Thanh Hóa: Tan hoang một vùng đất vì khai thác trái phép

17/11/2014 00:00

(TN&MT) - Gần một tháng trở lại đây tại xã Dân Quyền, Triệu Sơn, Thanh Hóa hàng ngàn khối đất ngang nhiên bị đục khoét

   
(TN&MT) - Gần một tháng trở lại đây tại xã Dân Quyền, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) hàng ngàn khối đất ngang nhiên bị đục khoét đem về nhà máy gạch tuynel Nam Vang, nhưng lại được “núp bóng” dưới danh nghĩa cải tạo đất để cấy lúa. 
   
Một vùng đất bị đục khoét
   
  Có mặt tại xã Dân Quyền sau nhiều giờ chúng tôi tìm qua nhiều con đường ngoằn nghèo và được sự chỉ dẫn của người dân địa phương, đi ra khu vực sau nhà máy gạch tại thôn 10, xã Dân Quyền địa điểm mà gần một tháng nay UBND xã Dân Quyền làm ngơ để “ đất tặc” khai thác đất trái phép vận chuyển về nhà máy gạch Tuynel Nam Vang ở xã Dân Lý. Cả khu vực rộng lớn hàng nghìn mét vuông bị đào bới nham nhở với những chiếc hố sâu hoắm, dựng đứng, biến thành “ao” vô cùng nguy hiểm cho tính mạng người dân khi ra đồng canh tác. Đặc biệt là các em nhỏ chăn trâu bò gần khu vực khai thác đất.
   
   
Toàn bộ khu đất mầu mỡ bị đục khoét.
   
  Nhiều hộ dân sinh sống ngay khu vực khai thác cho biết: Khu đất này là diện tích đất công ích 5% do xã quản lý cho người dân đấu thầu để sản xuất nông nghiệp. Thế nhưng không hiểu vì lý do gì, gần một tháng nay toàn bộ khu vực này bị máy móc, xe cộ đến khai thác đục khoét suốt cả ngày đêm để chở về nhà máy gạch Nam Vang. Tình trạng khai thác được diễn ra liên tục từ sáng sớm đến chiều tối, mỗi ngày có tới hàng trăm lượt xe từ nhà máy gạch ra vào chở đất thi nhau cày nát các tuyến đường giao thông nội đồng, liên thôn, liên xã. Việc khai thác đất ở khu vực này đã ảnh hưởng rất lớn đến việc bà con ra đồng.
   
  Chị Lê Thị N (35 tuổi) bức xúc cho biết: “Khu đất hiện tại đang khai thác là của hộ nhà bà Đương, rất mầu mỡ, chẳng hiểu sao chính quyền địa phương lại đồng ý cho bà Đương cải tạo đất, để rồi lợi dụng việc trên cho bà Hân đến khai thác phục vụ nhà máy gạch Nam Vang. Việc thỏa thuận mua bán giữa bà Đương và bà Hân như thế nào thì chúng tôi không biết(?) Nhưng họ cải tạo đất kiểu gì mà đào thành ao với độ sâu từ 1 đến 2m rất nguy hiểm cho bà con chúng tôi ra đồng canh tác, kể cả trâu bò cũng có thể bị rơi xuống hố sâu.
   
  Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, khu vực đang cải tạo đất có diện tích hơn 4.000 m2 được bà Đương làm đơn xin hạ ruộng với độ sâu 0,50cm để lấy đất đắp đường nhằm phục vụ giao thông đi lại thuận tiện. Tuy nhiên, trên thực tế khu vực này có những chỗ múc sâu gần 2m, chở về nhà máy gạch tuynel Nam Vang. Trong khi đó, với giá đất bán san nền và làm gạch trên thị trường là 50.000 đồng/m3 đất và số tiền lớn từ tận thu nguồn đất của việc gọi là cải tạo bỏ vào đâu? Điều lạ lùng là nguồn đất đang màu mỡ, nhưng xã lại tạo điều kiện cho việc cải tạo đất để hợp thức hóa bán đất trái phép?.
   
Tiếp tay cho “đất tặc”?
   
  Theo tìm hiểu của PV, khu vực khai thác đất trái phép thuộc thôn 10, xã Dân Quyền của hộ gia đình bà Lê Thị Đương đã được ông Lê Duy Vạn, Phó Chủ tịch UBND xã ký hợp đồng bán thầu ( không số) ngày 20/8/2013 với diện tích 4010 m2, loại đất H4, thuộc khu vực Mã Hít, thời gian thầu 5 năm, thời gian thầu được tính từ ngày 1/1/2016 đến 1/1/2021 với tổng số tiền là 10 triệu đồng chẵn.
   
   
Khu vực rộng lớn bị đào bới nham nhở với những hố sâu hoắm, dựng đứng.
   
  Đến ngày 10/10/2014, bà Lê Thị Đương làm đơn gửi UBND xã xin hạ đất cồn bãi để cấy lúa, thì ngày 12/10 cũng chính Lê Duy Vạn, Phó Chủ tịch UBND xã Dân Quyền xác nhận vào đơn của bà Đương với nội dung “UBND xã cho hộ bà Đương hạ đất cồn bãi, đất thầu ngân sách để lấy đất đắp bờ trục giao thông khu vực xung quanh để phục vụ sản xuất, cải tạo đất cồn bãi sang lúa”. Ngay sau khi được UBND xã đồng ý, bà Hân (người trực tiếp khai thác đất) đã tiến hành đắp đường ra khu vực khai thác. Đưa nhiều máy múc cỡ lớn cặm cụi “ăn đất” đưa lên xe trọng tải lớn chở về nhà máy gạch.
   
  Trao đổi qua điện thoại với bà Hân (là người trực tiếp khai thác đất) cho biết: “Tôi không trực tiếp làm việc với chính quyền địa phương, tôi chỉ là người cải tạo đất giúp cho bà bác tôi đó là bà Đương. Còn mọi thủ tục bà Đương đã làm việc với chính quyền địa phương. Khi PV hỏi nguồn đất cải tạo đấy được chở đi đâu thì bà Hân trả lời: Tôi cải tạo đắp bờ còn dư thừa tôi chở đi đâu đó là việc của tôi”(?).
   
  Ông Lê Văn Bộ, Chủ tịch UBND xã Dân Quyền cho biết: “Việc khai thác khu đất ruộng tại thôn 10, chúng tôi chưa nắm được và cũng không đồng ý cho hộ gia đình bà Đương xin cải tạo đất. Nếu có hiện tượng khai thác đất trái phép trên chúng tôi sẽ cho anh em đi kiểm tra và dừng ngay”. Còn ông Lê Duy Vạn, Phó Chủ tịch UBND xã thừa nhận: “Tôi đã đồng ý cho hộ bà Đương cải tạo hạ đất cồn bãi để cấy lúa và nguồn đất trên chỉ được đắp bờ không được vận chuyển ra ngoài, còn bà Hân chỉ là người được bà Đương thuê cải tạo. Khi hỏi về việc làm đường để thuận tiện cho xe cỡ lớn ra khu vực khai thác để chở đất về nhà máy gạch Nam Vang, thì ông Vạn cho biết: Tôi không ra khu vực đấy nên cũng không biết họ làm như thế nào (?)”.
   
  Nhiều người dân đặt câu hỏi: Trong Hợp đồng bán thầu ( không số) ngày 20/8/2013 giữa UBND xã và hộ gia đình bà Đương được thiết lập năm 2013, nhưng lại có giá trị từ ngày 1/1/2016 đến 31/12/2021 (6 năm). Vậy thời gian từ năm 2013 đến 2016 (3 năm) khu đất này ai quản lý?. Nếu bà Đương quản lý thì tại sao không nộp tiền thầu?, còn nếu UBND xã quản lý thì tại sao lại cho bà Đương cải tạo đất, trong khi vùng đất này đang màu mỡ, sản xuất tốt?.
   
  Từ việc trả lời của ông Chủ tịch và Phó Chủ tịch đã “đá bóng” trách nhiệm cho nhau. Cả một vùng đất rộng lớn đang bị “ đất tặc” đào khoét nham nhở mà Chính quyền địa phương không hề hay biết(!?). Dư luận hoài nghi đặt câu hỏi: Phải chăng việc UBND xã Dân Quyền lợi dụng cải tạo đất để khai thác đất bán trái phép để nhằm mục đích cá nhân?. Đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa, nhanh chóng vào cuộc xử lý nghiêm những cá nhân, tập thể coi thường pháp luật để ra sai phạm trên.
   
  Bài & ảnh:  Thu Thủy – Anh Tú
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa: Tan hoang một vùng đất vì khai thác trái phép
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO