Thị trường trầm lắng
Sau thời gian biến động, thị trường BĐS đang có nhiều động lực hỗ trợ để hồi phục, nhưng đà tăng trưởng này vẫn còn chậm, chưa tạo được sức bật đột phá. Theo Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), trong những tháng đầu năm 2021, nguồn cung giao dịch nhà đất trên thị trường BĐS TP.HCM và một số tỉnh lân cận có dấu hiệu suy giảm. Chỉ tính riêng tháng 1/2021, lượng tin đăng chào bán nhà đất tại TP.HCM đã giảm khoảng 19%, nhu cầu mua BĐS cũng giảm gần 5% so với tháng trước đó.
Còn tin rao cho thuê các loại hình khác như: chung cư, nhà phố, đất nền và nhà liền kề cũng giảm. Trong đó, tin đăng rao bán chung cư giảm mạnh nhất gần 24%, mức độ quan tâm nhà riêng lẻ giảm 10%, chung cư giảm 8%, biệt thự - nhà phố giảm từ 3 - 14% so với một tháng trước đó. Tuy vậy, theo HoREA, giá bán căn hộ chung cư vẫn tiếp tục ghi nhận xu hướng tăng. So với mức giá rao bán thời điểm tháng 12/2020, giá chung cư tháng 1/2021 tăng thêm 0,3% và nếu xét với thời điểm cùng kỳ thì tăng gần 3,4%. Việc giao dịch giảm không chỉ diễn ra trên địa bàn TP.HCM mà nguồn cung, nhu cầu giao dịch BĐS tại các tỉnh lân cận TP.HCM cũng giảm.
Cụ thể, tổng lượng tin đăng bán nhà đất tại thị trường BĐS các tỉnh lân cận TP.HCM giảm gần 20%. Theo đó, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Long An và Đồng Nai đều có lượng tin đăng bán BĐS giảm từ 14 - 30%. Trong đó, thị trường BĐS Long An và Bình Dương với nguồn cung BĐS chỉ đạt khoảng 70% so với tháng 12/2020, được đánh giá là 2 khu vực giảm mạnh nhất, lần lượt giảm từ 10% và 14%. Trước diễn biến của thị trường, các chuyên gia BĐS cho rằng, thị trường cần tìm điểm sáng, tích cực hơn nữa, nếu không thay đổi, có thể trở lại thời “đóng băng”.
Ông Nguyễn Hoàng - Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Phát triển DKRA cho rằng, hiện nay, thị trường BĐS tuy đang có nhiều sự xáo trộn, nhưng vẫn có những tín hiệu tốt để phục hồi bởi việc kiểm soát dịch Covid-19 rất tốt, cộng với việc đã có vaccine sẽ tạo ra tâm lý lạc quan hơn cho nhà đầu tư. Hiện, các nhà đầu tư BĐS đang có xu hướng chuyển sang đầu tư dài hạn thay vì “lướt sóng” kiếm lời như trước đây, trong đó sản phẩm đất nền và căn hộ có giá vừa túi tiền vẫn được quan tâm nhiều nhất.
Theo các chuyên gia kinh tế, thị trường BĐS TP.HCM cần có những bước đột phá trong năm 2021 |
Cần tìm điểm sáng
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, hiện tại, cơ cấu sản phẩm BĐS trên địa bàn thành phố đang mất cân đối, chưa đảm bảo sự phát triển bền vững và đảm bản an sinh xã hội. Để thị trường BĐS tiếp tục phát triển bền vững, phân khúc căn hộ bình dân có giá vừa túi tiền của đại bộ phận người dân có nhu cầu ở thực phải giữ ở tỷ lệ cao, tiếp theo là phân khúc căn hộ trung cấp, còn phân khúc căn hộ cao cấp chiếm tỷ lệ nhỏ. Vì vậy, sắp tới, TP.HCM sẽ có điều chỉnh lớn để giải quyết sự lệch pha cung - cầu này.
Đánh giá thị trường BĐS hiện nay, Chuyên gia Kinh tế Trần Nguyên Đán (Đại học Kinh tế TP.HCM) chia sẻ, điểm sáng của BĐS năm 2021 chỉ là kỳ vọng. Thực sự việc cần “cứu” hiện nay không phải là ngành BĐS, mà chính là ngành hàng tiêu dùng. Vì ngành hàng tiêu dùng tăng thì các ngành khác cũng sẽ tăng theo. Tiếp đến, ngành xuất khẩu nếu tăng trưởng nhanh sẽ thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng theo, lúc đó ngành BĐS sẽ hồi phục trở lại. Thực tế cho thấy, nếu có công việc ổn định, có thặng dư kinh tế thì người tiêu dùng mới nghĩ đến việc dùng tiền để đầu tư vào BĐS.
Còn ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA cho rằng, vấn đề pháp lý dự án vẫn là điểm nghẽn cần được tháo gỡ để thị trường BĐS phát triển hơn trong năm 2021. Ngoài ảnh hưởng của dịch bệnh, sự chồng chéo trong các Luật cũng khiến thị trường BĐS gặp khó khăn. Năm 2021, BĐS cao cấp chỉ mang tính chất tương đối, vì với sự tháo gỡ chính sách thì nhà ở vừa túi tiền mới là phân khúc được khách hàng quan tâm. Ngoài ra, xu hướng “ly tâm” khi nhiều nhà đầu tư BĐS bắt đầu chuyển hướng ra các tỉnh lân cận TP.HCM là khu vực có tiềm năng đầu tư phát triển ngành BĐS.
“Năm 2021, niềm tin vào các dự án BĐS có giá vừa túi tiền sẽ được phát triển mạnh mẽ và đó vẫn tiếp tục là phân khúc chủ đạo, vì đáp ứng được nhu cầu thực của đa số người dân. Hiện nay, đang có một làn sóng đầu tư BĐS lan toả về các tỉnh, thành ở đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Tây Nguyên và miền Trung. Đây là lợi thế của những doanh nghiệp BĐS đi sau. Bên cạnh phân khúc nhà ở cao cấp và trung bình, BĐS du lịch cũng có nhiều cơ hội phát triển và cần tập trung phát triển thị trường này, bởi đây là ngành công nghiệp không khói thu hút khách” - ông Châu phân tích.
Chuyên gia Kinh tế Trần Nguyên Đán cho rằng, hiện tại, dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát, nếu “rào cản” về mặt pháp lý đối với các dự án BĐS tại TP.HCM sớm được tháo gỡ và những dự án sắp tới sẽ có hệ thống giao thông xuyên suốt, kết nối với nhiều khu vực lân cận để giảm thiểu tối đa việc đi lại, tiết kiệm thời gian của người dân thì khả năng ngành địa ốc sẽ sớm khởi sắc.