Thanh, kiểm tra hơn 700 cơ sở sản xuất kinh doanh về công tác bảo vệ môi trường
Từ năm 2023 đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành thanh, kiểm tra, giám sát đối với hơn 700 lượt cơ sở sản xuất kinh doanh, trong đó phần lớn là cơ sở kinh doanh trong các khu, cụm công nghiệp, cùng với đó là kiến nghị xử lý nhiều cơ sở có vi phạm về xả thải nước thải, khí thải, chất thải rắn.
Liên quan đến vấn đề này, cử tri TP. Hồ Chí Minh phản ánh, tình trạng chất thải công nghiệp, khí thải độc hại không qua xử lý, thải trực tiếp ra môi trường là một trong những nguyên nhân làm cho tình trạng ô nhiễm môi trường tại các khu dân cư tăng cao. Cử tri đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường thanh tra, kiểm tra chặt chẽ hơn nữa vấn đề xử lý ô nhiễm, chất thải, khí thải độc hại tại các khu, cụm công nghiệp, các làng nghề.
Trước ý kiến của cử tri, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Trong thời gian qua, Bộ và các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường các cấp đã đẩy mạnh việc tổ chức thực hiện các quy định, cơ chế, công cụ, biện pháp phòng ngừa, kiểm soát, giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm môi trường như: Đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường; cấp giấy phép về môi trường; Thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường; xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; kiểm soát ô nhiễm môi trường các khu vực tập trung nhiều nguồn gây ô nhiễm môi trường; giải quyết sự cố môi trường…
Những hoạt động trên đã góp phần phòng ngừa, hạn chế, làm giảm sự gia tăng ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, hiện nay Việt Nam còn có một số dự án, cơ sở sản xuất chưa thực hiện tốt quy định về bảo vệ môi trường, đặc biệt là tình trạng đổ thải chất thải rắn, xả thải nước thải, khí thải gây nhiều vấn đề bức xúc, điểm nóng về ô nhiễm môi trường.
Từ thực tế nêu trên, từ năm 2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định số 750/QĐ-BTNMT về việc ban hành Kế hoạch tăng cường phòng ngừa, giám sát, kiểm soát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, trong đó có các nội dung như: Tăng cường kiểm soát nguồn thải lớn, kiểm soát ô nhiễm môi trường tại khu vực tập trung nhiều nguồn thải, các điểm nóng có nhiều phản ánh về ô nhiễm môi trường; tăng cường phòng ngừa, giám sát, kiểm soát các cơ sở có nguy cơ ô nhiễm môi trường theo quy định Luật Bảo vệ môi trường 2020.
Theo thống kê, từ năm 2023 đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với hơn 700 lượt cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, trong đó phần lớn là các cơ sở, sản xuất kinh doanh là chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp; các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ nằm trong các khu, cụm công nghiệp, qua đó đã kiến nghị xử lý vi phạm hành chính đối với nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có vi phạm về xả thải nước thải, khí thải, chất thải rắn.
Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, nhằm kiểm soát chặt chẽ vấn đề xử lý ô nhiễm, chất thải, khí thải độc hại tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đặc biệt là các cơ sở nằm trong các khu, cụm công nghiệp, các làng nghề và kiên quyết xử lý vi phạm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có vi phạm.
Theo Quyết định số 750/QĐ-BTNMT, đối tượng sẽ chịu giám sát về môi trường gồm: Cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường quy định tại Phụ lục II Nghị định số 08/2022/NĐ-CP; Cơ sở có nguồn thải lớn, thuộc đối tượng phải lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, bụi, khí thải tự động, liên tục hoặc chưa đầu tư đúng, đầy đủ công trình xử lý chất thải theo quy định; Cơ sở (bao gồm các cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước về môi trường của địa phương) đã nhiều lần bị phản ánh về tình trạng gây ô nhiễm môi trường nhưng chưa được giải quyết triệt để.
Thời gian thực hiện giám sát là định kỳ hàng năm và đột xuất theo yêu cầu của lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường.