Thanh Oai - Hà Nội: Đất giãn dân 8 năm chưa làm xong đường

Tường Minh| 10/07/2020 08:08

(TN&MT) - Theo phản ánh của người dân thôn Tri Lễ, xã Tân Ước, Thanh Oai, Hà Nội, năm 2012,10 hộ dân trong thôn được bình xét cấp đất giãn dân tại khu Sủng. Tuy nhiên, 8 năm trôi qua, xã vẫn chưa làm xong hạ tầng.

Trong đơn kiến nghị gửi đến báo Tài nguyên và Môi trường, bà Nguyễn Thị Liên (xóm 5, thôn Tri Lễ) cho biết, năm 2012, Hội nghị cư dân thôn Tri Lễ đã bình xét cho 10 hộ gia đình được cấp 10 suất đất giãn dân. Mỗi suất có diện tích hơn 100m2 -130m2 tại khu Sủng thuộc xóm 5. Thời điểm đó, các hộ đã nộp 2 khoản tiền. Khoản thứ nhất là tiền lệ phí 450 nghìn đồng/m2; khoản thứ 2 là tiền tự nguyện 330 nghìn đồng/m2. Mặc dù, số tiền thôn thu gần vài trăm triệu đồng nhưng 8 năm nay, khu đất giãn dân vẫn chưa được làm hạ tầng, không có đường vào. Muốn vào được khu đất, người dân phải đi vòng qua khu nghĩa trang vốn luôn trong tình trạng bị ngập nước.

“Chúng tôi cứ tưởng nộp tiền để đầu tư vào hạ tầng khu đất giãn dân nhưng giờ “té ngửa” ra không phải như vậy. 8 năm nay, đất vẫn bỏ hoang, dân muốn nhận đất cũng không được vì không có đường vào”- bà Liên cho biết.

Sau 8 năm nhận đất, khu đất giãn dân xóm 5, thôn Tri Lễ, xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, Hà Nội vẫn chưa làm xong hạ tầng.

Một người dân xóm 5 chia sẻ: “Chúng tôi được biết, Huyện Thanh Oai đã có quyết định cho tiền để đầu tư hạ tầng khu đất giãn dân. Nhưng không hiểu vì sao thôn vẫn thu tiền tự nguyện của các hộ được cấp đất”.

Lý giải với phóng viên báo Tài nguyên và Môi trường về những thắc mắc của người dân xóm 5,  ông Nguyễn Trọng Vinh – Trưởng thôn Tri Lễ 2 xác nhận, năm 2012 thôn có bình xét cho 10 hộ được cấp đất giãn dân. Việc bình xét này hết sức công khai, dân chủ. Thời điểm đó, thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới, Nhà nước và nhân dân cùng đóng góp để xây dựng đường làng, ngõ xóm. 10 hộ dân được bình xét nhận đất giãn dân đã tình nguyện đóng góp số tiền để ủng hộ cho thôn, xóm chỉnh trang đô thị, làm đường bê tông, cống hóa đường ống nước thải…

Tổng số tiền 10 hộ gia đình tự nguyện nộp là 460 triệu đồng. Thôn đã nộp ra UBND xã Tri Lễ số tiền 41 triệu đồng (có biên lai thu tiền), số tiền còn lại 418 triệu đồng được sử dụng đầu tư vào các hạng mục cải tạo các hạng mục nhà văn hóa, hệ thống cống rãnh trong xóm….

“Theo đúng chủ trương của Nhà nước, các hộ được cấp đất giãn dân là chỉ nhận đất, Nhà nước sẽ không bỏ tiền để đầu tư hạ tầng. Về phần đất hiện Nhà nước đã cấp trả đủ sổ đỏ đất giãn dân cho 10 hộ này. Về phần hạ tầng khu đất giãn dân là do các hộ dân phải tự lo làm. Nhà nước không có tiền làm hạ tầng. Nếu Nhà nước làm hạ tầng thì số tiền người dân phải đóng góp 5-7 triệu đồng/m2, chứ không phải là vài trăm nghìn đồng/m2. Vì vậy, người dân phản ánh như vậy là chưa đúng với thực tế” – ông Vinh chia sẻ.

Đại diện UBND xã Tân Ước cho rằng, việc bình xét 10 hộ dân xóm 5 được cấp đất giãn dân và việc các hộ dân tự nguyện đóng góp tiền là do thôn, xóm tự bàn bạc và thu. UBND xã không thu tiền và không sử dụng số tiền này. Người dân được hưởng lợi từ chính sách cấp đất giãn dân nên việc tự nguyện đóng góp một phần kinh phí cho thôn, xóm là hết sức bình thường.

Thêm vào đó, tại thông báo của UBND xã Tân Ước thời điểm tháng 9/2012 về việc giao đất giãn dân ghi rất rõ: "việc làm hạ tầng khu đất giãn dân là rất khó vì vậy xã và thôn thống nhất để cho các hộ dân tự làm cơ sở hạ tầng và tự giải phóng mặt bằng. Vì vậy, giá đất 450 nghìn đồng/m2 là chưa tính chi phí hạ tầng kèm theo". Do đó, các kiến nghị của người dân xóm 5 là chưa đúng. Hiện tại, UBND xã Tân Ước đã nỗ lực xin Huyện kinh phí để làm con đường chính chạy qua khu đất giãn dân. Sắp tới, xã sẽ tiếp tục vận động kinh phí để hoàn thành con đường này cho người dân xóm 5.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Oai - Hà Nội: Đất giãn dân 8 năm chưa làm xong đường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO