO