Thành lập Mạng lưới Doanh nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu khu vực ĐBSCL

Minh Ngọc| 02/08/2021 06:58

(TN&MT) - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh tại Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) cùng Quỹ châu Á (TAF- The Asia Foundation) vừa công bố thành lập Mạng lưới doanh nghiệp (DN) thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) khu vực ĐBSCL (MRBN - Mekong Delta Resilient Business Network). Đây là mạng lưới đầu tiên tập hợp các DN tham gia để bàn các giải pháp nâng cao năng lực kinh doanh và đóng góp vào quá trình xây dựng chính sách trước ảnh hưởng của BĐKH ngày càng trở nên phức tạp tại ĐBSCL.

Năm 2020, VCCI phối hợp với Quỹ châu Á tại Việt Nam và sự hỗ trợ của Quỹ UPS (Mỹ) thực hiện Báo cáo Thích ứng để thành công: Đánh giá tác động của BĐKH đối với DN Việt Nam. Qua phản hồi của 10.356 DN đang hoạt động ở 63 tỉnh, thành phố cho thấy, 46% DN bị gián đoạn kênh vận chuyển; 44% DN bị tăng chi phí sản xuất kinh doanh. Không ít DN bị tác động tương đối nhiều/rất nhiều do mạng lưới phân phối đình trệ (38%), giảm chất lượng sản phẩm, dịch vụ (37%), thiệt hại cơ sở vật chất (34%) và thiếu hụt nhân lực (33%). Tương tự, có 33% DN chịu tác động tương đối nhiều/rất nhiều của việc thiếu nguồn cung nguyên vật liệu sản xuất. Kết quả khảo sát cũng thể hiện các DN vùng Duyên hải miền Trung và ĐBSCL đang chịu tác động từ rủi ro thiên tai và BĐKH lớn hơn cả so với các vùng còn lại.

Ảnh minh họa

Từ thực tế đó, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm ứng phó và giảm thiểu thiệt hại do BĐKH tại ĐBSCL. Tuy nhiên, sự tham gia của DN vào quá trình hoạch định, xây dựng và phản biện chính sách còn mờ nhạt. Sự ra đời của MRBN kỳ vọng từng bước khắc phục những hạn chế nói trên, đưa các cơ chế, chính sách về BĐKH tại ĐBSCL sát sườn thực tiễn. Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ, cho biết: MRBN xây dựng một cộng đồng gồm nhiều bên liên quan để kết nối doanh nghiệp với các nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách trong việc xây dựng năng lực thích ứng với BĐKH cho doanh nghiệp vùng ĐBSCL. Ngoài ra, MRBN còn có chức năng, nhiệm vụ hỗ trợ thông tin, kỹ thuật về thích ứng và ứng phó BĐKH; hợp tác, tăng cường các hoạt động sản xuất kinh doanh của DN; nâng cao trách nhiệm xã hội liên quan đến thích ứng  BĐKH.

Là một trong những DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu lúa gạo nhiều năm qua tại ĐBSCL, đồng thời cũng là thành viên của MRBN, ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, TP Cần Thơ, đánh giá: Đối với những tác động của BĐKH, người dân và DN chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa gạo nói riêng bình thường đã phụ thuộc vào thời tiết và giờ đây càng nhạy cảm hơn với BĐKH. Sự ra đời của MRBN là rất cần thiết, phù hợp với thực tiễn. Thành viên Ban điều hành MRBN là các tổ chức, DN trong lĩnh vực: nghiên cứu, khoa học, sản xuất - kinh doanh, xuất khẩu lúa gạo, trái cây, các dịch vụ công nghệ thích ứng, logistics. Vì vậy, MRBN sẽ phát huy tốt có vai trò định hướng cho DN trong điều kiện sản xuất, kinh doanh thích ứng với BĐKH.

Trong giai đoạn 1 (năm 2021 và quý I-2022), hoạt động của MRBN nhắm vào 4 nội dung: Thứ nhất, xây dựng bộ máy tổ chức MRBN qua đó thành lập Ban điều hành, bầu Ban thường trực và bước đầu vận hành mạng lưới. Thứ hai, nghiên cứu tác động hạn mặn đến hoạt động của DN ĐBSCL, xây dựng báo cáo nghiên cứu và đề xuất chính sách hữu hiệu. Thứ ba, gia tăng cơ hội kinh doanh thông qua tổ chức hội chợ triển lãm và hội thảo nhằm tạo các kết nối giữa nhà cung cấp và khách hàng tiềm năng và xây dựng chuỗi giá trị các sản phẩm, giải pháp thích ứng hạn mặn, tăng cường tính liên kết giữa các nhà cung cấp sản phẩm. Thứ tư, tổ chức Diễn đàn Thích ứng hạn mặn với mong muốn kiến nghị chính sách của cộng đồng DN đến Chính phủ, đồng thời xác định và thúc đẩy cơ hội kinh doanh trong lĩnh vực thích ứng khí hậu cho thành viên mạng lưới và DN…

Theo các chuyên gia, mặc dù DN là một trong những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH nhưng đồng thời là những tác nhân chính yếu có khả năng sáng tạo, sản xuất ra các sản phẩm thích ứng và chống chịu với BĐKH, giúp nền kinh tế địa phương hồi phục và phát triển. Và trên thực tế, những năm qua, các DN không chỉ nhận thấy BĐKH tạo ra những thách thức, ngược lại cũng đem đến cơ hội để thúc đẩy tái cơ cấu, sắp xếp lại sản xuất, tạo ra sản phẩm và công nghệ mới, góp phần phát triển thương hiệu của DN. Với sự ra đời của MRBN tin rằng đây sẽ là kênh tiếp sức cho DN vượt qua khó khăn, thích ứng tốt với BĐKH từ đó tạo được bước đột phá mới trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thành lập Mạng lưới Doanh nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu khu vực ĐBSCL
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO