Vừa qua bên kia sông nhộn nhịp. Sang đến bên này, mới nhoi một khoảng trống của đồng bãi, đã lại thấy hun hút những nhà, những phố.
Những ruộng vườn ăm ắp một thời nay đã thành quá vãng. Đô thị hóa, công nghiệp hóa đang “nuốt” mất những làng mạc trù phú, những cánh đồng một thời thẳng cánh cò bay.
Tôi cảm nhận mùa Xuân đến trên quê mình bao điều mới. Sắc diện làng quê hôm nay đổi thay thật nhiều. Mừng lắm lắm. Đến đầu làng, chợt thấy lọt thỏm trong lớp lớp nhà mới xây chiếc cổng làng còn xót lại. Xa xa, chẳng còn thấy mái đình cong vút thuở nào. Những vuông đất cuối cùng bên đình đã được “người ta” chuyển đổi thành nhà.
|
Bao điều mới trong dằng dặc tiếc nuối!
Thế mà có lúc, tôi đã ao ước về quê được thấy những nhà máy bề thế. Nhà máy, ngô, khoai, sắn… hay gì đó cũng được, miễn là những người dân quê tôi không còn cảnh “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” giữa trưa hè trời nắng chang chang hay mùa đông rét cắt da thịt. Một thời khó khăn ấy, ai cũng mơ thế. Nhưng giờ đây, nhiều vùng đấy đã thành phố thị, thành khu công nghiệp. Chật trong niềm vui xưa cũ, là những âu lo bình yên bị xâm lấn.
Rồi người ta cũng “thử nghiệm” công nghiệp hóa ở làng phía bên kia sông quê tôi để giải tỏa “niềm mong ước” đeo bám. Ngược xuôi những xe lớn, máy móc ầm ì; đất được san gạt, đổ thêm phế liệu để tôn nền cao thêm và quây tường dựng lên những khu công nghiệp bề thế. Màu xanh của lúa dần được thay thế bằng bê tông, tôn, thép, bằng những ống khói lừng lững phả giữa trời quê xanh thắm.
Nhưng, cái giá của công nghiệp hóa “xâm lược” đồng ruộng cứ dần hiển hiện. Đầu tiên là năng suất các vụ lúa cứ thấp dần. Cây lúa cứ choằn xuống, bông như cái kim, hạt kẹp lép. Tiếp đến là đầm ao, mương hồ ô nhiễm với đủ loại chất thải nhầy nhụa. Đất xưa trù phú là thế, bẫng nước lên là xanh tốt. Nay những khúc sông nước cũng không còn trong như trước, đã bắt đầu chuyển màu. Lo quá, người dân thi nhau “tẩm bổ” cho đất. Nào ka li, lân, đạm, nào phân chuồng, phân xanh, cái gì được coi là làm cho cây tốt, đất màu mỡ đều được dân “tiếp ứng”. Đất có đổi thịt, lúa có thay da, nhưng năng suất cũng chẳng cải thiện được bao nhiêu.
Nhưng rồi, làng cũng không “đứng” được trong cái dòng chảy khắc nghiệt của công cuộc công nghiệp hóa, đô thị hóa. Từng khoanh ruộng một, cứ thế người ta bán dần. Cứ thế ruộng thành biệt thự, khách sạn, nhà máy, “gặm nhấm” dần những bờ bãi trù mật. Làng bây giờ đã sắp thành phố thị. Người làng hết ruộng cũng dần bỏ đi tứ xứ kiếm ăn. Làng quê dần vắng bóng thanh niên. Bình yên nay trở thành bình lặng.
Bây giờ về quê, đi trên những con đường làng phẳng băng vẫn khó tìm được cái cảm giác thênh thang với những cánh đồng ngút mắt; không còn mùi thơm ngai ngái của lúa lên đòng mà thấy thân quen như đang đứng ở quê mình.
Những đồng ruộng trù mật đang dần trở thành ký ức!
Tháng Chạp. Nghe tiếng đất trở mình. Trong niềm vui vỡ òa trước mùa xuân của lanh canh chúc tụng, tràn trề hân hoan vật chất. Cứ muốn thấy lại những thanh âm bình dị thuở nào, muốn được thấy lại cánh đồng trước nhà ngày xưa với lũy tre xanh lao xao trong Xuân sớm.
Ai đó bảo, ấy chỉ là hoài niệm. Nhưng mất đi những hoài niệm, cũng có nghĩa tự đánh mất mình!