Thanh Hóa: Nâng cao hiệu quả quản lý khai thác khoáng sản

Thu Thủy| 14/11/2022 22:38

Thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã tăng cường công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản chặt chẽ và hiệu quả, thường xuyên kiểm tra công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về khoáng sản nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Quản lý chặt chẽ trong khai thác khoáng sản

Theo báo cáo của Sở TN&MT, hiện nay UBND tỉnh Thanh Hóa đã cấp: 558 giấy phép khai thác; 292 giấy phép thăm dò; đóng cửa: 163 mỏ thuộc thẩm quyền cấp phép đảm bảo theo quy định của Luật Khoáng sản năm 2010. Trong đó, Giấy phép khai thác khoáng sản còn hạn là 320; cấp phép thăm dò, thăm dò mở rộng, phê duyệt trữ lượng khoáng sản đối với 107 mỏ. Vì vậy, công tác quản lý khai thác, kinh doanh, vận chuyển luôn được các cấp, ngành chức năng của tỉnh quan tâm, chỉ đạo thực hiện, gắn với bảo vệ môi trường. Từ đó, đã tạo sự chuyển biến tích cực từ công tác chỉ đạo, quản lý đến việc khai thác nhằm tăng thu nhập cho người dân đã góp phần đảm bảo an sinh xã hội, đẩy lùi nạn khai thác khoáng sản trái phép.

anh-1.jpg
Quản lý chặt chẽ khoáng sản chưa khai thác

Mặt khác, UBND tỉnh cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác để ngăn chặn, xử lý các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Thành lập các đoàn liên ngành cấp tỉnh, cấp huyện kiểm tra việc chấp hành về bảo vệ môi trường, Luật Khoáng sản và việc chấp hành pháp luật về thuế trong hoạt động kinh doanh, khai thác, vận chuyển khoáng sản. Đồng thời, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân khai thác, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản trái phép.

Trong năm 2022, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-UBND về tăng cường công tác quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Trong đó, yêu cầu giám đốc các sở, trưởng các ban, ngành cấp tỉnh; chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ quy định của pháp luật, chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định của Nhà nước, văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh liên quan đến công tác quản lý hoạt động khoáng sản.

Ngăn chặn khai thác khoáng sản trái phép

Nhằm tăng cường công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản và theo đúng quy định của pháp luật, ngoài việc ban hành các văn bản chỉ đạo, cụ thể đến từng cấp uỷ, chính quyền địa phương, Thanh Hóa còn tập trung thực hiện công tác kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp khai thác tài nguyên, khoáng sản. Trên tinh thần của Nghị quyết số 08 về thực hiện nhiệm vụ và các giải pháp đảm bảo an toàn trong khai thác khoáng sản là : "Xử lý triệt để, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm và lập lại trật tự trong khai thác", các hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã từng bước đi vào nền nếp, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội.

anh-2.jpg
Tăng cường công tác kiểm tra, quản lý khai thác khoáng sản trái phép

Tại thị xã Nghi Sơn có 32 mỏ đã được cấp giấy phép, trong đó: có 23 mỏ đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường; 08 mỏ đất san lấp (trong đó có 06 mỏ đã hết hạn khai thác, 02 mỏ còn hạn khai thác); 01 mỏ cát nhiễm mặn. Hầu hết các đơn vị được cấp giấy phép cơ bản đã hoàn thiện các thủ tục cần thiết trước khi tiến hành khai thác mỏ. Theo Chủ tịch UBND thị xã Nghi Sơn cho biết: Các nguồn thu ngân sách trong hoạt động khoáng sản trên địa bàn thị xã tập trung vào một số nguồn như thuế tài nguyên, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, phí bảo vệ môi trường, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và tiền đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng địa phương của các đơn vị được phép khai thác khoáng sản. Việc cấp phép thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản trên địa bàn góp phần làm tăng thu ngân sách cấp huyện và các xã nơi có mỏ, đảm bảo được nguồn thu thường xuyên để thực hiện các dự án, công trình trọng điểm của địa phương; tạo cơ hội việc làm cho nhiều lao động, tăng thu để giúp người dân giảm nghèo.

anh-3.jpg
Ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm trong khai thác khoáng sản

Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa thì hoạt động khai thác khoáng sản trái phép vẫn tiềm ẩn nguy cơ tái diễn ở một số địa phương; ý thức chấp hành và thực hiện các quy định về khoáng sản, bảo vệ môi trường của một số doanh nghiệp chưa cao. Vì vậy, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản về công tác quản lý về khai thác khoáng sản, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời các vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản và bảo vệ môi trường không làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, tạo công ăn việc làm để người dân ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế xã hội.

Mục tiêu của Thanh Hóa đến năm 2025 lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ1:50.000 đạt 80% diện tích đất liền. Thăm dò, khai thác, chế biến một số khoáng sản đạt trình độ khu vực, tiệm cận trình độ thế giới. Đến năm 2030, lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ1:50.000 đạt 85% diện tích đất liền, hoàn thành điều tra, đánh giá khoáng sản năng lượng, kim loại tai các khu vực có triển vọng, hoàn thành điều tra, lập bản đồ địa chất môi trường các khu vực chứa khoáng sản độc hại, phóng xạ, khoanh định các cấu trúc địa chất sâu thuận lợi để hướng tới ứng dụng công nghệ chôn lấp các- bon và các chất độc hại khác. Đến năm 2045, hoàn thành 100% việc lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:50.000, hoàn thành công tác điều tra cơ bản đối với tài nguyên địa chất khác và hoàn thành ngành công nghiệp khai khoáng tiên tiến, hiện đại gắn với mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa: Nâng cao hiệu quả quản lý khai thác khoáng sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO