Cho rằng hai gia đình trước đây đã thỏa thuận mỗi nhà bỏ ra 10 cm đất để xây một bức tường chung nhà nên bà Nguyễn Thị Liễu (tổ 1, phố Vàng, thị trấn Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) đã thuê người đến phá một nửa bức tường đó (tường dày 20 cm – PV) để đòi lại 10 cm đất.
Câu chuyện hi hữu
Đơn phản ánh của bà Nguyễn Thị Hoàn (tổ 1, phố Vàng, thị trấn Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) gửi đến báo Tài nguyên & Môi trường cho biết, năm 1995, gia đình bà có mua lại một ngôi nhà 2 tầng của bà Phạm Thị Thu Oanh (người cùng địa phương). Ngôi nhà có tường và ranh giới rõ ràng giữa các hộ liền kề và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 1997. Tổng diện tích là 172 m2. Từ lúc mua cho tới trước năm 2007, gia đình bà sinh sống ổn định, không có tranh chấp phát sinh.
Tuy nhiên, ngày 6/7/2017 gia đình hộ liền kề là bà Nguyễn Thị Liễu (cùng con trai là Hà Xuân Vương) bỗng dưng thuê người đến đập phá một nửa bức tường nhà bà Hoàn (tường dày 20 cm) mà không nói lý do cũng như không thông báo trước. Quá bức xúc trước việc làm của hộ nhà bà Nguyễn Thị Liễu, bà Hoàn đã lên trụ sở UBND thị trấn Thanh Sơn báo cáo và ngày 8/7/2017 cán bộ địa chính và công an xã đã xuống làm việc với hai hộ và đã lập biên bản làm việc nhưng không cung cấp biên bản ngay cho các hộ.
Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Hoàn bức xúc cho biết: “Ban đầu tôi cũng không biết lý do tại sao bà Liễu cho người tới đập phá tường nhà tôi vì giữa tôi với nhà bà Liễu không có xích mích, thậm chí có qua lại với nhau khá tình cảm. Nhưng sau nhiều buổi làm việc tại cơ quan chức năng, tôi thấy bà Liễu nói rằng, người bán nhà cho tôi là bà Phạm Thị Thu Oanh khi xây nhà đã thống nhất với hộ bà Liễu là mỗi bên bỏ ra 10 cm đất chiều dài để xây một bức tường chung nhà dày 20 cm. Đến nay nhà bà Liễu xây nhà nên cho thợ đập một nửa bức tường nhà tôi để đòi lại 10 cm đất đó. Tuy nhiên việc này là do bà Liễu tự tưởng tượng ra chứ bà Oanh sau khi biết sự việc trên đã viết một bản cam kết khẳng định, thời điểm bà Oanh xây nhà không xây chung tường với bất cứ hộ nào liền kề”.
Bà Nguyễn Thị Hoàn cũng cho biết: “Năm 1995, tôi mua lại ngôi nhà của bà Phạm Thị Thu Oanh và đến năm 1997 thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Năm 2002, tôi được cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Quá trình cơ quan chính quyền xuống đo đạc không gặp bất cứ phản đối hay trở ngại gì từ các hộ liền kề. Thế mà đột nhiên bà Liễu cho người phá tường nhà tôi rồi tuyên bố là trước đây có bỏ ra 10 cm đất để xây chung tường. Sự việc quá vô lý”.
Tại thời điểm PV có mặt, do việc phá tường đã làm ảnh hưởng lớn tới kết cấu của toàn bộ ngôi nhà. Một số đoạn tường bị thủng, một số đoạn khác thì bị nứt ngang dọc. Dầm nhà cũng lún, nứt trông rất nguy hiểm.
Nhiều vấn đề cần làm rõ
Điều đáng nói ở chỗ, sau khi cơ quan chức năng xuống lập biên bản sự việc vào ngày 8/7/2017, hộ nhà bà Liễu vẫn ngang nhiên cho người tiếp tục đập phá bức tường để đòi lại 10 cm đất. Quá bức xúc trước sự việc, gia đình bà Nguyễn Thị Hoàn đã làm đơn tố giác gửi đến công an huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ. Ngày 29/11/2017, Công an huyện Thanh sơn có Thông báo số 05 trả lời Đơn tố giác tội phạm của bà Nguyễn Thị Hoàn và Quyết định không khởi tố đối với vụ việc trên.
Theo văn bản giải thích việc không khởi tố hình sự, công an huyện Thanh Sơn cho biết, giữa hai hộ đã có thỏa thuận với nhau về việc hộ bà Liễu được phá 1/2 của bức tường gia đình bà Hoàn để thi công xây dựng. Nội dung thỏa thuận của hai bên được lập ngày 8/7/2017 có sự chứng kiến của đại diện khu dân cư và chính quyền địa phương. Do đó hành vi trên của bà Liễu và anh Hà Xuân Vương (con trai bà Liễu) không cấu thành tội hủy hoại tài sản.
Tuy nhiên bà Hoàn cho rằng, biên bản làm việc ngày 8/7/2017 có dấu hiệu bị làm giả vì có nhiều điểm bất thường. “Ở mỗi tờ biên bản làm việc tôi đều ký nháy ở bên dưới. Tuy nhiên biên bản phía cơ quan chức năng cung cấp cho tôi (bản phô tô) chỉ có tờ cuối cùng là có chữ ký nháy của tôi. Ngoài ra dấu giáp lai giữa hai tờ cũng không khớp. Phần chữ ký của các thành phần tham dự hôm đó, người ký người thì không. Nói chung là rất lôm côm. Riêng về nội dung làm việc, tôi không bao giờ đồng ý cho hàng xóm phá nhà tôi cả”.
Sau đó bà Hoàn cũng gửi đơn khiếu nại tới các cơ quan chức năng của tỉnh Phú Thọ. Ngày 12/2/2018, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ đã ban hành Quyết định số 15/QĐ – VKS trả lời những khiếu nại của bà Hoàn. Theo đó Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ khẳng định, không có đủ căn cứ để kết luận có hành vi làm giả hồ sơ. Tuy nhiên Viện kiểm sát tỉnh cũng thừa nhận có sự không đồng nhất trong cách ghi, lập biên bản làm việc ngày 8/7/2017.
Giải thích nguyên nhân, Viện kiểm sát tỉnh cho rằng: “Cách thức lập, kí biên bản, cho các đương sự đi sao chụp biên bản khi chưa hoàn thiện của UBND thị trấn Thanh Sơn thể hiện sự luộm thuộm. Việc làm đó thiếu chặt chẽ, thiếu kinh nghiệm và trình độ năng lực chuyên môn hành chính nhà nước còn non kém”.
Việc Cơ quan CSĐT huyện Thanh Sơn dựa vào biên bản làm việc thiếu chặt chẽ nêu trên cũng bị Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ phê bình. Cụ thể là: “Những sai lầm của cán bộ UBND thị trấn trong việc lập biên bản việc điều tra xác minh không đầy đủ, không toàn diện của cơ quan CSĐT trong quá trình giải quyết tố giác tội phạm. Viện kiểm sát huyện chưa làm hết trách nhiệm để đề ra yêu cầu điều tra xác minh là nguyên nhân dẫn đến công dân khiếu kiện kéo dài”.
Để làm rõ hơn nội dung vụ việc, PV báo TN&MT đã đến trụ sở UBND thị trấn Thanh Sơn đặt lịch làm việc. Tuy nhiên đã 1 tuần trôi qua nhưng phía thị trấn Thanh Sơn vẫn không phản hồi. Trong khi đó, trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Mạnh, Chủ tịch huyện Thanh Sơn thừa nhận những sai sót trong quá trình lập biên bản làm việc ngày 8/7/2017 của cán bộ thị trấn Thanh Sơn. Tuy nhiên ông Mạnh cho biết: “Về bản chất thì nội dung vẫn như kết luận của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ. Tuy nhiên thời gian tới, chúng tôi sẽ đôn đốc các bộ phận chuyên môn để làm việc với hai gia đình nhằm tìm ra được tiếng nói chung, hài hòa lợi ích cho cả hai bên”.
Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin