Thích ứng BĐKH tại Hậu Giang: Lồng ghép vào các chỉ tiêu phát triển

Ng.Thanh| 17/11/2020 11:02

(TN&MT) - Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang tác động ngày càng rõ nét đến mọi ngành, lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hậu Giang. Để hiểu rõ hơn về thực trạng này cũng như những giải pháp thích ứng của tỉnh Hậu Giang, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Trương Cảnh Tuyên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.

Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang

PV: Thưa ông, trước những tác động từ BĐKH, tỉnh Hậu Giang đã để ra giải pháp gì để thích ứng?

Ông Trương Cảnh Tuyên:

Thực hiện theo tinh thần Nghị quyết số 120 của Chính phủ, Hậu Giang đã chọn một số nhóm giải pháp nhằm thích ứng với BĐKH. Cụ thể, huy động sự tham gia của các cấp, các ngành, đoàn thể chính trị - xã hội phổ biến sâu rộng trong cộng đồng dân cư về tình hình BĐKH, các mô hình, cách làm hay chủ động thích ứng; tích hợp kiến thức cơ bản về BĐKH vào chương trình giáo dục các cấp; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thay đổi cơ cấu mùa vụ, mô hình canh tác, sử dụng đất thích ứng với BĐKH; thực hiện chương trình hỗ trợ di dời dân cư ra khỏi vùng thiên tai sạt lở, bố trí ổn định dân cư.

Tỉnh đã lồng ghép các chỉ tiêu phòng, chống thiên tai và thích ứng BĐKH vào Kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội giai đoạn 5 năm và hàng năm; Rà soát những vướng mắc về cơ chế pháp lý, kiến nghị Trung ương hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật lĩnh vực BĐKH; Đồng thời ưu tiên lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, trao đổi công nghệ ứng phó với BĐKH. Cập nhật kịp thời kịch bản biến đổi khí hậu quốc gia, làm cơ sở dự báo trong công tác xây dựng quy hoạch, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương...

Song song với đó, Hậu Giang đã huy động và đa dạng hóa các nguồn kinh phí như ngân sách hỗ trợ của Trung ương, cân đối ngân sách địa phương, nguồn vốn ODA, vốn phi Chính phủ, vốn doanh nghiệp và vận động trong dân để triển khai các dự án thích ứng BĐKH, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; tăng cường phối hợp với các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đề xuất các dự án liên kết vùng để thích ứng với BĐKH và phát triển bền vững.

PV: Thưa ông, với tình trạng thời tiết bất thường như hiện nay, dự báo hiện tượng hạn hán, xâm nhập mặn có thể diễn ra gay gắt trong thời gian tới, tỉnh Hậu Giang đã đề ra kế hoạch gì để thích ứng, nhất là vào mùa khô 2020 - 2021 đang cận kề?

Ông Trương Cảnh Tuyên:

Tỉnh Hậu Giang nằm ở trung tâm của vùng tây sông Hậu, có địa hình trũng thấp, lòng chảo chịu ảnh hưởng của 2 chế độ thuỷ triều biển Đông và triều biển Tây. Tình hình BĐKH, nước biển dâng ngày càng phức tạp và xuất hiện nhiều hình thái thời tiết cực đoan khiến tỉnh Hậu Giang dễ bị tổn thương do thiên tai gây ra; đặc biệt, cuối năm 2019 và đầu năm 2020 tình hình hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra gay gắt và nghiêm trọng; nồng độ, thời gian xâm nhập mặn cao và lâu hơn đợt mặn lịch sử 2015 - 2016.

Để chủ động bảo vệ diện tích cây trồng, nguồn nước sinh hoạt cho người dân, nhất là vào mùa khô 2020 - 2021, tỉnh Hậu Giang đã quán triệt đầy đủ các văn bản chỉ đạo của Trung ương, đặc biệt là Chỉ thị số 36/CT-TTg ngày 11/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ về chủ động triển khai các biện pháp ứng phó nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô 2020 - 2021 ở ĐBSCL; Kế hoạch số 191-KH/TU ngày 22/5/2020 của Tỉnh ủy về việc thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

Tỉnh cũng chỉ đạo ngành chuyên môn và địa phương chủ động xây dựng Kế hoạch Phòng, chống hạn mặn năm 2020 - 2021 phù hợp tình hình thực tế tại địa phương với kịch bản khả năng ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn như đã xảy ra các năm 2015 - 2016; phân công thành viên Ban Chỉ huy bám sát địa bàn để kịp thời hỗ trợ địa phương trong công tác phòng, chống hạn mặn.

Ngoài ra, tỉnh Hậu Giang còn tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền cho người dân, chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hiện các biện pháp tích trữ nước, sử dụng nước hiệu quả; chủ động bố trí nguồn lực thực hiện sớm việc nạo vét kênh, rạch, đào ao, giếng, đắp đập để trữ nước ngọt và ngăn mặn.

Chống BĐKH là một trong những thông điệp chính tại Giải quốc tế MeKong Delta Marathon được tỉnh Hậu Giang tổ chức mới đây

PV: Chống BĐKH là một trong những thông điệp chính tại Giải quốc tế MeKong Delta Marathon mới được tỉnh Hậu Giang tổ chức - đây có thể coi là hình thức tuyên truyền rất hiệu quả. Ông có thể cho biết Hậu Giang kỳ vọng gì ở thông điệp qua giải chạy này?

Ông Trương Cảnh Tuyên:

Có thể nói chưa bao giờ mà chúng ta có thể cảm nhận BĐKH đang tác động mạnh mẽ đến mọi ngành, lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội như hiện nay. Nó không chỉ là vấn đề ở Hậu Giang, vùng ĐBSCL mà trên cả toàn cầu. Do đó, Ban Tổ chức giải chạy Marathon mong muốn các vận động viên tham gia cùng chung tay hướng đến thông điệp chống BĐKH nhằm tạo nên những hiệu ứng lan tỏa tích cực.

Cùng với đó, thông điệp chống BĐKH tại giải này đúng với thời điểm và thực trạng khi tác động của BĐKH đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống con người. Mỗi vận động viên tham gia chạy sẽ góp một phần tiếng nói, hình ảnh, thể hiện tinh thần trách nhiệm chung về cuộc chiến mang đến màu xanh, sự phát triển bền vững cho vùng ĐBSCL bằng việc “Mỗi vận động viên chạy - một cây xanh được trồng”. Với thông điệp này, chúng tôi mong muốn sẽ trở thành hành động xuyên suốt của mỗi tập thể, cá nhân toàn vùng, bất kể thời gian nào, địa điểm nào, chúng ta luôn quan tâm trồng cây để phủ xanh vùng ĐBSCL.

Thông qua giải chạy, Hậu Giang cũng xem đây là cơ hội góp phần giúp thay đổi nhận thức về chống BĐKH trong cộng đồng để có những hành động cần thiết và phù hợp.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thích ứng BĐKH tại Hậu Giang: Lồng ghép vào các chỉ tiêu phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO