Thanh Hóa: Hơn 200 héc ta rừng chuyển đổi vào tay cán bộ?

26/05/2016 00:00

(TN&MT)- Năm 2012 UBND tỉnh Thanh Hóa ra quyết định chuyển đổi 200 ha rừng tự nhiên nghèo kiệt sang trồng cao su tại BQL rừng phòng hộ Như Xuân, thuộc xã Xuân Thái, huyện Như Thanh. Thế nhưng toàn bộ diện tích trên đã vào tay một số cán bộ thuộc BQL, huyện và Sở NN&PTNT. Càng nghịch lí  hơn khi hiện nay lại “mọc” lên con đường được đầu tư hàng chục tỉ đồng dẫn vào lõi của dự án?!

Ngày 12/10/2012, UBND tỉnh Thanh Hoá đã có Quyết định số 3372/QĐ-UBND về việc chuyển rừng tự nhiên nghèo kiệt sang trồng cao su tại BQL rừng phòng hộ Như Xuân (BQL rừng Như Xuân), huyện Như Thanh. Quyết định nêu rõ, trong thời hạn 1 năm nếu không trồng xong cao su thì phải trồng rừng trở lại.

Dự án phê duyệt trồng cao su thế nhưng thay vào đó lại được trồng keo và được giao cho cán bộ.
Dự án phê duyệt trồng cao su thế nhưng thay vào đó lại được trồng keo và được giao cho cán bộ.

Theo đó, phần diện tích rừng tự nhiên được chấp thuận chuyển đổi là 200 héc ta, thuộc tiểu khu 629 và tiểu khu 639 (xã Xuân Thái, huyện Như Thanh). BQL rừng Như Xuân chịu trách nhiệm tổ chức thanh lý, khai thác số gỗ tự nhiên còn sót lại.

Thế nhưng sau 4 năm thực hiện dự án, thay bằng trồng cao su, thì số diện tích đã được chia cho các cán bộ, nhân viên trong BQL đứng ra quản lý phần lớn trồng cây keo. Như vậy BQL rừng Như Xuân đã không thực hiện đúng mục tiêu của dự án.

Con đường được đầu tư hàng tỷ đồng, thế nhưng không vì mục đích dân sinh mà chạy thẳng vào trung tâm của dự án -  nơi chỉ có vài hộ dân sống rải rác.
Con đường được đầu tư hàng tỷ đồng, thế nhưng không vì mục đích dân sinh mà chạy thẳng vào trung tâm của dự án - nơi chỉ có vài hộ dân sống rải rác.

Nhiều người dân tại xã Xuân Thái rất bức xúc trước việc gia đình thiếu đất sản xuất. Thế nhưng khi dự án triển khai không một hộ dân nào được giao khoán đất rừng ở đây. Người dân nơi đây còn chỉ tay đọc vanh vách từng lô rừng từ vài đến hàng chục héc ta của từng cán bộ.

Được biết, lãnh đạo BQL rừng Như Xuân đã cấu kết, lập hồ sơ chia chác cho nhau dưới dạng hợp đồng giao khoán.Cụ thể như: Giám đốc BQL rừng Như Xuân là ông Phạm Ngọc Nam (bên A) đã ký giao cho chính ông (bên B) 2,0 ha. Một hợp đồng khác do bà Bùi Thị Hoa là Phó Giám đốc BQL (bên A) giao cho Giám đốc Phạm Ngọc Nam (bên B) 11,0 ha.

Ông Phạm Ngọc Nam cũng ký giao cho bà Bùi Thị Hoa 7,8 ha. Cùng với đó, lãnh đạo BQL rừng Như Xuân đã ký giao cho cán bộ, công nhân viên thuộc BQL của mình, gồm: Nguyễn Ngọc Thuật, 6,6 ha; Lê Văn Cường 5,0 ha; Phạm Văn Phong, 6,2 ha; Tạ Văn Bằng, 5,2 ha; Nguyễn Thế Trang 8,1 ha; Lê Thanh Phong, 5,2 ha; Lê Thị Yến, 7,2 ha; Trần Văn Lập, 4,2 ha; Lê Anh Tuấn, 4,6 ha; Nguyễn Hữu Tứ, 6,4 ha; Phạm Hữu Trọng, 4,2 ha; Phạm Văn Thuật, 6,5 ha; Trần Hữu Chí, 7,0 ha; Lường Văn Luân, 4,5 ha; Lê Đăng Toàn, 2,4 ha. Tổng cộng là 102,1/200 ha. 

òn gần 100 ha còn lại theo thông tin mà phóng viên nắm được nhiều cán bộ, lãnh đạo các sở, ngành thuộc tỉnh Thanh Hoá hiện đang quản lý, sử dụng, trong đó có cả cán bộ Hạt kiểm lâm Như Thanh, Sở NN&PTNT Thanh Hóa...

Ông Phạm Ngọc Nam, nguyên Giám đốc BQL rừng Như Xuân tự tay ký quyết định giao đất cho chính mình.
Ông Phạm Ngọc Nam, nguyên Giám đốc BQL rừng Như Xuân tự tay ký quyết định giao đất cho chính mình.

Theo quan sát của phóng viên, cả một khu vực rừng rộng lớn chủ yếu được trồng keo, cây cao su rất ít và trong tình trạng khô héo chậm phát triển. Có những quả đồi còn trống trơn sau khi chặt rừng tự nhiên. Trong khi quyết định đã nêu rõ trong thời hạn 1 năm nếu không trồng xong cao su thì phải trồng rừng trở lại. Như vậy điều dự án đã làm  trái với quy định của pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng và Thông tư hướng dẫn của Bộ NN&PTNT hướng dẫn việc trồng cây cao su trên đất nông nghiệp.

Và càng nghịch lý hơn, con đường bê tông dài 2,3km với vốn đầu tư hơn 11 tỉ đồng đang chạy thẳng vào khu đất của dự án. Trong khi đó khu vực dự án trồng cao su tương đối vắng vẻ, chỉ có vài hộ dân sống rải rác. Như vậy hàng tỷ đồng tiền vốn vay hỗ trợ xây dựng đường bê tông nông thôn thuộc Dự án phục hồi và quản lý bền vững rừng phòng hộ tỉnh Thanh Hóa không được sử dụng cho đông đảo người dân, mà đang phục vụ cho dự án của một số cán bộ?

Để tìm hiểu rõ hơn vấn đề trên chúng tôi đã tìm gặp bà Bùi Thị Hoa – Giám đốc BQL rừng Như Xuân. Thế nhưng phòng làm việc của bà Hoa luôn trong tình trạng cửa đóng then cài, gọi điện thoại bà Hoa cũng đều không nghe máy.

                                      Bài & ảnh: Thanh Tâm

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa: Hơn 200 héc ta rừng chuyển đổi vào tay cán bộ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO